"Thiên Chúa kêu gọi và chiếu soi chúng ta."
Trích thư thứ hai của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi chi Ti-mô-thê.
8 …dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
9 Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su,
10 nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su đã xuất hiện. Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử
Thánh Phao-lô đang bị cầm giữ trong nhà giam Rô-ma, thánh nhân biết không bao lâu sẽ bị hành quyết: ngài trao lại những lời khuyên bảo cuối cùng cho người môn đệ yêu dấu Ti-mô-Thê: « … dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. » Lao khổ ngài nói ở đây là sự bách hại; không thể nào tránh được cho một môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô. Nếu sự lao khổ không thể tránh được cho những ai liều lĩnh loan báo Tin Mừng, thế thì ta tự hỏi tại sao trong vài quốc gia các Ki-tô hữu lại không bị bách hại ? Phải chăng các xứ ấy đã được hoàn toàn phúc âm hoá ? Thật khó tin… Hay là việc loan báo Tin Mừng của chúng ta đã bị nhạt vị đi rồi ?
Cụm chữ « loan báo Tin Mừng » được lặp lại cuối bài có vẻ như bài này được trình bày theo thể văn có thể gọi là thể kẹp. Đoạn trung tâm được đóng khung giữa hai từ ngữ giống nhau, cho chi tiết giải thích Tin Mừng ấy là gì. Tất cả được tóm gọn trong vài chữ: « 9 Người đã cứu độ … trong Đức Ki-tô Giê-su » (c9). « Chúa đã cứu độ » đó là quá khứ, là điều đã được rồi, nhưng đồng thời muốn cho con người đi vào trong ơn cứu độ ấy thì Tin Mừng phải được loan báo cho họ. Vì thế, thật vậy chúng ta được trao cho một ơn gọi thánh: « Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, … Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su ». Ơn gọi thánh vì được trao ban từ Chúa chí thánh, ơn gọi thánh vì không khác gì loan báo kế hoạch của Chúa, ơn gọi thánh vì kế hoạch Thiên Chúa cần chúng ta hợp tác: mỗi người phải nhận phần tham dự của mình, như Thánh Phao-lô nói. Nhưng tôi nghĩ rằng « ơn gọi thánh » còn có ý nghĩa khác: kế hoạch của Chúa cho chúng ta, cho nhân loại quá vĩ đại nên đáng được gọi như thế. Vì nếu nghĩ như Thánh Phao-lô nói về « Kế hoạch yêu thương » của Chúa, thì ơn gọi của cả nhân loại là làm cho chỉ còn nên một với Chúa Giê-su Ki-tô, ta là Chi Thể còn Chúa Ki-tô là Đầu và đi vào hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi thánh. Ơn gọi đặc biệt của các Tông Đồ cũng nằm trong ơn gọi hoàn vũ cho nhân loại.
« Người đã cứu độ » (c9). Trong Thánh Kinh chữ cứu độ luôn luôn đồng nghĩa với giải thoát. Cũng phải có một sự mặc khải tiệm tiến về thực tại ấy cho dân của Giao Ước: Chúa muốn con người tự do và Ngài không ngớt can thiệp để giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức của nô lệ. Về những hình thức nô lệ, nhân loại chịu mọi thứ nô lệ: nô lệ chính trị như những năm nô lệ ở Ai-cập, hay khi bị đày bên Ba-by-lon chẳng hạn, và cứ mỗi lần như thế Ít-ra-en nhận ra công trình của Chúa khi họ được giải thoát; nô lệ xã hội, thế nhưng trong Lề Luật (Luật Tô-ra) các ngôn sứ không ngừng kêu gọi hoán cải tâm hồn để mọi người có điều kiện sống xứng đáng và tự do; nô lệ tôn giáo, còn độc hại hơn nữa (có câu bất hủ « Hỡi Tự do, có bao nhiêu người sát nhân, nhân danh ngươi! », còn có người nói quá đáng hơn « Hỡi tôn giáo có bao nhiêu người phạm tội giết người nhân danh mi! »… Và các ngôn sứ rất kinh khủng về vấn đề này để nghiêm cấm và tránh xa mọi hình thức thờ lạy bụt thần: Lề Luật, tất cả không có chủ đích gì khác hơn là để giải thoát chúng ta. Rốt cuộc sự nô lệ - điều nô lệ kinh khủng nhất - đó là sự chết. Hẳn các bạn biết thánh vịnh 109. Bài này loan báo Đấng Mê-si-a như một vị vua chiến thắng mọi kẻ thù, và Thánh Phao-lô áp dụng cho Chúa Giê-su, nói rằng Ngài chiến thắng sự chết. Thánh vịnh 109 chép: « Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con. » (Tv 109 (110), 1) và Thánh Phao-lô nói thêm trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin - tô: « Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết » (1Cr 15, 26)
« Chính Đức Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử » (c10). Chúng ta nhận xét nơi đây những đối kháng của Thánh Phao-lô: - sự chết/sự sống, tối tăm/ánh sáng - Các bạn có thể nói: chúng ta vẫn tiếp tục chết kia mà; thật vậy, nhưng từ nay sự chết đối với chúng ta như một giai đoạn phải qua nhưng bên kia là ánh sáng, ánh sáng chiếu không suy tàn. Sự chết thể lý thuộc về cấu tạo thể chất của cơ thể, làm bằng bụi đất, như sách Sáng thế nói, nhưng sự chết không tách lìa chúng ta khỏi Chúa Giê-su Ki-tô. Và đó là món quà nhưng không Chúa ban. Các bạn cũng như tôi nghe Thánh Phao-lô nhấn mạnh: « Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Ki-tô Giê-su » (c9). Ân sủng ấy trở nên hiện thực qua cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng Thánh Phao lô nhấn mạnh đến sự kiện kế hoạch ấy của Thiên Chúa đã có « từ muôn thuở ». Chúa Giê-su Ki-tô biểu lộ trước mắt chúng ta bằng sự sống của Ngài, sự chết của Ngài và sự phục sinh của Ngài, thế nhưng Chúa vẫn luôn hiện diện cạnh bên Đức Chúa Cha. Ân sủng ấy Ngài đã ban cho chúng ta từ trước muôn thuở, và bây giờ chúng ta mới thấy được. Tôi xin trở lại câu bất hủ trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô: « Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thươngNgười đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô, » (Ep 1, 9-10). Vỏn vẹn câu ngắn này cũng đủ để làm cho chúng ta mạnh dạn: mỗi khi chúng ta được gọi phục vụ loan báo Tin Mừng, chúng ta có thể đặt hết tin tưởng vào sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương