"Hãy đến mua lúa mà ăn"
Trích sách tiên tri I-sa-ia
1 Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây!
Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng;
đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.
2 Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống,
tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon,
được thưởng thức cao lương mỹ vị.
3 Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu,
để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.
Đây là đoạn sau cùng sách thứ hai tiên tri I-sa-i-a, toàn quyển này hướng về phần cuối thời lưu đày và lúc trở về xứ như đã hứa: Vì vậy, mới có đề tựa «Sách an ủi Ít-ra-en». Chương 54 nhắc lại lời loan báo hằng mong chờ được hồi hương. Chương 55 là chương xác định hồi hương trong tâm trạng nào. Tất cả không có gì mới lạ, nhưng đây là việc lặp lại những đề tài chính yếu của Giao Ước không bao giờ nên quên, và phải cấp bách thấu triệt, nếu không muốn trở lại những trải nghiệm đau đớn.
Có ba đề tài lớn: Thiên Chúa trung tín với Giao-ước [«Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.» (c3)], ơn Chúa là món quà nhưng không [«Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng (c1)], lắng nghe, hay cậy trông đều giống nhau [ «Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống» (c3)]. Có lẽ với tai người phàm, đây là điều khó nghe. Ơn Thiên Chúa là quà nhưng không. Thế nhưng đó là điều chương 55 này nhấn mạnh nhất. Chúng ta luôn khăng khăng nói đến công trạng, phải xứng đáng để đến trước mặt Chúa, trong lúc cốt yếu của lòng từ bi là thích quan tâm, thiên về những kẻ bé nhỏ và tội lỗi. Trong những câu kế tiếp, tiên tri I-sa-i-a còn tô đậm thêm nét diễn tả này, ngài nhấn mạnh thêm: «đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA» (c8)
Biết bao lần các triết gia trách cứ các tôn giáo tạo ra một Thiên chúa giống hình ảnh chúng ta! Chính Voltaire nói: «Chúa tạo con người với hình ảnh của Ngài, và con người cũng làm như vậy đối với Chúa». Có nghĩa là, tự chúng ta, tưởng tượng ra một Thiên Chúa giống chúng ta, cũng có những cảm xúc như chúng ta: Nói về tình yêu của Ngài, lẽ công chính của Ngài, sự tức giận của Ngài, sự tha thứ của Ngài, theo mẫu chúng ta sống: Một tình yêu giới hạn và độc quyền, một lẽ công chính theo cán cân, sự tức giận khi phật ý và hận thù; sự tha thứ có hạn và với điều kiện.
Tôi có thể nói, chúng ta đã được mặc khải từ nhiều thế kỷ đã qua rồi, mà vẫn chưa lãnh hội. Và các lời trong sách thứ hai tiên tri I-sa-ia không thừa, để nhắc lại: «Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.» (Is55, 8-9). Và sự khác biệt ấy xa cách chừng nào? Nếu tôi tin vào những gì vừa đọc, khoảng cách giữa Thiên Chúa và chúng ta là khoảng cách giữa sự nhưng không của cách tính toán! Chúa là Ân sủng và là Tha Thứ; chúng ta thì tính toán. Tính toán những gì chúng ta xứng đáng. Khi nói: «chúng con không xứng đáng» vô tình khi nói như thế, chúng ta tính toán thay cho Ngài! Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta xứng đáng bất cứ chuyện gì! Ngài chỉ nói: «Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với ĐỨC CHÚA» (c7)
Nếu tôi hiểu không lầm, chúng ta không cùng âm vực với Chúa: Ngài chính là tình yêu. Ngài thuộc về dạng cho nhưng không (ân sủng). Còn chúng ta cho rằng phải có qua có lại; chúng ta muốn người lành được thưởng, kẻ dữ bị phạt. Còn Ngài: «Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính» như Chúa Giê-su nói trong bài giảng trên núi (Mt5, 45). Chúng ta nói «xứng đáng nước trời». Còn Ngài, Ngài đề nghị sống quan hệ tình yêu, tức bởi định nghĩa, là ơn ban nhưng không. Không có ngân hàng, không có ngân phiếu trong vương quốc của tình yêu, chúng ta biết thế.
Và cũng vì thế, tiên tri I-sa-i-a nhấn mạnh trong bài này về tính nhưng không: «Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.» (c1) Chúng ta thường sẵn sàng lắng tai nghe những quảng cáo (có nghĩa là vụ lợi), không hiểu vì sao lời quảng cáo ấy, nhấn mạnh về tính nhưng không, không tốn tiền lại không làm cho chúng ta chú ý? Chính vì đó là ơn ban nhưng không và điều này xa lạ với chúng ta. Con đường cho nhưng không, con đường tha thứ quá cao đối với con đường tính toán, có qua có lại.
Tại sao không nhìn nhận một lần cuối, là chúng ta không có tiền (tức là không có gì để trao đổi) trước mặt Chúa và Ngài chỉ chờ đợi nơi chúng ta một tâm hồn cởi mở, «mở tai ra» như Thánh Kinh nói. Tiên tri I-sa-i-a nói: «hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống» (c3).
Thông thường, khi nghe như thế, luôn luôn có kẻ sẽ nói: «nếu chúng ta không tìm xứng đáng, thì chúng ta có thể sống bừa bãi bất cứ như thế nào…». Tôi không nghĩ như thế; Ngày nào chúng ta xác tín như thế và được chói sáng tình yêu của Chúa, ngày ấy lòng chúng ta thay đổi và bắt đầu sống giống Ngài: ngọn lửa bắt đầu được nhúm lên và chúng ta được tiến dần đến âm vực của ơn ban nhưng không. Điều duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta «Hãy tìm ĐỨC CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.» (c6) Ở đây cũng thế, con đường chúng ta còn xa con đường Thiên Chúa, vì thế có nguy cơ hiểu phản nghĩa. Không có khi nào Chúa không cho ta gặp, không có lúc nào Ngài không ở bên ta! Phải hiểu như sau: «Hãy tìm ĐỨC CHÚA vì Người còn cho gặp, kêu cầu Người vì Người ở kề bên.» Và Chúa không đòi hỏi chúng ta gì khác hơn, vì đối với Ngài là ơn ban nhưng không.
Tôi nghĩ Giáo Hội có một việc lớn lao phải làm, vì Giáo Hội là một cơ chế phàm nhân, được sống trong một xã hôi thương mại hơn là phục vụ, và chính từ trong lòng của xã hội ấy làm cho nảy mầm vương quốc của ơn nhưng không. Nhân danh Tin Mừng và nhân danh các tiên tri thời Cựu Ước, cấm chúng ta sống như một doanh nghiệp…Mỗi lần chúng ta bỏ đi xa khỏi âm vực của ơn nhưng không, trong lời nói hay trong việc làm, là chúng ta đi xa con đường của Chúa, như tiên tri I-sa-i-a nói. Sứ mạng con người đã được rửa tội của chúng ta là làm chứng nhân giữa mọi người, ta không phải là một người lạ nhưng là một người khác.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương