"Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời."
Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
2 Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
8 CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
9 CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
10 Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
11 nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
13 Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
14 Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
Bài thánh vịnh này là một tiếng vang hoàn hảo cho sách tiên tri I-sa-i-a chương 55. Tiên tri I-sa-i-a tóm tắt trong vài câu tất cả đức tin It-ra-en: mặc khải một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, giàu tha thứ và gọi dân Ngài: « Hãy trở lại cùng Ta » (Is 44, 22). Bài thánh vịnh hôm nay là lời đáp của dân Ngài trở lại: « Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời. » (c2). Đúng là bài ca của lòng tin trở lại.
Không lạ gì bài thánh vịnh này mỗi ngày được đọc trong Kinh Sáng Do Thái. Đối với tín hữu Do Thái, buổi sáng (bình minh của ngày mới) gợi lên tự nhiên buổi bình minh của ngày cánh chung, ngày của thế giới sắp đến, ngày của tái tạo dựng… nếu chúng ta đi sâu vào linh đạo Do Thái, sách Talmud (giáo huấn của các pháp sư Do Thái những thế kỷ trước CN) quả quyết rằng ai đọc bài thánh vịnh này ba lần trong ngày, « chắc chắn sẽ được là con của thế giới sắp đến ».
Chúng ta đã gặp bài thánh vịnh này và chiêm ngưỡng cấu trúc của nó. Nếu anh em vào Thánh Kinh đọc trọn bài, anh em sẽ thấy đây là bài thánh kinh theo vần « a-b-c ». Vì vậy chúng ta biết trước ngay đây là bài thánh vịnh tạ ơn Giao Ước: là cách nói, suốt đời ta, từ A đến Z (Tiếng Do Thái là từ Aleph đến Tav) được dìm đắm trong Giao Ước, trong lòng nhân hậu Thiên Chúa. Điểm nhận xét thứ hai về hình thức: sự đối chữ song song, hàng này so với hàng khác được đặc biệt rõ nét. Vì thế bài đáng được đọc với hai giọng hoặc hai bè xen kẽ nhau.
Nếu chúng ta nhìn kỹ sáu câu được chọn hôm nay chúng ta nhận xét hai điều: trước tiên đây là lời tóm xúc tích của sự Mặc Khải vừa trọn vẹn, vừa chính xác, điều thứ hai là bài này vang âm tuyệt vời với các bài khác trong phụng vụ chúa nhật hôm nay. (LND: chúa nhật XXV năm A cùng thánh vịnh này)
I-sa-i-a trong Bài đọc 1 nói: «Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. » (Is 55, 9). Bài thánh vịnh đáp lại như tiếng vang: « Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu, vương quyền Ngài vạn đại trường tồn. » (c13). Chữ « cao » trong ngôn ngữ thánh vịnh là ngôn ngữ vương giả; hơn nữa câu đầu (không được đọc trong phụng vụ) cũng có nói: « Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con »… cũng như thế, trong câu 13: «Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu, vương quyền Ngài vạn đại trường tồn ». Nhưng không phải vị vua như chúng ta biết trong thế gian. Một vị vua vừa toàn năng vừa nhân hậu: Ngài chỉ muốn chúng ta hạnh phúc… đấy là sự mặc khải cho dân tộc It-ra-en suốt chiều dài lịch sử của họ. Khi ta nói quyền năng của Ngài không như quyền năng các vua khác, ta biết rằng quyền năng của Ngài chỉ là tình yêu: « CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương ». Đấy là câu tóm lược tuyệt vời nhất trong tất cả mặc khải của Thánh Kinh. Trong chương 55 tiên tri I-sa-i-a nói với chúng ta: « Người sẽ rộng lòng tha thứ. » (Is 55, 7), ngụ ý nói tất cả các tư tưởng khác là « bất lương » ( Is55, 7)… Và đây It-ra-en nói bằng trải nghiệm: biết bao lần, đặc biệt thời lưu đày ở Ba-by-lon, họ đã kêu cầu Thiên Chúa của họ và van nài để được tha thứ và xin Ngài quay lại ?... Từ nay, cả dân tộc quy tụ về trong Đền mới xây lại, hát vang lên: vâng, thật vậy: « CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người. » (c18)
Sứ vụ của họ, họ biết là phải hát to lên để mọi người nhận biết: Thiên Chúa từ bi nhân hậu và giàu lòng tha thứ đối với mọi người! « CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên. » (c9). Tính hoàn vũ của chương trình Thiên Chúa, đó là đề tài xuyên suốt Cựu Ước: Chúa yêu thương tất cả nhân loại và kế hoạch tình yêu, « kế hoạch yêu thương » của Ngài dành cho tất cả nhân loại và mọi tạo vật.
Còn một câu trong Phúc Âm chúa nhật hôm nay, sẽ mang lại một tiếng vang đặc biệt, chúng ta gọi đó là bài dụ ngôn những người thợ giờ thứ mười một: « CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên. » (Tv 144, 9). Còn bài dụ ngôn, bài này kể cho chúng ta câu truyện một người chủ xí nghiệp trả cho tất cả những người giúp việc đồng lương đều nhau, dù là người cũ hay người mới trong xí nghiệp hay số giờ làm việc, dĩ nhiên trước sự công phẫn của những người làm nhiều giờ, nhưng đó là cách nói, « xin đừng nhầm »: điều công minh nhất thế gian, không phải so bằng cán cân, mà bằng tình thương; nếu bạn yêu thương anh em như chính mình, bạn sẽ vui mừng thấy tôi quảng đại đối với họ.
Để kết thúc, nếu đọc trọn bài thánh vịnh, chúng ta sẽ khám phá ra sự tương đồng lớn với Kinh Lạy Cha. Ví dụ như trong Kinh Lạy Cha, chúng ta nói với Ngài vừa như một người Cha vừa như với Vua: người Cha từ bi nhân hậu như trong bài thánh vịnh, còn với vua, lúc nào mục đích cũng là cho toàn dân hạnh phúc. « Lạy Cha… cho chúng con… tha nợ cho chúng con… xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ…. Nước Cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời » bởi vì ý của Ngài, như Thánh Phao-lô nói: « Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý » (1Tm 2, 4). Bây giờ chúng ta hiểu dễ dàng tại sao bài thánh vịnh 144 này trở nên bài Kinh Sáng của dân tộc đầu tiên được dạy nói chuyện với Thiên Chúa như Người Cha.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương