Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CHÚA NHẬT III MC Năm A (Xh 17, 3-7) 19/03/2017

"Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống".

Trích sách Xuất Hành

 

Ở đó, dân khát nước nên đã kêu trách ông Mô-sê rằng: "Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không? "

4 Ông Mô-sê kêu lên cùng ĐỨC CHÚA: "Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con! "

5 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Ít-ra-en; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi.

6 Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống." Ông Mô-sê đã làm như vậy trước mắt các kỳ mục Ít-ra-en.

7 Ông đặt tên cho nơi ấy là Ma-xa và Mơ-ri-va, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách ĐỨC CHÚA mà rằng: "Có ĐỨC CHÚA ở giữa chúng ta hay không? "

 

Dù các bạn có cố gắng tìm trên bản đồ sa mạc Si-nai mấy đi nữa các bạn cũng không tìm thấy một địa danh nào tên Ma-xa Mơ-ri-va, nó không có thực, chỉ là một tên tượng trưng. Ma-xa có nghĩa là « thách đố », Mơ-ri-va có nghĩa là « gây sự », bởi vì, thật vậy đây là một truyện thách đố, gần như một cuộc nổi loạn xảy ra ở đó. Câu truyện xảy ra tại Rơ-phi-đim, giữa sa mạc, một nơi nào đó giữa Ai-cập và Do-thái. Bài chỉ vỏn vẹn nói: « Họ đã đóng trại ở Rơ-phi-đim » (Xh 17, 1). Ông Mô-sê hướng dẫn dân chúng (đàn ông, phụ nữ trẻ con, súc vật) từ nơi cắm trại này đến nơi cắm trại khác, từ điểm nước này đến điểm nước khác. Nhưng đến đoạn Rơ-phi-đim thì thiếu nước. Dễ hiểu thôi, giữa hoang địa - lại còn trời nóng bức - việc thiếu nước có thể nhanh chóng trở nên rất trầm trọng và có thể suy biến. Thân thể mất nước nhanh chóng, trở nên vấn đề sinh tử và làm chúng ta hốt hoảng.

Toàn dân bị hốt hoảng. Làm gì được trong trường hợp này ? Tổ tiên chúng ta trong thế kỷ thứ XIII trước CN làm giống y như chúng ta ngày nay: quay về buộc tội chính phủ; và chính phủ lúc ấy là ông Mô-sê. Ai cũng dễ buộc tội ông Mô-sê quá, trốn khỏi Ai-cập tìm tự do thì tốt đấy, nhưng để chết ở hoang địa thì có ích gì ? Và hơn nữa người ta có khuynh hướng tô đẹp thêm những kỷ niệm, mọi người bắt đầu mủi lòng nhớ về quá khứ và về những nồi thức ăn và nước uống dư tràn nơi chủ họ ở Ai-cập.

Cuộc nổi loạn dấy lên chống ông Mô-sê nhưng thật ra nhắm kẻ khác: nhắm chính Thiên Chúa, vì họ biết sở dĩ ông Mô-sê đến nay dẫn dắt dân chúng, là theo lệnh ông được lãnh nhận, ông tuyên bố lãnh nhận khi xưa, khi Thiên Chúa nói với ông trong bụi gai bừng cháy, và Ngài nói: « Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập » (Xh 3, 8) … Thiên Chúa này là ai mà quả quyết giải thoát cả một dân tộc và đưa họ đến chỗ chết đói, chết khát trong một hoang địa khô cằn ?

Bài nói rằng ông Mô-sê kêu lên cùng Chúa: « Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con! » (c4). Chúa trả lời: « Ngươi hãy … cầm lấy cây gậy … Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống » (c5…6). Phần sau câu truyện được kể lại trong sách Dân Số: ông Mô-sê đập vào tảng đá - chính xác là đập hai lần hơn là một lần, có lẽ cho an toàn - và dân chúng được giải khát. Bài chúng ta đọc hôm nay trích từ sách Xuất Hành chỉ viết một cách đơn sơ: « Ông Mô-sê đã làm như vậy trước mắt các kỳ mục Ít-ra-en » (c6)

Nước tuôn ra trước tiên làm giải khát và đấy cũng là một sự khuây khỏa mối lo vô cùng. Nhưng hơn thế nữa, một xác tín được tìm lại Thiên Chúa vẫn ở đấy « giữa dân Ngài », như người ta thường nói, tức là ở bên cạnh họ và Ngài dẫn dân Ngài trên con đường tìm tự do. Phải nói rằng đó là con đường gay go. Bởi vì có lúc, họ bị cám dỗ tin ngược lại. Tôi nói rõ là bị cám dỗ, vì thật sự họ đã bị sa ngã trước cơn cám dỗ. Họ đi đến tìm ông Mô-sê để nói lên nỗi sợ và bức xúc của họ, họ còn đi đến ngờ vực ý định của ông và cả của Thiên Chúa.

Câu: « Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không? » (c3), có thể muốn nói hai điều. Hoặc muốn nói, ông muốn đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập nhưng ông quá vụng về nhưng không thoát được (nếu để đi đến mệnh hệ này thì thà đừng làm), hay muốn nói tệ hơn nữa: chúng tôi đã hiểu, ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập, ông đưa chúng tôi tận sâu trong hoang địa cho chúng tôi chết khát để ông rảnh tay với chúng tôi. Và đấy là họ kết án ông Mô-sê và nhất là Chúa có những ý không ngay lành. Thay vì tin tưởng, cậy trông và nói « Chúa muốn chúng ta tự do, Chúa sẽ tìm mọi cách cho chúng ta được sống ». Và đấy tại sao nơi này trong ký ức dân tộc Ít-ra-en không được gọi Rơ-phi-đim như một nơi cắm trại trước kia, như tên mọi nơi cắm trại; điều vừa xảy ra quá hệ trọng. « Ông đặt tên cho nơi ấy là Ma-xa và Mơ-ri-va, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách ĐỨC CHÚA mà rằng: "Có ĐỨC CHÚA ở giữa chúng ta hay không? » (c7). Theo cách nói đời nay chúng ta có thể nói: « Chúa theo chúng ta, hay chống lại chúng ta ? » 

Trên đây tôi có nói đến « cám dỗ », bị cám dỗ ngờ vực Thiên Chúa. Dân tộc Ít-ra-en trước những khó khăn của sự tranh đấu dành tự do, ngờ vực ý định của Chúa cứu độ. « Ngài đem chúng tôi đến đây để cho chúng tôi chết ». Cơn cám dỗ ấy cũng là cơn cám dỗ của chúng ta: vấn đề lúc nào cũng như thế, luôn luôn như thế vì vậy mà được gọi là « tổ tông », tức là nguồn gốc của mọi sự dữ. Tác giả của bài tường thuật về vườn Địa Đàng chỉ trình bày dưới dạng trải nghiệm Ma-xa và Mơ-ri-va để làm cho chúng ta hiểu ngờ vực Thiên Chúa là đầu độc cuộc sống chúng ta. A-đam đứng trước một điều răn ông không hiểu, nghe tiếng nói của ngờ vực cho rằng Thiên Chúa không muốn điều lành cho nhân loại. Mỗi chúng ta đều thấy khó khăn phải tin tưởng, trông cậy khi gặp thử thách của đau khổ hay những điều răn khó tuân giữ ... Ai nói cho chúng ta biết rằng Chúa muốn cho chúng ta thật sự tự do và hạnh phúc ?

Sở dĩ Chúa Ki-tô dạy Kinh Lạy Cha cho các môn đệ, chính là đặt họ trong bầu khí tin tưởng giữa Cha-con. « Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ », câu này có thể dịch lại: xin gìn giữ chúng con vững mạnh để những Rơ-phi-đim đừng trở nên Mác-xa, hay các bạn có thể chọn: xin đừng để những nơi thử thách trở nên những nơi ngờ vực. Trong khó khăn, tiếp tục gọi Chúa là « Cha », tức là xác nhận Ngài luôn là Ê-ma-nu-en », có nghĩa là « Chúa ở cùng chúng ta »

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com