"Người đến trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa"
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
8 Một hôm, ông Ê-li-sa đi qua Su-nêm. Ở đó có một phụ nữ giàu sang. Bà ta giữ ông lại dùng bữa. Từ đó, mỗi lần đi qua, ông đều ghé vào dùng bữa.
9 Bà ấy nói với chồng: "Này ông! Tôi biết người thường ghé vào nhà chúng ta là một thánh nhân của Thiên Chúa.
10 Mình phải làm cho ông một căn phòng nhỏ trên lầu có tường có vách, rồi kê ở đó một cái giường, đặt bàn ghế và để một cái đèn cho ông dùng. Như thế, khi nào đến nhà mình, ông sẽ lui vào đó."
11 Một hôm, ông đến nơi ấy, ông lui vào phòng trên lầu và nghỉ ở đó
14 Ông Ê-li-sa nói với tiểu đồng: "Nên làm gì cho bà ấy? " Giê-kha-di đáp: "Tội nghiệp, bà ấy không có con trai, mà chồng thì đã già."
15 Ông Ê-li-sa bảo: "Đi gọi bà ấy." Nó đi gọi bà, và bà ấy đến đứng ngoài cửa.
16 Ông Ê-li-sa nói: "Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai." Bà mới nói: "Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài!
Người ta thường nói không ai là ngôn sứ nơi quê hương mình… thế nhưng có khi cũng có thể xảy ra! Bởi vì tại Su-nêm, một gia đình giàu có quyết định tiếp đón ông Ê-li-sa, chỉ vì họ nhận ra nơi ông một « thánh nhân của Thiên Chúa ». Bà chủ nhà bắt đầu mời ông dùng cơm trưa, sau đó bà xây cho ông một cái phòng trên sân thượng.
Su-nêm là một làng nhỏ ở vương quốc Miền Bắc. Lúc ấy là những năm đầu trong nghiệp ngôn sứ của Ê-li-sa, vào năm 850 trước CN, và đây là giai đoạn đầu được kết mối quan hệ tượng trưng cho Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, dân tộc Ít-ra-en. Bài hôm nay đánh dấu màn đầu của của một tình bạn lâu dài ấy. Nếu bạn hiếu kỳ đọc quyển thứ hai sách Các Vua (sách dễ đọc và rất thú vị), các bạn sẽ thấy câu truyện xảy ra làm bốn màn.
Màn thứ nhất là lời hứa một đứa con cho một phụ nữ vô sinh. Với nhãn quan trần thế, chắc chắn không thể nào hy vọng có thai, vì thế bà không cho lời hứa đó là nghiêm chỉnh; có vẻ bà còn trách vị ngôn sứ ngoáy dao vào vết thương cũ, ru ngủ bà bằng những ảo vọng. Chúng ta vừa đọc lời hứa của ông Ê-li-sa: « Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai » (c16) … nhưng đây là câu trả lời của bà người Su-nêm « Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài! » (2V 4, 16b)
Cách trả lời của bà tất nhiên làm cho chúng ta nghĩ đến Xa-ra vợ ông Áp-ra-ham, dưới gốc cây sồi Mam-rê. Bà Xa-ra cũng bị vô sinh, nghe lời hứa sanh con, bà thấy lời quả quyết như thế quá phi lý ở tuổi bà, nên phát cười ra tiếng… Và con trai bà là I-sa-ắc, sau này mang tên có nghĩa là « đứa con của tiếng cười ». Người phụ nữ thành Su-nêm của chúng ta không cười nhưng cũng không cho lời hứa của Ê-li-sa nghiêm túc, và bà tế nhị nhắc lại cho người của Chúa không có quyền nói dối… Nhưng năm sau đứa con ấy ra đời.
Màn thứ hai, vài năm trải qua, đứa con lớn lên. Thế rồi một ngày cậu theo cha ra ngoài đồng để gặt, bị một cơn đau đầu dữ tợn, có lẽ bị trúng nắng, và vài ngày giờ sau quay ra chết trên gối của mẹ… Bà không bối rối, đặt con trên giường ngôn sứ và chạy tìm ngài. Bà cũng không thấy cần báo cho chồng: không làm cho ông hoảng sợ vô ích, vì dù sao chốc nữa đứa trẻ sẽ sống lại! Ta muốn thốt ra « Thật, có đức tin đẹp thật…. » Thế rồi bà đi gấp đến nhà ông Ê-li-sa, và điều đầu tiên bà nói với ông là: khi ngài hứa với tôi đứa con này, tôi đâu có xin ngài, ngài nhớ không, lúc ấy tôi còn không tin; và tôi đã nói: « Không, thưa ngài, người của Thiên Chúa, xin đừng lừa dối nữ tỳ ngài! » (2V4, 16b). Bà ấy ngụ ý nói, đâu phải ông cho tôi đứa con tôi không hề xin, mà ngày nay ông đòi nó lại!... Và hẳn các bạn đoán chuyện gì xảy ra. Thật vậy, Ê-li-sa làm cho đứa trẻ sống lại (2V 4, 18-37)
Màn thứ ba, vài năm nữa trôi qua, và trung thành vớt tình bạn cùng gia đình người phụ nữ Su-nêm ông lại cứu họ một lần nữa. Ông báo trước cho họ một trận đói sắp hoành hành: « Ông Ê-li-sa nói với người phụ nữ có đứa con trai ông đã làm cho sống lại: "Bà hãy trỗi dậy, lên đường, đem theo gia đình của bà. Hãy ra nước ngoài, ở tạm nơi nào ở được, vì ĐỨC CHÚA đã khiến nạn đói xảy ra, hơn nữa nạn đói còn xảy ra trong xứ suốt bảy năm. » (2V 8, 1). Bà nghe lời khuyên và ra nước ngoài sống bảy năm trong xứ người Phi-li-tinh. Thế nhưng, thì đây « ai đi săn thì mất chỗ » (LND : ngạn ngữ Pháp). Khi gia đình trở về, tất cả của cải- không phải là ít vì người ta nói bà rất giàu – nhà bà và ruộng đất của bà bị các sĩ quan của vua tịch thu (đó là thông lệ thời ấy). Một lần nữa ông Ê-li-sa can thiệp để bà lấy lại đất đai. Đó là màn thứ tư (2V8)
Sở dĩ Thánh Kinh kể dông dài truyện một gia đình Su-nêm, không phải chỉ vì giai thoại. Không có một sách Thánh Kinh nào viết ra để cho chúng ta hiểu biết về lịch sử! Tất cả các tác giả đều có mục đích thần học: cho chúng ta biết và sống đề nghị Giao Ước với Thiên Chúa. Và ở đây, cuộc giao ước lâu dài giữa ngôn sứ Ê-li-sa và gia đình Su-nêm là hình ảnh Giao Ước với Thiên Chúa. Vị ngôn sứ là hình ảnh của Thiên Chúa, còn chúng ta, chúng ta được mời gọi chọn lấy thái độ người phụ nữ Su-nêm.
Vị ngôn sứ là hình ảnh Thiên Chúa. Có thể ghi nhận ít nữa năm điểm. Trước hết, thời gian dài lâu của cốt truyện nói lên sự trung tín của Thiên Chúa, sự hoài nghi không làm Ngài sờn chí. Kế đến sự ân cần chăm sóc không ngừng của « người của Thiên Chúa » đối với bà chủ nhà đón tiếp ông nói lên sự chăm sóc ân cần không ngơi của Thiên Chúa cho dân Ngài. Sự chăm sóc ấy chu đáo đến nỗi làm cho Ngài muốn ở giữa dân Ngài, như Ê-li-sa chấp nhận ở trên sân thượng (các bạn hãy nhớ câu truyện xây cất Đền Thờ của vua Sa-lô-mon). Về sau Ê-li-sa lo cho việc trả lại của cải cho người phụ nữ, gợi lên lời hứa của Chúa ban lại cho Ít-ra-en miền đất của họ; thế nhưng các bạn hẳn biết rằng sách các Vua được viết trong thời gian lưu đày Ba-by-lon, thời điểm bi đát, lúc ấy là lúc chủ yếu để dân nhớ lại lịch sử và nương tựa vào lời hứa của Thiên Chúa. Sau cùng lời hứa sinh con và làm cho đứa trẻ sống lại là dấu chỉ Thiên Chúa là Chúa sự sống.
Còn người phụ nữ, thái độ của bà được đề nghị làm mẫu gương cho chúng ta. Một mẫu gương thật ra cũng dễ theo. « đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ » (Mt 10, 41) - như Chúa Giê-su nói sau này - và tin tưởng hoàn toàn đến nỗi dám nói những gì tận đáy lòng, ngay cả những đòi hỏi và cả những phản kháng của mình. Phúc thay người phụ nữ Su-nêm đã gặp Ê-li-sa một « thánh nhân của Thiên Chúa »; nhưng, bằng cách này, chúng ta biết rằng Chúa ngự trong lòng mọi người. Phần chúng ta phải biết nhận ra và đón tiếp, đúng như thế.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương