"Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể."
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Tôi nói cho anh em biết: ... không ai có thể nói rằng: "Đức Giê-su là Chúa", nếu người ấy không ở trong Thần Khí.
4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.
5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.
6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.
7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.
12 Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy.
13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
« Tự do, bình đẳng, huynh đệ »: ba khẩu hiệu này không phải từ Thánh Phao-lô, nhưng rất có thể phát xuất từ ngài. Và có lẽ chúng ta chưa hết khám phá các lời tuyên bố của ngài có tính cách cách mạng như thế nào! Ví dụ như, một trong những điểm đáng chú ý nhất của Thánh Phao-lô cách triển khai bài chúng ta vừa nghe, ngài gạch xoá bằng một nét bút khẳng định mọi suy tưởng về giai cấp, hay tính cao trọng, Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, tất cả những điều quan tâm thế tục của chúng ta, không có gì đáng kể nữa cả. Từ nay chỉ có một điều đáng kể: bí tích Rửa Tội của chúng ta trong Thần Khí duy nhất của Chúa, tham dự vào thân thể duy nhất của Chúa Ki-tô. Tất cả những cách biệt trần tục của chúng ta không đáng kể nữa: hết rồi những thái độ quan tâm tới sự cao trọng hay thấp hèn. Mọi kỳ thị không còn có thể được. Cách nhìn của Chúa khác hẳn « Giữa anh em thì không được như vậy » (Mt 20, 26). Chúa nói như thế cho các Tông đồ.
Dĩ nhiên các vấn đề của các tín hữu thành Cô-rin-tô không hẳn là các vấn đề của chúng ta. Rõ ràng, đối với họ những lý do chia rẽ bắt đầu từ nguồn gốc: « Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do » (1Cr 12, 13). Nhưng các cộng đoàn thời đó chưa được cấu trúc rõ ràng, vì thế chúng ta luôn gặp khó khăn khi miêu tả tổ chức các cộng đồng Ki-tô tiên khởi. Nhưng ý tưởng của Thánh Phao-lô giúp chiếu rõ nhiều vấn đề. Nơi chúng ta những vấn nạn có nguồn gốc xã hội hay chủng tộc vẫn tồn tại, nhưng còn thêm vào đấy những khó khăn để sống thanh thản và mỗi người tìm thấy được chỗ đứng thích hợp với mình trong cấu trúc của Giáo Hội mặc dù đã được lập nên từ 2000 năm nay.
Và sứ điệp đầu tiên của Thánh Phao-lô hôm nay, đó là trong Giáo Hội của Chúa Ki-tô chính là một Giáo Hội có sứ mạng là một nơi được huấn luyện không còn nghĩ đến chuyện cao trọng, thứ bậc, tặng thưởng, vinh dự. Nơi khi được trao một nhiệm vụ không phải là một thăng chức hay là một hình thức trá hình hạ chức. Nơi mà nhậm chức thánh không trao cho một đặc quyền ăn trên ngồi trước. Nếu phải vẽ ra một Hội Thánh, biểu hình này không phải một hình kim tự tháp, nhưng là một đám đông chung quanh Một Người (Dĩ nhiên Một Người viết hoa)
Thánh Phao-lô cũng vẽ. Nhưng ngài vẽ đơn giản là một thân thể: Chúa Ki-tô là đầu, và tất cả những người được rửa tội, chúng ta là chi thể. Và những ai trong chúng ta được chịu chức thánh, chính những người ấy có vai trò là dấu chỉ hữu hình của sự hiện diện vô hình của Chúa Ki-tô trong thân thể của họ. Điều này không mang cho họ một sự cao trọng mà một sứ vụ. Chúng ta mặc dù không ai giống ai: tuổi tác, lý lịch cũng mang lại cho mình phần nào quan trọng… thế nhưng không như mọi người tưởng.
Thì đây là sứ điệp thứ hai của Thánh Phao-lô: tính đa dạng của chúng ta là một hồng ân. Không phải ngẫu nhiên ngài dùng nhiều lần từ ngữ ân sủng: « Có nhiều đặc sủng khác nhau; Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người (LND: đã nhận ân sủng) một cách, là vì ích chung » (4.7). Ở đây cũng thế, cuộc đời đảo ngược, vì thông thường sự đa dạng làm cho chúng ta đau khổ; chúng ta thường trải nghiệm điều này trong phụng vụ. Thánh Phao-lô trái lại mời gọi chúng ta vui lên vì điều này: tính đa dạng là một sự giàu có! Và một cách nghịch lý chính tính đa dạng xây dựng sự hiệp nhất của chúng ta. Đó là một sứ điệp lớn lao trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, chúng ta thấy trong bài tường thuật sách Sứ vụ Tông đồ. Thật tình, nếu chúng ta tưởng tượng biểu hiện Giáo Hội bằng một hình vẽ, chúng ta có thể vẽ một đám đông, nhưng là một đám đông với tất cả các màu da.
Hiệp nhất trong đa dạng là một thách đố lớn, nhưng chúng ta có thể thắng được một khi Thần Khí ban cho là Thần Khí Tình Yêu, Tình Yêu kết hiệp Chúa Cha và Chúa Con. Vì lẽ ấy, có một cách rất hay để đọc bài này là thay vào chữ Thần Khí bằng Tình Yêu.
***