"Nếu anh em bị xỉ nhục vì danh Chúa Ki-tô, thì phúc cho anh em."
Trích thư thứ nhất Thánh Phê-rô Tông đồ.
13 Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.
14 Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.
15 Đừng có ai trong anh em phải chịu khổ vì tội giết người, trộm cắp, làm điều gian ác hoặc dây mình vào việc người khác;
16 mà nếu có ai phải chịu khổ vì danh hiệu Ki-tô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh hiệu đó.
Thánh Phê-rô rao giảng cho những người gọi là « Ki-tô hữu », một nhóm nhỏ mới được thành lập trong đế quốc Rô-ma, có thể nói một giáo phái mới. Họ xáo trộn, dĩ nhiên rồi, vì họ không làm giống ai, và bởi vì họ quấy rầy, họ bị vu khống mọi điều xấu xa, bị cho là sát nhân, trộm cắp, sống ngoài vòng pháp luật, kẻ tố giác… tại sao không ? Rất dễ làm ra khói mà không có lửa.
Giáo phái hay không giáo phái, tương lai sẽ nói cho biết: thấy trái sẽ biết cây. Không phải sự thành công của nhóm nói lên chất lượng của nhóm: Chúa Giê-su đã chết trong cô đơn, phần đông các bạn cũ đã bỏ Ngài… Nhiều trưởng giáo phái thì được trọng vọng…
Lúc ấy, khi Thánh Phê-rô viết cho những tín hữu vùng Trung Á, danh nghĩa Ki-tô Giáo không được xem trọng mấy. Nghĩ cho cùng, tương quan với chúng ta, chúng ta cũng có cùng vài điểm chung với họ.
Nếu tôi dựa vào các phương tiện truyền thông, vinh quang của chúng ta, chúng ta múc lấy từ khi sinh ra, từ những chức tước, văn hoá, bằng cấp, các huy chương thể thao, sắc đẹp, tiền của, nhà cửa … Ai trong chúng ta trong lý lịch của mình lại có ý ghi vào Bí Tích Rửa Tội của mình ? Chúng ta không thấy có gì vinh quang trong ý nghĩa trần thế của việc này.
Thánh Phê-rô dựa trên một phân loại khác: đối với ngài, phẩm giá cao trọng nhất, đó là Ki-tô hữu. Các danh hiệu khác không đáng giá gì.
Thế nhưng hiện tại, danh hiệu ấy chỉ đem lại nhiều phiền toái. Thánh Phê-rô nói dứt khoát: anh em « chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô » (c13); ngài có ý nói chia sẻ sự đau khổ là không được thông cảm, bị cách biệt, dèm pha như Chúa Giê-su khi Ngài giữ khoảng cách với các giới cầm quyền. Bởi vì Ngài tiếp tục loan báo sứ điệp của Ngài không để một ai cản ngăn được. Chính vì sự trung tín ấy mà Ngài phải hy sinh tính mạng. Đến phiên những tân Ki-tô hữu phải trực diện với sự chống đối tương tự, thánh nhân cố gắng cho họ can đảm để đứng vững chờ ngày mai tươi sáng hơn, ngày vinh quang Chúa Ki-tô được mặc khải, như ngài nói.
Câu ngài dùng: « Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu » (c13) - rất giống một trong các mối Phúc Thật Chúa Giê-su đã loan báo: « Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế. » (Mt 5, 11-12). Nói câu này, Chúa Giê-su miêu tả chính dung nhan Ngài. Kể từ nay, Thánh Phê-rô áp dụng dung nhan này cho những ai mang tên Chúa Ki-tô. Ngài còn dùng từ « chia sẻ »: « Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô », như thế có nghĩa, anh em hãy vui mừng lên vì anh em được kết hiệp thân tình trong Chúa Ki-tô, trong những đau khổ của Ngài, anh em chịu đựng để trung thành với danh Ngài và sứ mạng của Ngài; và bởi vì anh em kết hiệp với những đau khổ của Ngài, anh em cũng sẽ kết hiệp với vinh quang của Ngài, ngày kia sự thật sẽ rõ ràng.
Cũng phải cương quyết ở một điểm: đau khổ không phải chính nó là mục đích. Mục đích là ngày kia sự thật sẽ được mặc khải. Nếu đau khổ là mục đích thì Chúa Giê-su không trải qua suốt cuộc đời công khai của Ngài để giúp đỡ, chữa lành, tha thứ, nâng dậy, mang lại can đảm, đón tiếp những người bị lọai trừ từ mọi phía, ngay cả làm cho La-da-rô hay con bà góa sống lại… Nếu đau khổ tự nó là mục đích, thì các tiên tri không ngừng tuyên bố ngày của Thiên Chúa, là ngày của mọi chữa lành của ơn cứu độ. Mục đích không phải là đau khổ mà kết hiệp với Chúa Ki-tô và với Chúa trong Thần Khí tình yêu, trong mọi tình huống hạnh phúc hay đau khổ trong đời chúng ta.
Thánh Phê-rô chỉ ra một con đường để tiếp cận trường hợp rất đặc biệt, là khi bị bách hại vì danh Chúa Ki-tô. Con đường ấy chứa đựng trong công thức: « Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu » (c13) mà tôi so sánh với những Mối Phúc Thật. Ý nghĩa một Mối Phúc Thật: vừa là một lời ngợi khen, vừa là một loan báo và một lời khuyến khích. Khuyến khích như muốn nói: hoan hô… sở dĩ họ đối xử với bạn như thế bởi vì bạn giống Chúa Ki-tô, và như thế bạn xứng đáng mang danh Ki-tô hữu. Loan báo bởi vì: một ngày kia Chúa Giê-su sẽ được mọi người nhìn ra, trong có có bạn; và ngày ấy mọi người sẽ nhìn nhận bạn đã không lầm. Khuyến khích bởi vì, đó là điều lô-gíc với nhũng gì vừa mới nêu lên: con đường bạn đi là đúng, hãy can đảm lên… Hơn nữa Thánh Kinh theo Chouraqui dịch chữ « phúc cho ai » là « lên đường ».
Thánh Phê-rô nói như người đã trải nghiệm: sở dĩ ngài bắt đầu chối Chúa, bởi vì lúc ấy ngài sợ kết hiệp với những đau khổ của Chúa; nhưng sau khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, không có gì có thể ngăn cản hành động rao giảng của ngài. Để trả lời chính quyền cấm ngài nói về Chúa Giê-su ngài đơn giản trả lời: « Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra. » (Cv 4, 20). Và khi các lời hăm dọa bắt đầu thành thực tế, sách Công vụ Tông đồ kể lại sau khi bị đánh đòn: « Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su. » (Cv 5, 41). Nhưng những điều đó Thánh Phê-rô chỉ thực hiện được sau khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Phải chăng khi được tràn đầy Thần Khí Chúa Giê-su mới có can đảm đối diện với những bách hại vì danh Ngài và được cảm nhận niềm vui kỳ lạ kết hiệp với Ngài, tận trong đau khổ ? Không lạ gì Giáo Hội cho chúng ta nghe bài này của Thánh Phê-rô trong thời điểm phụng vụ tái khám phá vai trò Chúa Thánh Thần trong đời sống trong các cộng đoàn chúng ta.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương