Alleluia, alleluia! - Chúa phán: « Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta,
và các chiên Ta biết Ta » - Alleluia.
-----------------
"Ta là cửa chuồng chiên".
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.
1 "Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.
2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử.
3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra.
4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.
5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ."
6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.
8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ.
9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.
10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Hẳn là Chúa Giê-su đề nghị cho chúng ta đại loại như một bài Hoà tấu đồng nội (LND: đề tựa một tiểu thuyết của André Gide 1919, hay bài hoà tấu của Beethoven). Phải tưởng tượng phong cảnh bên Trung Đông, đàn súc vật ban đêm được quy tụ trong chuồng có người canh gác kỹ. Buổi sáng người chủ chăn đến thả chúng ra và đưa ra đồng cỏ. Thế nhưng công thức được lặp đi lặp lại: « Amen, amen » hay là « thật, Ta bảo thật » đem lại cho đoạn này một giọng nói có tính cách rất quan trọng. Chúng ta được loan báo, vài lời này sẽ chạm đến sự gì đó rất hệ trọng. Chính là mầu nhiệm ngôi vị Chúa Ki-tô được ẩn sau những hình ảnh này.
Đoạn văn chúng ta đang đọc thật ra, lần lượt gồm hai dụ ngôn nhỏ: dụ ngôn người chăn chiên và dụ ngôn cái cổng. Thánh Gio-an nói rõ hai dụ ngôn này nhắm đến các người Pha-ri-sêu: Chúa Giê-su kể cho họ đầu tiên « Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ » (c6). Thế rồi Ngài tiếp theo bằng một bài thứ hai, đại khái như đặt lại vấn đề thái độ của những người Pha-ri-sêu, thuộc giáo quyền thời ấy. Ngay trước đó Thánh Sử Gio-an vừa kể việc chữa lành người mù bẩm sinh. Hẳn các bạn còn nhớ thái độ tương phản giữa Chúa Giê-su đối với người này, với thái độ các người Pha-ri-sêu. Họ xua đuổi người ấy đi; Chúa Giê-su thì trái lại, cho người đến, chữa lành và làm cho người ấy hoán cải (Ga 9, 40). Trong dịp này Chúa Giê-su chê trách chính sự mù loà của họ: « Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn! » (Ga 9, 41)
Cái tội Chúa chê trách những người Pha-ri-sêu là họ quá tự tin, làm cho họ hóa ra mù loà: họ là những người Do Thái rất sốt sắng, có một quan điểm đặc biệt mãnh liệt về tầm quan trọng vĩ đại của Thiên Chúa; có lẽ họ quên rằng Chúa đồng thời là Đấng Siêu Việt, Ngài cũng là Đấng Hết Sức Gần Gũi. Chúng ta thường được mặc khải trong Cựu Ước. Hình như họ có khuynh hướng « quá thần thiêng », như người ta thường nói, làm cho họ không thể rao giảng về sự gần gũi của Chúa.
Vì thế bài dụ ngôn đầu làm họ lạc hướng. Bài nói lên mối quan hệ tin tưởng nhau giữa chủ chăn và đàn chiên: « chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh ». Các người Pha-ri-sêu rất hiểu cách nói như thế, họ rất hiểu người chăn chiên là Thiên Chúa, và đây là mối quan hệ với Chúa. Nhưng chính quan hệ gần gũi như thế đối với họ không thể chấp nhận: có vẻ như từ chối điều gọi là tính cực thánh của Thiên Chúa, hố sâu chia cách Thiên Chúa với chúng ta. Vì lẽ ấy, Thánh Gio-an nói cho chúng ta: « Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ. » (c6) (Có nơi được dịch « Họ không hiểu tầm quan trọng những gì Ngài nói cho họ »)
Thánh Gio-an tiếp: « Vậy, Đức Giê-su lại nói: » (c7). Ngài nói với họ đại để như sau: các ông có lý khi nói Thiên Chúa là Thánh, Đấng không thể với tới được, và con người tự sức mình không thể tiếp cận Ngài được; nhưng chính Thiên Chúa mở cổng cho các ông để gặp Ngài; cổng ấy là Tôi đây: « Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu » (c7)
Hẳn đây là đề tài được Thánh Gio-an rất yêu chuộng. Thiết nghĩ việc so sánh với cái cổng nói lên hai điều: Chúa Giê-su là cổng ấy, cổng đưa vào Chúa Cha: « Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống » (Ga 14, 6); ngoài ra chỉ có Ngài là cổng dẫn đến Chúa Cha: « Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy » (Ga 14, 6b). Ai khác hơn Ngài tự cho mình là đường đưa đến Thiên Chúa, họ chính là kẻ trộm cướp… Chúa Giê-su là Đấng và là Đấng duy nhất làm cho Đấng Siêu Việt trở Thành Đấng Thật Gần Gũi: nơi Ngài chúng ta có thể chiêm ngắm Đấng chúng ta không thể nhìn mà không chết, Đấng Vô Hình, Đấng Không Thể Tiếp Cận: « Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy » (Ga 14, 7).
Cho chúng ta, tôi sẵn lòng rút lấy hai bài học. Trước hết, tuỳ chúng ta quan tâm nhiều điểm này hay điểm nọ, chúng ta có khuynh hướng thổi phồng lên một khía cạnh nào đó của Mầu nhiệm Thiên Chúa - đối với kẻ này là tính thánh thiện của Chúa, có nguy cơ quên đi tính gần gũi của Ngài, đối với người khác nặng về sự dịu dàng trìu mến của Chúa lại có nguy cơ quên đi Ngài là Đấng Siêu Việt, và tư tưởng của Chúa không phải tư tưởng của chúng ta. Thánh Gio-an mời gọi chúng ta giữ cùng chung hai phương diện của Mặc khải.
Bài học thứ hai là sau đây. Chiên theo chủ chiên vì biết tiếng của Người: đàng sau hình ảnh đồng áng ấy chúng ta có thể đọc lấy một thực tế của đời sống đức tin. Những người cùng thời chúng ta không theo Chúa Ki-tô, sẽ không trở nên môn đệ của Ngài, nếu chúng ta không cho họ nghe Lời của Chúa. Tôi muốn nói nhân dịp này một lần nữa, lời mời gọi bằng mọi cách cho mọi người nghe thấy « tiếng của Ngài ».
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương