"Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống đời sống mới."
Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma
3 Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?
4 Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.
8 Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta.
9 Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người.
10 Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa.
11 Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su.
Đề tài chủ yếu của thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma có thể tóm lược nhu sau: Thiên Chúa cứu độ chúng ta chỉ là thuần tuý hồng ân nhưng không Ngài ban cho chúng ta, dù ta là ai; chỉ cần chúng ta lãnh nhận trong đức tin. Thánh Phao-lô nhấn mạnh vào tính cách nhưng không của ân sủng, đây đó ngày hôm nay, điều này gây nên những tư tưởng đối kháng: ngài nhấn mạnh nhiều đến tính nhưng không của ơn cứu độ là khuyến khích phạm tội (ngụ ý nói, có thể làm bất cứ việc gì, vì anh rao giảng sự khoan dung thái quá). Thánh Phao-lô phản biện như sau: đừng nói tôi phạm tội không hệ trọng gì với lý do là có ơn cứu độ vì kể từ nay tội lỗi không quan hệ gì với chúng ta nữa; từ ngày chúng ta được phép Rửa, chúng ta là những tạo vật mới, tội lỗi không còn chiếm hữu chúng ta nữa: « Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. » (2Cr 5, 17)
Cách trả lời những kẻ gièm pha ngài không dựa vào những nguyên tắc luân lý nhưng vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Phải nói rằng Thánh Phao-lô sống bí tích thanh tẩy của ngài với một chiều kích tâm linh thâm sâu làm cho chúng ta khó theo ngài! Khi Thánh Phao-lô nói về thọ tạo mới là ngài nói về chính trải nghiệm của mình: trên đường Đa-mát, khi ngài trỗi dậy, thánh nhân là một người mới. Ngài đã chết đi với những gì ngài sống trước đó, nhất là cách nhìn, cách hành động và lòng tin. Chính chữ « chết » là một trong những điều khó hiểu trong bài này, và được lập lại gần như trong mỗi câu, khó cho chúng ta hiểu nó theo một nghĩa nào khác hơn nghĩa thông thường chúng ta hiểu. Sự chết thể lý chờ đợi mọi người và làm cho chúng ta rất sợ. Thế nhưng Thánh Phao-lô trong bài này, cho nó một ý nghĩa chỉ có tầm vóc thần học: « khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người …chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô… Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ… Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi » (c3.8.10.11)
Đây là phép Rửa, một bước trải qua; một sự chết đối với tội lỗi. Có một tài liệu trong đó Thánh Phao-lô cho chúng ta chìa khóa mở ra để hiểu những chữ ấy. Ngài viết trong thư thứ nhất gửi tín hữu thành Cô-rin-tô: « Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê » (1Cr 10, 1-2). Đây là những yếu tố xây dựng dân tộc It-ra-en: Chúa giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày và cho sinh ra một đời sống mới khi vượt qua cột nước biển đỏ. Đó là điều Thánh Phao-lô gọi là phép rửa của It-ra-en. Nơi đây ông Mô-sê chấm dứt mối bòng bong cuộc đời bị giam cầm càng ngày càng khốc liệt: khổ sai, tàn sát trẻ con, manh tâm của vua Pha-ra-ong. Sự kiện vượt qua biển đỏ thừa nhận cho sự tuyệt giao ấy, của cái chết trong kiếp lưu đày. Thánh Phao-lô nói cho chúng ta, Chúa Giê-su cũng thế, Ngài thực hiện một tuyệt giao dứt khoát: Con người, trong sự nổi dậy chống lại Thiên Chúa, bị giam hãm trong ngờ vực, nghi kỵ, từ chối yêu thương, tóm lại bị giam hãm trong tội lỗi. Nỗi bòng bong của hận thù và bạo lực tàn nhẫn.
Chúa Giê-su thì: « Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. » (Pl 2, 8); lòng tin tưởng vào Thiên Chúa (đó là ý nghĩa của « vâng lời » nơi Thánh Phao-lô), sự hài hoà với ý nguyện của Cha Ngài cắt đứt cái vòng lẩn quẩn khủng khiếp của tội lỗi nơi con người. Vì thế cái chết của Ngài là một sự vinh thắng, hành động quang vinh của một người đầu tiên thật sự tự do: « Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. » (c10). Lúc bấy giờ Thánh Phao-lô có thể nói với những ai sống kết nối với Chúa Ki-tô: « Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su. » (c11). Trong bài khác ngài nói về một người được nhận phép rửa: « Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. » (2Cr 5, 17-18). Sự thay đổi ấy tuy là việc đã qua rồi nhưng đồng thời còn là việc phải làm: đời sống mới chúng ta đã bắt đầu bằng phép thanh tẩy; bây giờ đến phiên chúng ta phải làm cho tất cả cách cư xử thường nhật của chúng ta thích hợp với đời sống mới ấy.
Như thế Thánh Phao-lô đáp lại các phản kháng cho rằng ngài trình bày một đời sống Ki-tô hữu quá đẹp, trong phần kết của ngài, cuối cùng thánh nhân đưa ra một đòi hỏi tối quan trọng: « Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su. » (c11). Vâng nhận được ơn cứu độ thật đơn giản, chỉ cần tin, thế nhưng điều này rất đòi hỏi! Bởi vì từ nay chúng ta phải sống đời sống mới, thích hợp với Thần Khí Thiên Chúa.
Thư gửi tín hữu Ê-phê-sô nói lại điều này: « Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. » (Êp 4, 22-24). Bí quyết giúp chúng ta đổi mới hoàn toàn là ngước mắt nhìn lên thánh giá Chúa Ki-tô như một guơng sáng hoàn hảo của sự vâng lời và sự dịu hiền có thể bẻ gãy móc xích của hận thù: « Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. » (Ga 15, 4)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương