Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT VII TN Năm A (Lv19, 1-2.17-18) 19/02/2017

"Hãy yêu thương bạn hữu như chính mình."

Trích sách Lê-vi.

 

1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng:

2 "Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.

17 Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.

18 Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.

 

Sẽ nên « như những vị thần », có một ngày nào đó chúng ta cũng mơ như thế … và sách Sáng Thế kể lại lỗi lầm A-đam và E-và nói rằng đó là vấn nạn của chúng ta! « Ông bà sẽ như những vị thần » (St 3, 5), đó là lời hứa, hay đúng hơn là lời dối trá của con rắn và triển vọng ấy làm cho họ sa ngã. Thế nhưng chính Chúa nói với chúng ta: « Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh ». Đây là một mệnh lệnh, hơn thế nữa, là một lời kêu gọi, sứ mạng của chúng ta. Vì thế chúng ta không lầm khi chúng ta mơ muốn là vị thần! Thánh vịnh 8 nói rằng: « 6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên » (Tv8, 6). Thế nhưng nếu thực sự muốn giống Thiên Chúa, phải có những ý tưởng đúng về Thiên Chúa.  

Những chương đầu Thánh Kinh đã nói con người được tạo dựng giống Thiên Chúa, có lẽ chúng ta cũng nên hỏi như thế là sao. Tôi xin bắt đầu bằng chương thứ nhất sách Sáng Thế: « Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất » (St 1, 26). Thành ngữ: « Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta » làm cho ta hiểu con người giống ở quyền lực và tính vương giả.

Sau đó một chút, cũng sách Sáng Thế lại nói đến sự giống Thiên Chúa: « Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa », và xa hơn một ít câu, khi nói về các con của A-đam: « Khi ông A-đam được một trăm ba mươi tuổi, thì ông sinh ra một người con trai giống như ông, theo hình ảnh ông », lần này chúng ta có cảm tưởng những chữ giống và theo hình ảnh mang nghĩa thường hiểu như khi nói đứa con giống cha: « cha nào con nấy ». Sau cùng, câu chúng ta thường quen thuộc: « Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. » (St 1, 27) muốn nói lên đôi vợ chồng được sáng tạo cho tình yêu và đối thoại với nhau là hình ảnh của Thiên Chúa tình yêu. Thật sự con người được sáng tạo để làm vua các tạo vật. Nhưng tính vương giả dành cho con người là một quyền lực tình yêu chứ không phải thống trị.

Phải nhiều thế kỷ dân chúng mới hiểu những chữ thánh thiện và tình yêu là đồng nghĩa. Thánh, các bạn hẳn còn nhớ chữ này của ngôn sứ I-sa-i-a. Trong chương 6 ngài miêu tả sứ vụ của mình, trong lúc ở trong Đền Giê-ru-sa-lem, ông được có một thị kiến và một thị kiến lạ lùng, bị chói lòa, ông chỉ còn biết kêu lên « Thánh, Thánh, Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh! » Chữ Thánh có nghĩa: Chúa là Đấng Thật Khác Biệt, có một hố sâu cách xa chúng ta với Ngài. Đồng thời ngôn sứ I-sa-i-a được một mặc khải, cái hố sâu ấy chính Chúa vượt qua và như thế, khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta giống Ngài là chúng ta cũng có thể vượt qua… dĩ nhiên nhờ Ngài, hay có thể nói với ân sủng Ngài.

Hai câu cuối của bài hôm nay chỉ là cách áp dụng câu: « Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. » Một cách cụ thể: ngươi không được có ý nghĩ thù hận nào, ngươi không báo thù, không giữ niềm hận thù trong lòng, ngươi phải yêu thương… đó là giống Thiên Chúa: Ngài không biết hận thù, không biết báo oán, không giữ hiềm khích trong lòng. Chính vì Ngài là Tình yêu nên Ngài mới là Đấng Thật Khác Biệt. Và chỉ tiệm tiến, từng chút từng chút các ngôn sứ làm cho dân hiểu giống Thiên Chúa thánh thiện, vỏn vẹn chỉ là phát huy khả năng yêu thương.

Như thế không có nghĩa là chúng ta mất đi khả năng phán đoán đâu là đúng đâu là sai: « Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó… » (c17). Quở trách với ý thức ngay lành là một nghệ thuật thật khó. Thế nhưng đó cũng là tình yêu. Muốn điều tốt lành cho kẻ khác, có thể ngăn họ sa vào hố. Chỉ trích vì yêu thương làm cho lớn lên. Nhưng Chúa nhẫn nại với chúng ta: không phải một ngày một buổi cách hành xử chúng ta giống Ngài! Nếu tôi dựa các tin tức nghe thấy đó đây mỗi ngày, có lẽ sẽ còn lâu lắm! … Nhưng Chúa sử dụng một phương pháp sư phạm rất tiệm tiến: lúc bài này được viết ra chưa có tình yêu hoàn vũ, bài chỉ nói: « 17 Ngươi không được để lòng ghét người anh em… Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình ». Đây cũng là giai đoạn đầu của phương pháp sư phạm của Thánh Kinh… Nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su trong dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu mở rộng giới hạn vòng tha nhân ra vô tận.

Đấy là vương quyền chúng ta được mời gọi: khi chúng ta mơ được như các vị thần, chúng ta đương nhiên nghĩ đến thống trị, quyền lực và nhất là có quyền năng thắng bệnh tật và sự chết. Trong lúc Thiên Chúa mời gọi chúng ta giống Ngài là Ngài kêu gọi chúng ta thánh thiện, sự thánh thiện của chính Ngài, không liên quan gì với một thứ thống trị nào cả! Sự thánh thiện này chỉ có tình yêu và dịu dàng. Điều này có lẽ khó cho chúng ta; nhưng một lần nữa, có lẽ chúng ta ít khi là «  những kẻ kém lòng tin ».

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com