"Nếu nhờ Thần Trí mà anh em giết được xác thịt, thì anh em sẽ được sống."
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu thành Rô-ma.
9 Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Ki-tô, thì không thuộc về Đức Ki-tô.
10 Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính.
11 Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.
13 Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.
Điều khó nhất trong bài này nằm trong chữ « tính xác thịt », đối với Thánh Phao-lô chữ này không có nghĩa của thế kỷ XXI chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng đối chiếu hai thành phần của nhân loại, chúng ta gọi là hồn và xác, làm như thế chúng ta có nguy cơ hiểu hoàn toàn trái nghĩa. Khi Thánh Phao-lô nói tính xác thịt và Thần Khí, hoàn toàn không phải ngài nghĩ như chúng ta hiểu ngày nay. Điều Thánh Phao-lô nói tính xác thịt không phải điều chúng ta gọi thể xác, điều Thánh Phao-lô nói Thần khí không phải điều chúng ta gọi linh hồn. Hơn nữa Thánh Phao-lô đã nhiều lần nói rõ Thần Khí Thiên Chúa, hay nữa ngài gọi Thần Khí Chúa Ki-tô. Thêm nữa, nếu chúng ta nhìn kỹ, ngài không đối chiếu hai chữ tính xác thịt và Thần khí, nhưng ngài dùng hai cụm chữ « sống theo tính xác thịt » và « sống theo Thần khí ». Đối với thánh nhân, phải chọn giữa hai lối sống, hay nói khác hơn phải chọn ai là thầy chúng ta, hay đúng hơn hãy chọn cách xử thế của chúng ta.
Sống theo tính xác thịt, theo Thánh Phao-lô là sống xa Chúa, bị giam hãm trong giới hạn trí khôn và sức mạnh con người. Chữ « xác thịt », đối với ngài, thường trở nên đồng nghĩa với tội lỗi, nghĩa là đối kháng lại với Chúa, hay nữa ngờ vực Ngài, không tin tưởng nơi Ngài. Trước những thử thách thường nhật, trong hoang địa, và đặc biệt trước nạn khát, dân chúng nghi ngờ Chúa đã bỏ rơi và đứng lên kết án Chúa và ông Mô-sê; quý bạn còn nhớ giai đoạn Ma-xa và Mơ-rê-va trong sách Xuất Hành. Trước giới hạn của những ham muốn, A-đam nghi kỵ Thiên Chúa và bất tuân với Ngài. Đó là giai đoạn sa ngã trong Vườn Địa Đàng và lần này tôi dùng thì hiện tại, vì chúng ta đều là A-đam trong vài giờ trong ngày. Đời đời đó là « vấn đề tín nhiệm », vấn đề nền tảng, đến nỗi còn được gọi là tổ tông.
Trái lại, sống theo Thần khí, tức là để cho Ngài hướng dẫn. Thánh Phao-lô nói: « Nhưng anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em » (c9). Chữ « ngự » trở lại ba lần trong bài hôm nay, để nói thánh nhân quý chữ ấy dường nào. Người ở trong nhà là chủ; chính ông điều khiển. « Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ » (Ed 36, 27), tiên tri Ê-dê-ki-en đã loan báo. Kể từ nay, từ lúc chúng ta nhận phép Thanh Tẩy, Thánh Phao-lô nói đó là việc đã rồi: « Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em » (c9). Chúng ta trở nên nhà của Chúa Thánh Thần, chính Ngài chỉ huy.
Nói rằng Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta, tức là quả quyết Ngài chiếm hữu người tín hữu để thực hiện quyền lực của Ngài trên người ấy, đó là điều Ngài đã thực hiện trên Chúa Giê-su Ki-tô « nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới. » (c11). Lời hứa phục sinh ấy thuộc về tương lai, nhưng bởi vì Thánh Phao-lô đang nói về chúng ta thuộc về Chúa Thánh Thần, hẳn ngài cũng nghĩ đến đời sống thiêng liêng mới, ấy cũng là hoa trái của sự Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, điều mà ngay từ bây giờ chúng ta đã được kết hiệp: « Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. » (Cl2, 12-13). Dù tất cả còn ở trong thân xác có thể chết của chúng ta, chúng ta vẫn có thể sống với Thần Khí Chúa Ki-tô. Và chúng ta thấy điều này nói lên gì, chỉ cần thay chữ Thần Khí bằng tình yêu thương. Vài chương trước đó Thánh Phao-lô viết cho tín hữu Rô-ma: « Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. » (Rm 5, 5). Trong thư gửi tín hữu Ga-la-ta Thánh Phao-lô giải thích thế nào là hoa trái của Thần Khí « Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín » (Gl 5, 22), tóm lại thành một chữ là tình yêu, đã biến cách theo tất cả những tình huống trong đời sống chúng ta. Về điểm này, Thánh Phao-lô là người thừa tự của truyền thống các tiên tri: tất cả khẳng định rằng mối quan hệ của chúng ta đối với Chúa được trắc nghiệm qua quan hệ của chúng ta đối với tha nhân; và trong các bài ca người tôi trung, đặc biệt tiên tri I-sa-i-a quả quyết rằng sống theo Thần Khí Thiên Chúa là yêu thương và phục vụ anh em mình.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương