Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt13, 1-9 hoặc 1-23) - 16/07/2017

Alleluia, alleuia!

- Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hóa chúng con trong sự thật” - Alleuia!

-----------------

"Kìa có người gieo giống đi gieo lúa"

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

1 Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ.

2 Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ.

3 Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

4 Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.

5 Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu;

6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.

7 Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.

8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.

9 Ai có tai thì nghe."

10 Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?"

11 Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.

12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.

13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.

14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;

15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.

16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.

17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

18 "Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống.

19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường.

20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận.

21 Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay.

22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì.

23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."

 

Dụ ngôn là một văn thể trong truyền thống Do Thái, giống như ngày nay chúng ta gọi là các truyện thần thoại. Bài có mục đích sư phạm. Đó là làm cho người nghe thay đổi quan điểm. Bài dụ ngôn không phải bài có lối ẩn dụ: mỗi đề tài của câu truyện không có tham vọng mang một ý nghĩa gì đặc biệt, người đọc phải có cái nhìn chung của bài để múc ra một bài học cụ thể.

Tại sao Chúa Giê-su nói bằng dụ ngôn? Các môn đệ cũng không ngớt hỏi Chúa câu này. Để trả lời câu hỏi ấy, Chúa bắt đầu bằng phân biệt hai loại người: «Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe và không hiểu..» (Mt13, 10-13). Để nhìn sáng hơn, sự phân biệt ấy phải đặt bài học của Chúa Giê-su trong văn cảnh. Trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu cũng như theo Thánh Mác-cô, bài học bằng dụ ngôn tiếp theo cuộc tranh cãi với các Pha-ri-sêu và các người theo các ông ấy. Chính Ngài nói về họ khi Ngài trích lời tiên tri I-sa-i-a: «vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.» (c15). Càng tự giam hãm mình bằng những xác tín riêng của mình những người nghe càng trở nên không biết tiếp thu Lời Chúa.

«Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.» (c12) câu này càng nói lên điều quan trọng: lòng phải sẵn sàng rộng mở mới hiểu được các dụ ngôn. Đây là một cách phát biểu thật thẳng thừng hai con đường, rất cổ điển trong Cựu Ước. Cuộc sống con người có thể so sánh như một con đường dẫn tới một con đường khác cắt ngang qua: đi hướng nào đây? Bên trái hay bên phải: nếu chúng ta đi đúng hướng («con đường đúng ») mỗi bước chúng ta đi, đem ta lại gần mục đích hơn: «Hãy giáo huấn người khôn, họ sẽ khôn hơn nữa. Hãy dạy bảo người công chính, họ sẽ hiểu biết thêm.» (Cn9, 9) Nếu không may chúng ta chọn không đúng hướng, mỗi bước làm cho chúng ta xa mục đích.

Rõ ràng phải biết chọn lựa: hoặc nghe, lắng tai, mở lòng, mở cả hai tai để Lời Chúa dạy dỗ và biến đổi chúng ta dần dần, hay từ chối nghe dần dần có nguy cơ trở nên điếc hẳn không còn nghe thấy gì (Mt13, 15 trích Is6, 9-10). Trong lúc ấy Chúa chỉ muốn họ được chữa lành. «rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành»  (Mt13, 15)

Bài dụ ngôn người gieo giống, cũng như lời giải thích của Chúa tỏ ra rõ ràng như một lọai minh họa những cản trở của rao giảng Tin Mừng. Chúa Giê-su là Lời Chúa đến ngự trong con người (Ga1, 14); Ngài chỉ nói Lời của Chúa Cha: «Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha» (Ga14, 24) Nhưng Lời Ngài rất khó tìm đất thích hợp để được triển nở. Chính các môn đệ Ngài cũng vấp chân về bài giáo huấn ấy. Thánh Gio-an thuật lại phản ứng của họ sau khi nghe bài giảng về bánh hằng sống: «Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi…Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa…Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? "Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời?» (Ga6, 60…68) 

Bài dụ ngôn loan báo sẽ có một mùa gặt («kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục») (c23); chắc chắn rồi, nhưng phải trả với giá nào! Nước Chúa sẽ được thiết lập sau nhiều thất bại, vì đi vào sự khôn ngoan của Nước Trời chỉ có thể từ tác động của một ân sủng: «Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không» (c11); «Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe» (c16); «Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu» (c23). Điều này chỉ có thể một khi lòng mở ra quảng đại đón nhận ánh sáng từ Thiên Chúa, ánh sáng này chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi: Sự sẵn sàng ấy cũng chỉ được lãnh nhận từ Thiên Chúa. Các người Pha-ri-sêu và đám đông dân chúng chưa sẵn sàng.

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com