"Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần"
Trích sách Tông Đồ Công Vụ
5 Ông Phi-líp-phê xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho dân cư ở đó.
6 Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm.
7 Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành.
8 Trong thành, người ta rất vui mừng.
14 Các Tông Đồ ở Giê-ru-sa-lem nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phê-rô và ông Gio-an đến với họ.
15 Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần.
16 Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su.
17 Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.
Các bài đọc từ chúa nhật này sang chúa nhật khác theo thứ tự sách Công vụ Tông đồ, nhưng không đủ thời gian, chúng ta không đọc toàn bộ sách, và chúng ta chỉ đọc nhanh chóng tuần tự các đoạn ngắn. Chúa nhật vừa qua chúng ta đã đọc bài tường thuật chọn lựa bảy người được giao nhiệm vụ giúp đỡ các bà góa cộng đồng Giê-ru-sa-lem; hôm nay chúng ta đang ở xứ Sa-ma-ri-a với anh Phi-líp-phê, một trong bảy người ấy. Nhưng có chuyện gì xảy ra giữa thời gian ấy đến hôm nay ? Chúng ta đang trong một bầu khí phấn chấn hay gần như thế; có người nói: « lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin » (Cv 6, 7). Thật ra, bài hôm nay không nói rõ cho chúng ta rằng, từ hôm đó đến hôm nay tuy không bao lâu, mọi việc không hay lại xảy ra.
Rất lạ lùng, cũng từ nhóm người Hy Lạp gốc Do Thái, xảy ra những khó khăn từ bên trong cộng đồng Ki-tô (những khó khăn đã dẫn đến thành lập nhóm 7 người) và cũng tại vì họ mà nảy sinh những vấn đề trong các cộng đồng Do Thái gốc Hy Lạp. Không lâu sau, Nhóm Bảy người được chọn này là mục tiêu của các bạn đồng hương của họ. Thánh Lu-ca kể lại rằng anh Tê-pha-nô, một trong bảy người ấy, bị những người Do Thái gốc Hy Lạp trong đền thờ gây hấn. Các bạn hẳn biết đoạn sau câu truyện Tê-pha-nô bị bắt, bị hành quyết. Những chống đối nay ra mặt: « Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri… Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa. » (Cv 8, 1…4). Đoạn tiếp theo, sách Công vụ cho chúng ta biết họ qua Phê-ni-xi, Sýp và An-ti-ô-khi-a (Cv 11, 19)
Đấy là diễn biến các sự kiện. Cuộc tử đạo của Tê-pha-nô không làm dịu đi cơn thịnh nộ những người đối lập, mà cũng không làm cho những Ki-tô hữu trẻ hăng say hơn; duy chỉ những người có nguy cơ bị bách hại lẩn tránh và thực sự làm cho việc truyền giáo « bùng lên ». Có thể nói nhờ sự bách hại, Tin Mừng vượt khỏi khu vực Giê-ru-sa-lem và đi đến các thành phố ngoài xứ Giu-đa và Sa-ma-ri. Sau này, người ta còn nhớ câu sau cùng của Chúa Giê-su, ngày lễ Thăng Thiên: « anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất. » (Cv 1, 8). Chính xác, đó là những gì đang xảy ra. Thật là một điều ngược đời, sự thử thách ấy - bách hại và cộng đoàn bị ly tán - làm cho việc rao giảng Tin Mừng được mở rộng. Có thể nói việc rao giảng Tin Mừng chạy « mở hết máy ».
Thật tình ông Ga-ma-li-ên có lý. Ga-ma-li-ên, là một người Pha-ri-sêu khả ái nhất trong Tân Ước. Thánh Lu-ca nói về ông trong chương 5 sách Công vụ Tông đồ. Ông lý luận như một người có đức tin. Đề cập đến các Tông đồ, ông nói: « Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông. » (Cv 5, 38-39).
Vì lẽ ấy anh Phi-líp-phê xuống vùng Sa-ma-ri, nhưng thay vì trốn tránh, anh đứng ra rao giảng. Hơn nữa, ta thấy rõ ràng nhanh chóng anh vượt qua sứ vụ anh được giao phó: tiên khởi anh Phi-líp-phê được chọn trong số Bảy người để dọn bàn cho các bà góa Giê-ru-sa-lem, để cho các Tông đồ - Nhóm Mười Hai - được rảnh tay tiếp tục cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa.Và chúng ta nhận ra bây giờ anh là người rao giảng vùng Sa-ma-ri. Vì thế phải biết uyển chuyển: một sứ vụ có thể có nhiều mặt khác nhau; nhu cầu của cộng đoàn mới quyết định. Dù sao đi nữa, anh Phi-líp-phê rõ ràng vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với những đấng đã trao sứ vụ cho anh, vì lẽ ấy cộng đoàn Giê-ru-sa-lem gửi đến cho anh hai vị, Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô để có thể nói, chính thức hóa công việc anh làm. Hình như nơi đây chúng ta nhận ra một mẫu gương để duy trì cân bằng: cảm thấy tự do canh tân trong các sứ vụ của mỗi chúng ta và đồng thời giữ mối liên lạc với cơ chế… không phải trở nên những loại vệ tinh tự do.
Lúc bấy giờ anh Phi-líp-phê bắt đầu rao giảng. Thánh Lu-ca nói: « Ông Phi-líp-phê … rao giảng Đức Ki-tô », câu rất xúc tích có nghĩa là: Chúa Giê-su thành Na-da-rét đã sống lại, Ngài là Đấng Mê-si-a mọi người trông đợi. Làm chứng cho sự phục sinh của Đấng Ki-tô là trung tâm điểm của mọi cách rao giảng của các Tông đồ. Chúng ta tự hỏi ngày hôm nay nữa, sứ điệp ấy dưới mắt thế gian có còn là trung tâm điểm của sự rao giảng đạo Ki-tô nữa không.
Một đặc điểm khác của Giáo Hội sơ khai, theo Thánh Lu-ca, đó là niềm vui: ngài thường đề cập đến trong sách Công vụ Tông đồ. Ngay trong bầu khí bách hại, ngài còn nghĩ đến niềm vui. Ví dụ như khi các Tông đồ bị đánh đòn, họ hạnh phúc xứng đáng chịu những xúc phạm vì DANH Chúa (5,41) « Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su », bởi vì họ xem các ông được như người thân cận Đức Ki-tô; khi người thái giám của nữ hoàng xứ Ê-thi-ô-pi được Phi-líp-phê làm phép Rửa trên đường Ga-da, anh ta ra đi « lòng đầy hoan hỷ » (8, 39); khi ông Ba-na-bê lần đầu tiên đến An-ti-ô-khi-a xứ Xi-ri « ông Ba-na-ba mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa » (11, 23); sau cùng Thánh Phao-lô về sau dạy rằng niềm vui là một trong các hoa trái của Chúa Thánh Thần « Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín » (Gl 5, 22). Chúng ta thường có thói quen nói rằng chúng ta sẽ được phán xét qua tình yêu… có lẽ chúng ta cũng sẽ được xét xử qua niềm hoan lạc.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương