Alleluia, alleluia!
- Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa,
và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. - Alleluia.
----------------
"Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai các con: các con hãy nhân lấy Thánh Thần"
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
Chúng ta đã gặp đoạn Tin Mừng này trong chúa nhật thứ hai Phục Sinh nhưng bài hôm nay mang lại cho chúng ta một ánh sáng mới nhờ các bài đọc khác được đề nghị trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Ví dụ như việc đối chiếu Tin Mừng theo Thánh Gio-an với tường thuật các sự kiện Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong sách Tông đồ Công vụ làm chúng ta chú ý đến hơi thở: « Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần »(Ga 20, 22); trong lúc sách Công vụ Tông đồ nói đến một luồng gió mạnh: « bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp » (Cv 2, 2). Trong lúc bài thánh vịnh 103, cũng trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hát rằng: « Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này » (Tv 103, 30). Và cũng là tiếng vang của tường thuật tạo dựng trong sách Sáng Thế: « ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. » (St 2, 7). Điều này có nghĩa là Chúa Thánh Thần đối với chúng ta là hơi thở cho sự sống, và Thần Khí là một tạo dựng mới cho chúng ta.
Điều đáng chú ý thứ hai về hơi thở. Dường như thứ tự được Thánh Gio-an chọn để thuật cho chúng ta các sự kiện Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là cả một bài học. Tôi xin lặp lại ba câu trong thứ tự: 1/ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con; 2/ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (c22); 3/Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ » (c23). Câu 1 và câu 3 nói một sứ vụ, câu giữa nói đến ơn Chúa Thánh Thần. Điều này có ý nói ơn Chúa Thánh Thần là để thực hiện một sứ vụ. Và sứ vụ là tha tội. Đó cũng là sứ vụ Chúa Giê-su, hơn nữa Ngài cũng nói: « Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em ». Chúa Giê-su, Đấng được sai đi, đó cũng là một đề tài quan trọng của Thánh Gio-an.
Đến lượt chúng ta, Chúa Giê-su cũng sai chúng ta, và Thánh Gio-an dùng cùng một từ ngữ. Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đi và chúng ta cũng được Chúa Giê-su sai đi. Chúng ta có cùng sứ vụ với Chúa Giê-su, Ngài trao ban cho chúng ta. Để nói lên trách nhiệm của chúng ta, sự tín nhiệm Ngài dành cho chúng ta. Thế nhưng điều này bao gồm mọi người nhận phép Rửa Tội, bởi vì Hội Thánh thấy cần xác định cho mọi người đã nhận Phép Rửa Tội. Và sứ vụ Chúa Giê-su, cho dù chỉ dựa vào Tin Mừng theo Thánh Gio-an, đó là cất đi tội lỗi mọi người. Tôi muốn nói là « tiệt trừ » tội lỗ thế gian. Và như con chiên Thiên Chúa: « Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian » (Ga 1, 29), như ông Gio-an Tẩy Giả nói. Con chiên ở đây là kẻ hiền lành có tâm hồn nghèo khó đứng trước các đao phủ của mình (như tiên tri I-sa-i-a nói chương trong 52 - 53); đó cũng là con chiên lễ Vượt qua Đấng đã ban mạng sống của mình để cứu độ dân của Chúa. Câu của ông Gio-an Tẩy Giả vượt hẳn việc giải phóng khỏi Ai-cập, nhắm đến việc giải thoát khỏi tội lỗi, tức là hận thù và bạo lực.
Chúa Giê-su thường nói đến sứ vụ của Ngài « Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. » (Ga 3, 17; 16b). Hình như những lời xác quyết của Chúa Giê-su về sứ mạng của Ngài soi sáng câu khó hiểu hôm nay: « Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ » (c23). Phần đầu rất thích hợp cho chúng ta, nhưng phần sau làm cho chúng ta bối rối. Để bắt đầu, tôi mạn phép nói lại khác đi một chút, hi vọng không làm méo mó ý nghĩa: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em không tha tội cho ai, thì người ấy không được tha.
Không thể nào Cha chúng ta trên trời có thể không tha tội cho chúng ta! Từ lâu, Cựu Ước cũng đã hoàn toàn đưa ra ánh sáng sự tha thứ đi trước ngay cả khi chúng ta hoán cải. Nơi Thiên Chúa, sự tha thứ không phải một hành động nhất thời, mà là từ bản chất của Ngài là tha thứ. Chúa chỉ là ân ban và tha thứ. Đặc tính của lòng thương xót là nghiêng về kẻ khốn khổ, mà khốn khổ thì chúng ta là kẻ khốn cùng.
Vì thế Chúa Ki-tô trao quyền cho các môn đệ, quyền ấy là nói lên lời tha thứ của Chúa; từ đó phần thứ hai của câu ấy trao cho chúng ta một trách nhiệm thật kinh khủng: không nói lên lời tha thứ của Chúa, để cho thế gian không biết đến sự tha thứ ấy, để cho thế gian sống trong thất vọng của họ. Chúng ta có quyền không nói lên sự tha thứ của Chúa, và để thế gian không được biết đến. Nói đến đây làm cho chúng ta muốn hành động ngay!
Sự tha thứ của Chúa có thể được loan báo bằng hai cách: bằng lời nói, và bằng hành động của chúng ta. Điều đòi hỏi nơi chính chúng ta là tha thứ. Đối với thế gian chúng ta là những chứng nhân sự tha thứ của Thiên Chúa. Đó là sự Tạo dựng mới: Thần Khí của ân sủng và tha thứ được trao tặng cho chúng ta. Chức năng tha thứ được thổi vào cho chúng ta trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Chúa thổi vào chúng ta (LND= tiếng Pháp chữ thổi có nghĩa thứ hai là nhắc nhở). Trong rạp kịch có một người nhắc khi người đóng kịch quên… Kể từ nay chúng ta có một Đấng nhắc nhở chúng ta những lời lẽ và những cử chỉ tha thứ. Đến lượt Thần Khí Chúa biến chúng ta thành những con chiên của Thiên Chúa, Ngài ban cho chúng ta chức năng thắng vòng xoáy luẩn quẩn của hận thù và bạo lực. Ấy là cái « Ngày thứ Tám » bất hủ Cựu Ước đã loan báo, ngày cả nhân loại rốt cục sống tình yêu và tha thứ.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương