"Không phải tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu"
Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma.
12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.
13 Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội.
14 Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới.
15 Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người
Chúng ta đang đứng trước một bài khó nhất Thánh Kinh! Sau đây là vài hướng tìm hiểu để đọc tài liệu này. Trước hết, có lẽ chìa khóa giúp mở ra nằm trong câu cuối, nói về ân sủng: « ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô » (c15). Trước đó, cũng trong thư gửi dân thành Rô-ma thánh nhân cũng đã nói: « Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta » (Rm 5, 5). Thế nhưng ân sủng không phải là một vật gì để trao cho nhau mà là một quan hệ: đó là quan hệ yêu thương giữa Thiên Chúa và nhân lọai. Lúc nào cũng khó để không nói ân sủng như một đồ vật chúng ta có và cũng không nên để cụm chữ « ân huệ được trao ban » khiến cho chúng ta nghĩ ân huệ như một đồ vật được trao nhau. Chắc chắn đó không phải là tư tưởng Thánh Phao-lô: ân sủng đồng nghĩa với tình yêu Thiên Chúa và chúng ta biết rằng tình yêu không phải là một vật thể, đó là mối quan hệ của hai con người thương yêu nhau.
Vì thế khi Thánh Phao-lô nói: « ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô » (c15) ngài muốn nói rằng Chúa Giê-su Ki-tô đã thiết lập một mối quan hệ yêu thương, đó là điều cốt tử đối với chúng ta và làm cho chúng ta thoả lòng vì chúng ta được tạo nên cho mối tương quan ấy. Như Thánh Au-gút-ni-nô nói: « Lạy Chúa, Chúa tạo chúng con cho Ngài, và bao giờ không có Chúa ngự trong chúng con, lòng chúng con không được ngơi nghỉ ». Thánh Phao-lô cũng nói như thế, nhưng cách khác: « sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô. » (Ga 17, 3). Thế nhưng trong Thánh Kinh, biết và yêu là giống nhau. Đời sống vĩnh cửu, đời sống ấy bắt đầu từ lúc rửa tội, đó là sống trong tình yêu Thiên Chúa.
Sách Sáng Thế nói lên điều ấy bằng một hình ảnh: « ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. » (St 2, 7). Cách nói con người chỉ là một sinh vật, khi nào còn tuỳ thuộc vào hơi thở của Thiên Chúa. Đó cũng là cách nói mối quan hệ ấy là điều sống còn của chúng ta.
Trong vườn Sáng Thế, A-đam và người đàn bà không đón nhận mối quan hệ yêu thương ấy như món quà, nhưng như một trái để hái lấy, để chiếm đoạt, bị con rắn gạt làm cho giống Chúa, họ tưởng vậy. Mong ước trở nên « như những vị thần » (St 3,5) nghĩ như thế cũng khá đấy: ao ước điều vô tận trong lòng người là điều lành mạnh; cũng trong sách Sáng Thế Thiên Chúa đã truyền cho con người: « Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất » (St 1, 28). Nhân loại có những ước mơ điên rồ về quyền lực, về hạnh phúc, khắc phục vũ trụ và như thế chỉ đáp ứng ơn gọi của mình mà thôi. Đó không phải là tội lỗi của con người. Sở dĩ Thiên Chúa đã mớm những khát vọng ấy nơi chúng ta, vì đó là điều phải thỏa mãn; thế nhưng: chỉ có Ngài mới có thể làm
Con người, tự sức mình, không thể tự tạo cho mình mối quan hệ cốt tử ấy: vì lẽ đó có thể nói, nhân loại cần được cứu độ. Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, chỉ có Ngài mới có thể lấp đầy hố sâu giữa chúng ta và Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có Ngài mới có thể thiết lập mối quan hệ tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nhưng con người được tự do đón nhận hay không đón nhận tình yêu Thiên Chúa đề nghị. Nếu chấp nhận, thiên Chúa sẽ thỏa mãn tràn đầy. Thế nhưng con người cứ tự tìm cách cứu mình, tự mình, không chờ đến Thiên Chúa, nên bị bỏ rơi, và từ đó là sự chết thiêng liêng. A-đam, là nhân loại đi tìm sự sống ngoài Thiên Chúa, dĩ nhiên là lầm đường! Cũng ở đây, sách Sáng Thế đề nghị chúng ta một hình ảnh khác: thay vì tín thác vào Thiên Chúa, con người xử sự như một tên trộm, tóm lấy như bắt được con mồi những ân huệ của Chúa, nhưng làm như thế là cắt đứt mối quan hệ sống còn nối liền với Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa điều chúng ta gọi là « tội trọng » hay là tội tổ tông đem lại sự chết.
Thánh Phao-lô không đọc bài tường thuật sách Sáng Thế như đọc lịch sử trong quá khứ, nhưng như là một suy niệm về tình trạng nhân loại muôn thuở. Hoặc chúng ta chấp nhận sống tuỳ thuộc vào hơi thở của Chúa, lúc ấy chúng ta nhận nơi Ngài mối quan hệ làm cho chúng ta sống; hoặc chúng ta tìm hạnh phúc ngoài Thiên Chúa và chúng ta sẽ chuốc lấy sự chết, bởi vì sự sống không trong trong khả năng chúng ta. Tìm hạnh phúc ngoài Thiên Chúa là một cạm bẫy, một sự điên rồ.
Để đối lại thái độ điên rồ ấy, Thánh Phao-lô đưa ra thái độ Chúa Ki-tô trong thư gửi tín hữu thành Phi-líp-phê: « Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa » (Pl 2, 5). Tình yêu của Chúa Cha, Chúa Giê-su lãnh nhận, hay để nói khác hơn, Ngài chỉ là sự lãnh nhận tình yêu Chúa Cha, có thể nói Ngài được chìm đắm trong ấy, vì thế Ngài không có tội. Như Thánh Gio-an nói: « Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. » (Ga 1, 14), và nhờ Ngài, những A-đam như tất cả chúng ta, chúng ta được phục hồi trong tình yêu Chúa Cha. Một lần nữa chúng ta nhận ra nơi đây mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô, vừa là Chúa và vừa là Người, Người trọn vẹn là người, Thiên Chúa trọn vẹn là Thiên Chúa. Trong Ngài, quan hệ tình yêu được tạo nên giữa Thiên Chúa và nhân loại. Ngài vừa là Thiên Chúa thu hút nhân loại về Mình « Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi » (Ga 12, 32) và, đồng thời Ngài là Người (có nghĩa là nhân loại), được tràn ân sủng bởi Thiên Chúa. Như bài thánh vịnh hát lên hôm nay: « Những ai nghèo hèn, xem đấy mà vui lên, người tìm Thiên Chúa, hãy nức lòng phấn khởi. » (Tv68, 33)
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương