"Thiên Chúa đã tôn Người làm Chúa và làm Đấng Ki-tô".
Trích sách Tông đổ Công vụ.
14 Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng:
36 Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô."
37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? "
38 Ông Phê-rô đáp: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần.
39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi."
40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ."
41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
Chúng ta tiếp tục đọc bài giảng Thánh Phê-rô tại Giê-ru-sa-lem, buổi sáng ngày lễ Ngũ Tuần. Vì từ nay ngài được đầy Chúa Thánh Thần, Thánh Phê-rô đọc được chương trình của Thiên Chúa, có thể nói như có sách mở trước mắt: đối với ngài tất cả đều sáng sủa rõ ràng. Ngài nhớ lại lời tiên tri Giô-en khi xưa loan báo: « Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm » (Ge 2, 28), và đối với thánh nhân đó là điều hiển nhiên: chúng ta đang ở trong buổi sáng của ngày lời hứa ấy được chu toàn. Chúa Thánh Thần đổ Thần Khí trên hết thảy người phàm chính bởi qua Chúa Giê-su, người bị loại, bỏ đi, bị con người trừ khử, nhưng được phục sinh, được Thiên Chúa nâng lên.
« Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô » (c36). Đối với người Do Thái, các danh hiệu Chúa và Đấng Ki-tô dành cho Chúa Giê-su thật là táo bạo. Ki-tô đồng nghĩa với Đấng Mê-si-a, tức là đặt trên Đức Giê-su mọi ước mong của dân tộc Ít-ra-en. Thế nhưng, sở dĩ vì lòng ngay, rất nhiều người đương thời với Chúa Giê-su đã muốn cái chết của Ngài, chính vì tính cách Mê-si-a không rõ ràng hiển nhiên chút nào. Chúng ta cũng đã thấy chính cái chết của Ngài cũng không có vẻ là bằng chứng Ngài là Đấng Mê-si-a. Thánh vịnh 91 chính xác nói rằng Thiên Chúa bảo vệ Đấng Mê-si-a của Ngài (Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Tv 91, 4)
Danh hiệu thứ hai: Đấng Giê-su là Chúa. Từ ngữ Chúa có lúc để nói đến Thiên Chúa, có lúc lại nói về Đấng Mê-si-a. Ví dụ như trong thánh vịnh 109 (110) câu (c1) được hát: « ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi » có nghĩa là Đức Chúa ngỏ cùng vua tôi, Đấng Mê-si-a của tôi. Thánh Phê-rô lặp lại bài thánh vịnh trong nghĩa ấy. Nhưng sau này khi đọc lại, bài thánh vịnh vượt qua một giai đoạn khác và loan báo mầu nhiệm Đấng Giê-su: một dân làng Na-da-rét là Đấng Mê-si-a, là Thiên Chúa.
Từ đấy, câu nói rằng: « Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô » (36) có lẽ nên hiểu như nghĩa « mặc khải », « thể hiện ». Một khi Đấng Ki-tô là Thiên Chúa, Ngài sẽ là thế đời đời, không thay đổi. Nhưng nhân tính của Ngài, nhân tính ấy thay đổi, biến hình bởi hành động phục sinh; và từ nay thiên tính của Ngài, trước kia bị che đi trước mắt con người, nay thể hiện, được cho nhìn thấy cho những ai chấp nhận rước lấy Chúa Thánh Thần.
Các thính giả của Thánh Phê-rô: « Nghe thế, họ đau đớn trong lòng » (c37), Thánh Lu-ca nói cho chúng ta như thế. Ở đây chúng ta chạm đến mầu nhiệm hoán cải: họ đến Giê-ru-sa-lem để hành hương, chắc chắn với tấm lòng cởi mở và Thánh Phê-rô chạm vào thâm sâu trong lòng họ. Họ đặt một câu hỏi rất đơn sơ như lúc hỏi ông Gio-an Tẩy Giả trên bờ sông Gio-đan: « Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? » (c37) và câu trả lời cũng đơn sơ, giống y như thế: « Anh em hãy sám hối » (c38).
Sau đó Thánh Phê-rô phát biểu tương tự như thế: « Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này » (c40). Hoán cải, theo cách nói của Thánh Kinh chính xác là quay trở lại, quay đầu ra sau lưng. Hình ảnh ẩn sau cách phát biểu ấy là hai con đường (hai hướng đi): có thể đi sai đường: « thế hệ gian tà », đi lầm đường. Trong cách nói như thế ấy, chắc chắn không nên hiểu với ý khinh miệt: Thánh Phê-rô chỉ nhận xét. Thế hệ đương thời của Chúa Ki-tô và các Tông đồ phải đối đầu với một thách đố thật sự: nhận ra Đức Giê-su, Đấng mọi người chờ mong, mặc cho bề ngoài trái hẳn lại; lỗi phạm từ một sự sai lầm phán đoán, lầm đường. Nhận xét ấy của Thánh Phê-rô là lời kêu gọi những người đến nghe, một lời kêu gọi hoán cải, quay đầu đi ngược lại.
Một cách cụ thể là xin lãnh nhận phép rửa tội: «… chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô » (c38) và nơi đây chúng ta có một bài giáo lý tân tòng nho nhỏ của Giáo Hội sơ khai: « Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần » (c38).
Lúc bấy giờ Thánh Phê-rô nhắc lại lần nữa lời loan báo của tiên tri Giô-en: « Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm » (Ge 2, 28); và ngài triển khai những từ sau cùng. « người phàm » có nghĩa là Thiên Chúa đã dành những lời hứa ấy cho anh em: « đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa » (c39). Thánh Phê-rô ngụ ý nói đến một câu bất hủ của tiên tri I-sa-i-a: « Ta sẽ làm cho môi miệng chúng hoan ca: "Bình an! Bình an cho khắp xa gần (dân ngoại và dân Chúa chọn)! ĐỨC CHÚA phán: Ta sẽ chữa lành cho nó."» (Is 57, 19). Dân Ít-ra-en cảm thấy gần gũi Thiên Chúa, nhờ đời sống trong Giao Ước: họ là dân Chúa chọn, là đứa con, như tiên tri Hô-sê nói. Các dân tộc khác có vẻ ngoài Thiên Chúa, xa lạ với Thiên Chúa.
Hôm ấy có ba ngàn người được nhận phép rửa, ba ngàn người Do Thái trở nên Ki-tô hữu. Họ thuộc về từ nay Thánh Phê-rô gọi là những người « thân cận ». Nhưng dần dần, suốt sách Công vụ Tông đồ, sau đó trong lịch sử Giáo Hội, những người xa cách gia nhập những kẻ được Chúa gọi. Hướng đến những người ấy, Thánh Phao-lô viết trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô: « Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét » (Ep 2, 13-14)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương