Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN VII PHỤC SINH Năm A (Ga 17, 1-11a ) 28/05/2017

Alleluia, alleluia!

- Chúa phán: Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ đến với các con,
và lòng các con sẽ vui mừng.
- Alleluia.

-----------------

"Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

 

1 Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha.

2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người.

3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.

4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm.

5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.

6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha.

7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha,

8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.

9 Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.

10 Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ.

11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.

 

Thánh Gio-an khởi đầu bài Tin Mừng bằng phần Lời Tựa, chúng ta đều biết và đó là cách ngài chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Ở đây không phải bài Phúc Âm nhưng chính Chúa Giê-su đưa chúng ta vào lời nguyện của Ngài. Như một « bài ca tình yêu » của người con viết cho Cha. Lời « nguyện » của Chúa Giê-su vừa là một lời ca ngợi vừa là một ơn xin. Ơn xin hai điều: vinh quang của Cha và đức tin cho các anh em Ngài; hai thứ đều đi đôi với nhau. Trong cách chiêm ngắm, Ngài thấy tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại, và Ngài xin hoàn tất kế hoạch yêu thương ấy.

Để lời nguyện rung động trong tim chúng ta, phải bắt đầu « trang phục trái tim », như con chồn nói với « người Hoàng Tử Nhỏ », trong câu truyện của văn hào Antoine de Saint Exupery. Bởi vì lời nguyện của Chúa Ki-tô giống như Thánh Kinh, thấm nhuần đức tin và lòng cậy trông Ít-ra-en, nhưng cách diễn tả làm chúng ta lạc hướng: cách nói đánh vòng như một vòng xoay. Khi ngắm một bức tranh, người ta nhìn qua nhìn lại không theo một cách thức khoa học nào; mắt nhìn qua nhìn lại bức tranh và luôn ngừng nơi nguồn ánh sáng, làm rung động cả cấu trúc bức tranh. Nơi đây Chúa Giê-su nhìn ngắm bức họa lịch sử loài người, trong giờ phút Ngài sắp ký tên đỉnh cao kết thúc công trình của mình.

« giờ đã đến! » (c1). Đó là giờ mọi tạo vật chờ đợi như cuộc sinh đẻ: giờ hoàn tất kỳ công Thiên Chúa. Nguồn ánh sáng làm rung động trước cảnh bích họa, đó là công trình Thánh Phao-lô nói trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô: «Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô » (Ep 1, 9-10). Nơi khác, khi Thánh Phao-lô viết cho tín hữu Cô-rin-tô, ngài đổi chữ « thủ lãnh » bằng « đầu ». Thánh Gio-an, về phần ngài, ngài dùng chữ quyền, « Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân »(c2). Ba từ Thủ lãnh, Đầu, Quyền nói lên mạnh mẽ mối liên hệ giữa Chúa Ki-tô và nhân loại. Ngài là đầu của một thân thể to lớn trong đó chúng ta là các chi. Bởi Ngài chúng ta đến với Chúa Cha: « Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. » (c2); Ngài là cổng ra vào, là đường, là thân nho mà chúng ta là ngành… chúng ta nhận ra đây vô số hình ảnh được triển khai suốt Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.

« Người ban sự sống đời đời ». Sự sống đời đời không phải kết quả của nỗ lực hay xứng đáng của ta mà là ân huệ nhưng không từ Thiên Chúa. Cái lô-gíc ân huệ nhưng không được khắc ghi mạnh mẽ trong bài này. Chúa Cha ban uy quyền cho Chúa Con, Chúa Con ban sự sống đời đời cho nhân loại. Chúa Cha ban con người cho Chúa Con, Chúa Cha ban lời Ngài cho Chúa Con, Chúa Con ban Lời Ngài cho anh em mình… Thánh Gio-an nhấn mạnh vào chữ « ban cho », điều này trùng với tòan bộ Thánh Kinh: có cả một thế giới khác biệt giữa thái độ của người muốn dùng sức mình vươn lên để sống thân mật với Chúa và người chỉ biết mình bé nhỏ và chờ đợi Chúa tràn ơn cho.

Cái lô-gíc của ân huệ nhưng không, đó là cách của Chúa Con, Đấng sống đời đời trong cuộc đối thoại đầy yêu thương với Cha Ngài. Thánh Gio-an nói Ngài luôn luôn hướng về Chúa Cha. Và bởi vì không có một tì bóng gì giữa hai Đấng, Ngài phản chiếu vinh quang của Chúa Cha. « ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy ». Giữa hai Đấng tất cả là tình yêu, đối thoại và chia sẻ: « Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; » (c10)

Vinh quang Chúa Cha là công trình của Ngài, kế hoạch yêu thương của Ngài: vinh quang Chúa Con là ban sự sống đời đời, tức là hoàn tất công trình; vinh quang của nhân loại là đi vào sự hiệp thông yêu thương ấy. Quả thật, chỉ có một thực tế trên đời, và thực tế ấy đang được hoàn tất trong cuộc đối thoại giữa Chúa Con, đang quy tụ toàn nhân loại trong Ngài, với Chúa Cha. 

Công trình ấy của Chúa, Thánh Phao-lô nói rõ đã được lập ra từ rạng đông của thế gian: « Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô »(Ep 1, 9-10). Không phải Chúa thay đổi chương trình. Lời nguyện Chúa Giê-su do Thánh Gio-an cũng nói điều ấy: « xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. » (c5)  

Thì đây, « giờ đã đến » như Chúa nói, nhưng thành thật mà nói, chúng ta vẫn còn chờ. Như Thánh Au-gút-ti-nô nói về Lễ Thăng Thiên « Đầu chúng ta đã lên trởi, nhưng các chi còn ở dưới đất ». Thánh Phao-lô phát biểu cách khác trong thư gửi tín hữu thành Rô-ma: « cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở » (Rm 8, 22).

Từ đầu bài, tôi có nói đến « Lời Tựa » trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Hình như bây giờ mọi điều đã rõ sau khi đọc lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, một cách nào đó, giống như một bài có nghĩa như đọc đảo ngược lại: «Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác . »

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com