Lời Chúa CN

Phúc âm CN III Mùa Chay Năm B (Ga 2,13-25) 08/03/2015

 

Tung hô Tin Mừng

Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

 

"Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an

 

13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.

14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.

15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.

16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."

17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? "

19 Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."

20 Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? "

21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.

22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.

23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm.

24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy,

25 và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.

Đúng đấy. Thái độ của người thợ mộc thành Na-da-rét thật kỳ lạ. Đã từ mấy thế kỷ rồi,trước đền thờ có những lái buôn đến bày bán gia súc. Người hành hương từ xa đến Giê-ru-sa-lem có thể mua súc vật để tế lễ toàn thiêu. Còn những người đổi tiền cũng rất cần : dưới thời đô hộ của Rô-ma, đồng tiền có hình nổi của hoàng đế không xứng để tặng vào quỹ quyên tiền trong Đền ! Còn trong thành phố thì chỉ xài bằng đồng tiền ấy. Vì thế khi đến Đền Thờ thì đổi ra tiền Do-thái. Thế thì Chúa Giê-su làm sao thế ?. Cũng như thường lệ, Ngài hành động trước, rồi mới giải thích sau, nhưng ít ai hiểu gì, hay không hiểu chi hết. Sau này người ta mới hiểu :

« 22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói. ». Tuy thế, không phải mọi người đã hiểu.

Lúc bấy giờ,hành động mãnh liệt của Chúa Giê-su xảy ra rất bất ngờ, lời Ngài còn hơn thế nữa ! Nói về Đền thờ, Ngài còn dám cho là Nhà Cha Ta. Và những lời khiển trách những lái buôn («đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán » ) giống như Ngài là một Ngôn Sứ. Tiên tri Giê-rê-mi-a đã từng nói :

«11 Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? Ta, Ta thấy rõ hết » (Gm  7,11).

Hơn thế nữa, Ngài tự cho mình là Đấng Mê-si-a, vì tiên tri Da-ca-ri-a đã tiên báo : 

« Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà ĐỨC CHÚA các đạo binh nữa » ( Dcr 14 20b)

Đứng trước sự đòi hỏi ấy, có hai thái độ có thể : hoặc chú ý lắng tai nghe để hiểu ( đó là cách các môn đệ làm ) hoặc sửa người tự phụ này, người Mê-si-a giả mạo này ( đó là thái độ của những người thánh Gio-an gọi là Do-thái). Trên thực tế họ đều là Do-thái, nhưng có kẻ đã biết các hành động của Chúa Giê-su : Họ đã gặp Ngài trên sông Gio-đan lúc chịu phép Rửa, được nghe những lời chứng từ của  Gio-an Tẩy Giả, và nhất là đãcùng dự tiệc cưới Ca-na với Ngài. Họ đã chứng kiến phép lạ đầu tiên của Chúa. Đây là thánh sử Gio-an viết thế nào đoạn cuối của tiệc cưới Ca-na :

 « 11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người »( Ga 2,11)

Sau đó  tất cả ở lại cùng Chúa vài hôm tại Ca-phác-na-um, và đây họ trở về Giê-ru-sa-lem dự Lễ Vượt Qua.

Thế là trong bầu khí chuẩn bị Lễ Vượt Qua ấy, họ đã cảm thấy trước, cũng như từ lâu nay, nhưng một cách lờ mờ Chúa Giê-su chính là đấng Mê-si-a. Họ cùng Ngài tiến về Giê-ru-sa-lem. Liền khi ấy họ nhận ra qua thái độ của Ngài một cử chỉ của một tiên tri và làm cho họ nhớ lại ngay câu Thánh-vịnh 69 (68) « 10 Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân » ( Tv 69,10) , là lời than của kẻ bị bách hại vì đức tin :

«8 Âu cũng vì Ngài, mà con bị người đời thoá mạ,
chịu nhuốc nhơ phủ lấp mặt mày.

9 Anh em nhà kể con như người dưng nước lã,
hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi.

10 Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân.
Lời kẻ thoá mạ Ngài
,  này chính con hứng chịu » ( Tv 69, 8-10)

 Thế nhưng chúng ta chú ý rằng lời Tv nói như chuyện đã qua,

 « 10 Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân »

Trong lúc thánh sử Gio-an nói như chuyện sắp xảy tới :

« Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân »

Đây là cách tuyên báo sự bách hại đang chờ Ngài và hơn nữa đã bắt đầu rồi ! Chúng ta đang mới đọc phần đầu của Tin Mừng theo thánh Gio-an, nhưng vụ án Giê-su đã khởi đầu phác thảo.

Các người mà thánh sử Gio-an gọi là người Do-thái không có cái nhìn thiện cảm như các môn đệ Ngài. Đối với họ, đây chỉ là một người dân Ga-li-lê tầm thường ( Mà đã là dân Ga-li-lê có ai tốt đâu ?), thế mà dám chỉ trích sinh hoạt bình thường của Đền thánh. Phải công nhận là công bằng thôi : họ đòi chứng minh là cũng phải : "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? ".

Câu trả lời của Chúa thật sáng ngời cho những ai có đức tin sau Phục sinh :« "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi;  nội ba ngày,  tôi sẽ xây dựng lại."

Thế nhưng lúc đó là điều rối beng :« "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong,  thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? "

Đúng lý ra thì họ không nói sai : làm sao một người có thể thực hiện công trình như thế ! Không thể trong ba ngày, không thể trong bốn mươi sáu năm mà cũng không thể cả một đời người !

Hơn nữa khi người Do Thái nói bốn mươi sáu năm là không phải xây dựng từ đầu, chưa có gì hết ! Đó là chỉ nói thời gian trùng tu ngôi đền của vua Hê-rô-đê mà thôi. Sự thật đền thờ bị vua Na-bu-cô-đô-nô-so phá tan tành năm 587 trước TC, được xây cất lại hoàn toàn sau khi lưu đày về và được khánh thành năm 515. Được gọi là Đền thứ hai. Sử gia Flavius Josephe thuật lại rằng vua Hê-rô-đê bắt đầu cho xây lại lớn hơn và khởi động công trình tu trang ngôi đền năm 19 trước TC và bài này có lẽ xảy ra năm 27 thời đại chúng ta. Đền thờ tuyệt vời này – ngày nay được mọi người tôn trọng vì là một dấu chỉ của sự hiện diện Thiên Chúa giữa dân Người –Ngôi đền này không chờ gì nơi Người Thợ Mộc thành Na-da-rét.Chuyện ba ngày của ông quá ngắn…

Tuy vậy…đối với một người Do Thái quen đọc Lời Chúa, ba ngày là con số gặp luôn : đó là thời gian thường để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa. Điều này được thấy ví dụ như trong sách Xuất Hành. Mà sách Xuất Hành thì dân Do Thái chắc chắn thuộc như trên đầu năm ngón tay! Đúng đấy, thế nhưng…đó là cách nói các ngôn sứ, bí ẩn, tượng trưng…Song Ngài dĩ nhiên đâu phải là ngôn sứ !

Tất cả vấn đề là ở đây, theo thánh sử Gio-an, sở dĩ Ngài miêu tả sự kiện Đền Thánh trong phần đầu của Tin Mừng, trong lúc ba thánh sử kia trong phần cuối, có thể để cảnh báo chúng ta : Có những nguyên lý tiên nghiệm, làm cho Chúa không nói ra. Các môn đệ theo Chúa từng bước  nhưng chưa thấu được những tiên nghiệm ấy và chỉ từ từ khám phá ra. Trái ngược lại những người chống đối, tự giam mình với những xác tín của mình. Cũng vì lẽ đó họ đánh mất đi một Mặc Khải tuyệt vời mà họ hằng chờ đợi trong lòng : Sự hiện diện của Chúa không ở giữa  những công trình xây dựng bằng đá, nhưng chính trong lòng nhân loại, trong thánh thể Chúa Phục sinh.

***

 


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com