Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM A (Rm8, 18-23) - 16/07/2017

"Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa."

Trích thư Thánh Phao-lô tông đổ gửi tín hữu Rô-ma.

 

18 Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.

19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.

20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy

21 là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.

22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.

23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.

 

Chúng ta hãy tưởng tượng sự ra đời của một tuyệt tác nghệ thuật, một tượng đồng khổng lổ chẳng hạn. Tôi có trong đầu một cái thánh giá thật to lớn do một nhà điêu khắc Tiệp tặng cho giáo xứ tôi; ngày nay nó tuyệt vời nhưng phải qua biết bao nhiêu khó nhọc, từ nhỏ đến lớn, mới có ngày nay! Từ ngày đầu tiên, người nghệ sĩ biết mình làm gì? Đi về đâu? Phải trải qua nhiều kiên nhẫn cùng thời gian ; qua nhiều giai đoạn. Lúc ban đầu, có thể có những thất bại…Trong nhiều trường hợp người nghệ sĩ điêu khắc cần có những người cộng sự. Những người này cũng chịu nhọc nhằn, nguy cơ công việc bạc bẽo này sẽ về đâu ? Vì chỉ có người nghệ sĩ mới có thể tưởng tượng khi công trình hoàn tất sẽ như thế nào. Vẻ đẹp thấy trước đó, nhưng làm sao miêu tả, làm sao chia sẻ cho những người cùng cộng tác? Những người ấy cần có một lòng trông cậy mạnh mẽ để dấn thân vào công trình ấy.

Có thể so sánh công trình của Thiên Chúa với sự ra đời của một tuyệt tác nghệ thuật, hơn nữa Thánh Phao-lô cũng có nói đến sự sanh nở. Vì tạo dựng không phải là một sự kiện của quá khứ; đó là một dự án đang được thi công. Hiện nay chỉ có Chúa mới có thể miêu tả công trình một khi hoàn tất. Ai đang hoàn tất công trình ấy? Chúng ta đây, mỗi người trong phần vụ nhỏ bé của mình, nhưng nhất là Thần khí, Đấng thổi vào thế gian để thế gian quay về với Thiên Chúa. «chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.» (c23). Cũng nên hiểu rõ. Chúng ta không chờ đợi được giải thoát khỏi thân xác; chính thân xác chúng ta, tức là toàn vẹn con người chúng ta, nay còn bị gông xiềng trói buộc, tức là còn kết nối với tội lỗi, cuối cùng sẽ được cứu thoát, tự do, sống như con cái Thiên Chúa.

Phụng vụ nói rằng: «chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con» (c23) phát biểu như thế cũng đã tuyệt vời rồi, nhưng cũng nên tìm hiểu các cách diễn đạt khác, vì thực tế điều Chúa hứa cho chúng ta, thực sự không thể diễn đạt được. Vì lẽ ấy bản dịch đa tôn còn giữ chữ «sản phẩm đầu mùa»: «Chúng ta, là kẻ nhận được những sản phẩm đầu mùa của Thần Khí, rên xiết trong lòng chờ ngày được chấp nhận…». Theo Thánh Kinh chữ «sản phẩm  đầu mùa» có nghĩa chung: vừa của có lúc ban đầu vừa lời hứa sẽ có lúc thu họach. Thật là một hình ảnh đẹp để nói lên chúng ta đã có số tiền đăt cọc của sự cứu độ vĩnh viễn, «Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.» (Rm5, 5). Và chúng ta có thể chấp nhận vì đã có rồi phần đầu, do chúng ta được tác động bởi Thần Khí, nên chúng ta rên xiết chờ ngày được thay đổi toàn diện.  

«Người đã sai Chúa Thánh Thần như ân huệ khởi đầu đến với các tín hữu, để Chúa Thánh Thần kiện toàn công trình của Người nơi trần gian, và hoàn tất công việc thánh hoá.( Kinh nguyện Thánh Thể IV), «công việc thánh hoá», tức là mọi thay đổi. Hiện nay, việc tạo dựng còn trong quyền lực của hư không: quyền lực mãnh liệt phát động toàn diện sự tạo dựng thường chống lại chính sự tạo dựng, đây là hiện tượng của mọi hình thức của bạo lực. Nhưng trong trời mới; đất mới chúng ta mong chờ - nói đúng hơn là hướng về đó cho ta tiến tới – mãnh lực ấy là lòng say mê hiệp nhất: «Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị.» (2Pr3, 13). Lúc ấy sự tạo dựng sẽ  «được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang» (c21) 

Hình như ở đây Thánh Phao-lô nói chung cả sự tạo dựng vũ trụ không riêng gì về chúng ta. Về điểm này, ngài chỉ trích lại một đề tài quen thuộc của người, của Thánh Kinh. Ví dụ như đối với những người này, sự bất hài hoà do chọn lựa sai lầm của A-đam làm cho toàn vườn địa đàng, tức là cả sự tạo dựng bị lôi cuốn vào hỗn độn: «đất đai bị nguyền rủa vì ngươi» (St3, 17). Ngược lại, một khi sự công chính ngụ lại trên trái đất, chẳng những con người mà cả súc vật cũng sẽ có hòa bình. Vì loài người thuộc về vũ trụ, và được tạo dựng không thể không có vũ trụ. Đó là ý nghĩa của bài dụ ngôn tuyệt vời của tiên tri I-sa-i-a «Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.» (Is11, 6-9) [Xem thêm (Is65, 17) trong suy niệm thánh vịnh 64-65 cùng chúa nhật ấy]

Cùng với sự phục sinh con cháu A-đam sẽ có đổi mới mọi sự: «Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. … tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy… là có ngày cũng sẽ được giải thoát mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang» (c19-20-21)

Đối với những cộng sự thông thường của nghệ nhân chúng ta có một đặc ân vô cùng. Chúng ta được thấy trước tác phẩm khi hoàn tất: «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.» (Ga1, 14)

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com