Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN VII PHỤC SINH Năm A (Cv 1, 12-14 ) 28/05/2017

"Mọi người đều đồng tâm cầu nguyện"

Trích sách Tông đồ Công vụ.

 

12 Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát

13 Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê.

14 Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

 

Thánh Lu-ca xác định rằng các Tông đồ rời núi Ô-liu và quay về Giê-ru-sa-lem gần đó: ngài còn nói rõ đoạn đường  được phép đi ngày Sa-bát. Đó là điều người ta gọi là « đường Sa-bát », có nghĩa là khoảng cách tối đa được phép đi không trái luật ngày nghỉ (khoảng chừng 1Km; chính xác là 2.000 khuỷu tay, tính theo chiều dài cánh tay, khoảng chừng 50cm). Nhưng tại sao phải chính xác như thế ? Các nhà viết Thánh Kinh không bao giờ quan tâm đến những chi tiết hoàn toàn có tính cách địa lý! Thế thì có một trong hai lý do: hoặc chúng ta đang trong ngày Sa-bát. Không có gì nói rõ điều ấy; điều chính xác duy nhất trong các Thánh Kinh, đó là trong Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca, thánh sử chỉ nói Chúa Lên Trời 40 ngày sau Phục Sinh. Vì lẽ đó mà ngày Lễ Thăng Thiên được chọn vào ngày thứ Năm.

Trong các Phúc Âm khác không có nói gì về đề tài này. Ví dụ như nơi Thánh Mát-thêu, không có tường thuật Chúa thăng thiên; ngài chỉ kể lại Chúa hiện ra cho hai phụ nữ (Ma-ri-a Ma-đa-la và bà Ma-ri-a kia) đã ra mộ và một lần Chúa hiện ra cho các môn đệ xứ Ga-li-lê, trong dịp ấy Ngài nói câu sau đây, chúng ta đều biết: « Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. » (Mt 28, 18-20)

Thánh Gio-an thuật lại dài hơn nhiều lần Chúa Giê-su hiện ra sau khi phục sinh, một lần cho bà Ma-ri-a Ma-đa-la và ba lần khác cho các môn đệ, và lần sau cùng ở Biển Hồ; nhưng ngài cũng không thuật lại Chúa lên trời. Sau hết, Thánh Mác-cô thuật lại Chúa Giê-su hiện ra cho bà Ma-ri-a Ma-đa-la và hai môn đệ đi về quê, sau đó cho Mười một Tông đồ. Nhóm Mười Một này, Chúa gởi họ đi rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới và Thánh Mác-cô kết luận bài Tin Mừng bằng câu: « Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa » (Mc 16, 19) 

Tóm lại chúng ta gần như không biết gì nhiều về khung cảnh Chúa lên trời, và không có gì chứng minh rằng đó là ngày Sa-bát. Từ đó tôi nghiệm ra Thánh Lu-ca quan tâm đến khoảng cách giữa Giê-ru-sa-lem và Vườn Cây Dầu là hoàn toàn có tính cách thần học. Chính tại Giê-ru-sa-lem là nơi hoàn tất kế họach yêu thương của Thiên Chúa. Nơi đây Chúa Con được tôn vinh, tại đây được nối kết Giao Ước Thiên Chúa và nhân loại, ở đấy được ban Thần Khí Thiên Chúa.

Hơn nữa cũng ở đấy Chúa Giê-su nói phải đợi ơn Chúa Thánh Thần. Tin Mừng theo Thánh Lu-ca kết thúc bằng lời dặn dò của Chúa Giê-su: « Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống. » (Lc 24, 49). Vậy thì đời sống của Giáo Hội sơ khai bắt đầu từ thành thánh và Thánh Lu-ca kể thành phần của nhóm: Nhóm Mười Một và vài người phụ nữ, bà Ma-ri-a mẹ Chúa Giê-su và vài thành viên của gia đình. Ở đây cũng thế, có các chi tiết chắc chắn không vì lý do giai thoại: chúng ta đã có tên tất cả các Tông đồ, vì thế không phải để thông báo thành phần Tông đồ cho chúng ta! Thánh Lu-ca muốn đánh dấu sự liên tục trong cộng đồng các Tông đồ: chính những con người này đã đồng hành với Chúa Giê-su trong đời trần thế, bây giờ dấn thân vào sứ vụ. Và họ chỉ có thể là chứng tá cho sự Phục Sinh chỉ vì họ là chứng nhân cuộc đời, sự Thương Khó và cái chết của Chúa Giê-su.

Chúng ta tìm lại nơi đây cả nhóm Chúa Giê-su đã chọn, từ những hoàn cảnh rất đa dạng của mỗi người đến đáng kinh ngạc: từ thành viên phái Zelote (ngày nay ta gọi là một người kháng chiến) đến một người thu thuế (kẻ cộng tác với quân chiếm đóng) đến những người chài lưới trên bờ hồ… việc rao giảng Tin Mừng dựa trên cộng đồng những người, với những thực tại như thế, không kể một vài phụ nữ kết hợp cùng với nhóm này. Cộng đồng này bắt đầu cuộc đời Hội Thánh trong cầu nguyện « đồng tâm nhất trí » (c14), Thánh Lu-ca nói như thế. Thì đấy, có lẽ là phép lạ đầu tiên của các Tông đồ! Đồng tâm nhất trí cầu nguyện trong lúc Thầy đã ra đi, ở lại một mình với nhau với tính đa dạng của họ có nguy cơ là lý do chia rẽ.

Nhìn thoáng bên ngoài hình như họ tự lo lấy một mình! Nhưng sở dĩ Chúa Giê-su không hiện diện, nhưng không vì thế Ngài vắng mặt. Chúng ta vừa đọc câu sau đây trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu: « Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. » (Mt 28, 20). Có lẽ câu này có thể soi sáng chúng ta thế nào là cầu nguyện, Chúng ta không cầu nguyện để Chúa Giê-su đến gần chúng ta, vì Ngài đang gần gũi chúng ta trong mỗi giây phút; nhưng chúng ta cầu nguyện để được chìm đắm trong sự hiện diện của Ngài.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com