"Các vị đuợc tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói."
Trích sách Tông đồ Công vụ.
1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi,
2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.
3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một.
4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về.
6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.
7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư?
8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?
9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a,
10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây;
11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa! "
Trước khi là ngày lễ Ki-tô, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống là một lễ Do Thái (LND: còn được gọi là Lễ Ngũ Tuần). Lễ này đã từng có từ nhiều thế kỷ; trước khi là một lễ Do Thái, đó là một ngày lễ hội nhà nông, mừng mùa gặt hái. Không ai biết rõ ngày này xuất phát tự khi nào, chỉ biết được nhắc đến đây đó trong lịch sử, trong các nghi thức được nhắc lại trong truyền thống. Còn về lễ Ngũ Tuần, trước tiên là một ngày lễ nông thôn, nhưng dần dần các kỷ niệm về Giao Ước được ghép vào đó và ý nghĩa tôn giáo trội vượt hơn những ý nghĩa khác. Xin mở ngoặc, Cũng như sự kiện xảy ra cho Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, lễ Phục Sinh cũng xảy ra tương tự như thế.
Lễ Vượt qua (LND nay Ki-tô giáo gọi là lễ Phục sinh) đã có trước ông Mô-sê. Các nghi thức là ngày các nông dân và cả người làm nghề chăn nuôi mừng mùa xuân đến. Và có lẽ có mối liên quan giữa hai lễ, một là đầu mùa xuân, lễ kia là khi vừa cuối mùa gặt hái. Hai lễ cách nhau một mùa gặt, có thể từ 6 đến 8 tuần. Thế mà sách Xuất Hành kể lại rằng cuộc giải thoát khỏi Ai-cập xảy ra vào ngày Lễ Vượt Qua. Từ nay khi cử hành các nghi lễ của tổ tiên vào mùa xuân, tưởng niệm Lễ Vượt Qua, cũng là dịp suy niệm Thiên Chúa giải thoát dân Ngài.
Vì lẽ đó dần dần lễ Vượt Qua trở thành lễ Thiên Chúa giải thoát khỏi Ai-cập. Cũng như thế, sách Xuất Hành nói cho chúng ta Thiên Chúa đã ban các Bia Lề Luật cho ông Mô-sê vài tuần sau ngày được giải thoát khỏi Ai-cập và vì vậy lễ được mùa cũng được thêm phong phú mang một ý nghĩa mới: trở thành Lễ được ban Lề Luật. Sau này người ta ấn định ngày cho hai lễ ấy, hai lễ cách nhau chính xác 7 tuần (và ngày lễ thứ hai, lễ chúng ta đang đề cập được đặt tên theo tiếng Do Thái là « shavouôth », có nghĩa là « những tuần », theo tiếng Hy-lạp là « pentecote » nghĩa là « năm mươi »: 7 tuần lễ, tức là 49 ngày, lễ mừng ngày thứ năm mươi.)
Dần dần trong suy niệm, dân Ít-ra-en khám phá giữa hai ngày lễ một ý nghĩa thâm sâu. Lễ Vượt Qua là một cuộc giải phóng thể lý: thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, nhưng có những nô lệ khác ngoài nô lệ thể lý. Lễ Ngũ Tuần mừng được Lề Luật, được hiểu là cuộc giải thoát siêu nhiên. (Dân Ít-ra-en hiểu Lề Luật là con đường dẫn đến tự do)
Thời Chúa Giê-su Ki-tô, lễ Ngũ Tuần Do Thái, lễ được ban Lề Luật, là một lễ rất quan trọng: đó là một trong ba lễ người ta lên đền Giê-ru-sa-lem hành hương. Câu đầu bài đọc hôm nay nhắc chúng ta đến điều ấy: « Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi ». Dĩ nhiên Thánh Lu-ca nói ở đây về các môn đệ, nhưng phần sau của bài nói dân chúng đầy nhiệt thành có mặt tại Giê-ru-sa-lem, đến từ khắp nơi hằng ngàn người Do Thái sùng đạo có khi đến từ những nơi xa xôi; « Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về » (c5). Thật vậy năm Chúa Giê-su chết, rất nhiều người đến Giê-ru-sa-lem. Tôi cố tình nói « Chúa Giê-su chết » không nói đến sự Phục Sinh của Ngài, vì việc này lúc ấy còn là điều chỉ được biết trong vòng thân mật. Các người đến từ khắp nơi, hẳn có người chưa hề được biết ông Giê-su thành Na-da-rét là ai. Năm ấy cũng như mọi năm, lễ Ngũ Tuần cũng như những lễ Ngũ Tuần khác. Mọi người đến Giê-ru-sa-lem với lòng sùng kính, trong đức tin, và phấn chấn của một cuộc hành hương để hâm nóng lại Giao Ước với Thiên Chúa.
Đối với các môn đệ dĩ nhiên, lễ Ngũ Tuần này, năm mươi ngày sau Lễ Vượt Qua của Chúa Giê-su, Đấng họ biết là Đấng Ki-tô, có nghĩa là Đấng « Mê-si-a », họ đã thấy, đã nghe, đã được chạm vào sau khi Ngài Phục sinh, ngày lễ Ngũ Tuần hôm nay không còn như mọi lễ Ngũ Tuần khác nữa. Không có nghĩa là họ biết chuyện gì sắp xảy ra!
Để cho chúng ta hiểu chuyện gì xảy ra, Thánh Lu-ca tường thuật cho chúng ta với những từ ngữ chính xác được ngài chọn kỹ để gợi lên ít nữa ba tài liệu rút từ Cựu Ước. Ba bài ấy là Lề Luật được ân ban, một lời của tiên tri Giô-en, và giai đoạn tháp Ba-ben. Bắt đầu bằng sa mạc Sinai, các lưỡi lửa ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, có tiếng « như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà » (Cv 2, 2), điều này cũng nhắc lại chuyện đã xảy ra ở Sinai khi Chúa ban bia Lề Luật. Họ thấy Chúa bước xuống từ đám lửa, và khói bốc lên như từ một lò lửa, và núi rung đông dữ dội… Ông Mô-sê nói với Chúa, Ngài trả lời bằng tiếng vang dội như sét đánh. Tường thuật của Thánh sử Lu-ca với ngụ ý tường thuật sự kiện sa mạc Sinai, ngài muốn cho chúng ta hiểu lễ Ngũ Tuần năm ấy rất khác biệt với mọi cuộc hành hương cổ truyền: là một sự kiện Sinai mới. Như khi xưa Chúa ban Lề Luật cho dân Ngài để huấn luyện họ sống trong Giao Ước, từ nay Chúa ban chính Thần Khí của Ngài cho dân Chúa chọn. Và đây chúng ta nghe lại lời của tiên tri Ê-dê-ki-en chẳng hạn: « Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành » (Ed 36, 27). Lề Luật của Chúa (điều kiện duy nhất để sống thật sự tự do và hạnh phúc, xin đừng quên), Lề Luật của Chúa nay không còn khắc ghi trên bia đá mà được ghi khắc trong bia bằng thịt, vào lòng người.
Điều thứ hai, tôi vừa nói với quý bạn, Thánh Lu-ca hẳn muốn gợi lại lời của tiên tri Giô-en. Trong chương thứ 3 chúng ta có thể đọc: « Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. » (Ge, 1). Việc Thánh Kinh kể tên các quốc tịch hiện diện ở Giê-ru-sa-lem năm ấy và câu nói rõ: « Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về » (c5) minh chứng cho chúng ta lời tiên tri Giô-en được hoàn tất.
Sau cùng là giai đoạn tháp Ba-ben. Hẳn quý bạn còn nhớ câu truyện Tháp Ba-ben. Để tóm lược chúng ta có thể nói như một vở kịch hai màn. Màn I mọi người nói một thứ tiếng, và một ngôn ngữ. Họ quyết định xây dựng một kỳ công vĩ đại và quy tụ mọi nỗ lực: xây một cái tháp đồ sộ… Màn II, Chúa can thiệp và chận lại: Chúa phân tán họ ra khắp địa cầu và làm rối loạn các ngôn ngữ của họ; từ nay họ không còn hiểu nhau nữa. Chúng ta tự hỏi phải kết luận ra sao về sự kiện này. Nếu không muốn gán cho Chúa ý định không ngay lành, thì không thể nào nghĩ gì khác là Chúa hành động như thế là cho hạnh phúc nhân loại. Vì thế Chúa can thiệp để con người không dấn thân trên một nẻo đường sai lầm: đó là con đường tư tưởng duy nhất, dự án duy nhất; đâu đó như Chúa nói: các con ơi, các con tìm sự hiệp nhất, nhưng không nên lầm đường: hiệp nhất không phải là đồng nhất hóa mọi sự! Hiệp nhất thật sự của tình yêu chỉ có thể ở trong sự đa dạng.
Bài tường thuật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Thánh Lu-ca thể hiện đúng tư tưởng của giai đoạn Tháp Ba-ben: tại Ba-ben con người học tính đa dạng: lễ Thánh Thần Hiện Xuống con người học hiệp nhất trong đa dạng. Từ nay trong mọi dân tộc dưới một bầu trời đều nghe tuyên xưng trong mọi ngôn ngữ riêng của họ một sứ điệp duy nhất: những kỳ công Thiên Chúa.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương