Alleluia, alleluia ! – Này là con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta,
các ngươi hãy nghe lời Người – Alleluia.
-----------------
"Mặt Người chiếu sáng như mặt trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
1 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao
2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng.
3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người.
4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."
5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! "
6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất.
7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ! "
8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.
9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: "Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy."
« Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. » (c1) Một lần nữa chúng ta đứng trước mầu nhiệm sự chọn lựa của Thiên Chúa.Tại Xê-da-rê chính Chúa Giê-su nói về Thánh Phê-rô rằng : « anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.»(Mt16, 18) Thế nhưng Thánh Phê-rô được trao phó sứ mạng chủ yếu ấy, theo đúng nghĩa lời tuyên bố của Chúa, nhưng không phải vì thế ngài chỉ một mình đối với Chúa Giê-su. Có hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đi cùng: « Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao» (c1): cũng trên một ngọn núi cao, ông Mô-sê được Thiên Chúa của Giao Ước mặc khải và được ban cho các bia Lề Luật. Chính Lề Luật này giáo dục tiệm tiến dân của Giao Ước sống trong tình yêu Thiên Chúa và anh em mình ; cũng trên ngọn núi cao ông Ê-li-a được mặc khải Thiên Chúa từ bi nhân hậu như ngọn gió hiu hiu. Hai ông Mô-sê và Ê-li-a là hai cột trụ của Cựu Ước…
Trên ngọn nuí cao, ba Thánh Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an ba cột trụ của Giáo Hội được mặc khải Chúa Giê-su là Thiên Chúa từ bi nhân hậu. « Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! »(c5). Và sự mặc khải ấy được ban để củng cố lòng tin cho các ngài trước những xao xuyến của cuộc Tữ nạn. Sau này Thánh Phê-rô viết « Thật vậy, khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến". Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người.» (2Pr1, 16-18)
Cũng như thế chúng ta đọc trong thư Thánh Phao-lô viết cho Ti-mô-thê : « Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người» (2Tm1, 14) Ấn sủng, tức là sự hiện diện của Chúa, trên Nhân Vị Chúa Giê-su, Đấng ngài yêu mến. Cụm chữ : «Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. » là cách chỉ định Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a- Người Tôi Trung theo nghĩa của tiên tri I-sa-i-a(Is42, 1) « Hãy nghe lời Người» , tức là Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a - Ngôn Sứ, theo nghĩa của ông Mô-sê, trong sách Đê- Nhị Luật, ngài loan báo cho dân chúng : « Từ giữa anh (em), trong số các anh em của anh (em), ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh (em); anh (em) hãy nghe vị ấy» (Đnl18, 15)
« con xin dựng tại đây ba cái lều »(c4) câu này của Thánh Phê-rô cho ta thấy giai đoạn Chúa Hiển Linh có lẽ đã xảy ra vào những ngày Lễ Lều, hay ít nữa trong bầu khí của Lễ Lều. Lễ này được tổ chức tưởng niệm cuộc phiêu lưu qua sa mạc thời Xuất Hành và Giao Ước được kết với Thiên Chúa trong bầu khí sốt sắng làm cho các ngôn sứ sau này gọi là cuộc đính hôn với Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Trong dịp Lễ này người ta sống dưới lều trong tám ngày để chờ đợi và khẩn cầu một tác động mới của Thiên Chúa thực hiện lúc Đấng Mê-si-a đến. Trong thời gian tám ngày lễ có nhiều sự kiện, nhiều bài thánh vịnh hát lên những lời hứa Đấng Thiên sai và khẩn cầu Thiên Chúa mau đến.
Trên núi Chúa Hiển linh, ba vị Tông đồ bổng chốc đứng trước sự mặc khải ấy : không lạ gì các ngài sợ hãi như mọi phàm nhân trước biểu hiện của Chúa Chí Thánh. Các bạn hẳn còn nhớ tiên tri I-sa-ia chỉ còn biết lặp lại « Thánh! Thánh! Chí Thánh! ĐỨC CHÚA các đạo binh là Đấng Thánh!» (Is6, 3). Chúng ta cũng không ngạc nhiên gì khi Chúa Giê-su nâng họ đứng dậy và trấn an họ : trong Cựu Ước Thiên Chúa đã mặc khải Chúa Chí Thánh là Thiên Chúa gần gũi con người, và không có gì phải sợ hãi. Thế nhưng sự mặc khải Đấng Mê-si-a dưới nhiều phương diện chưa phải lúc mọi người có thể hiểu. Chúa Giê-su ra lệnh cho họ lúc bấy giờ không kể lại cho một ai, trước khi « Con Người sống lại từ cõi chết ». Khi nói câu ấy Chúa Giê-su xác định sự mặc khải này cho ba môn đệ : Ngài chính là Đấng Mê-si-a mà tiên tri Đa-ni-en thấy dưới dạng Con Người, tức là một Người bước xuống từ đám mây: « Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa:có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến…Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị;Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.» (Đn 7, 13-14)
Sự thật còn đẹp hơn lời tiên tri: nơi Chúa Giê-su vừa Người vừa Thiên Chúa, cả nhân loại sẽ nhận lãnh quyền thống trị muôn đời và sự hiển linh vĩnh cửu. Nhưng Chúa Giê-su nói rõ: « Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy »(c9) . Chỉ sau ngày Chúa Giê-su Phục Sinh các Tông đồ mới có thể làm chứng nhân.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương