Đáp: «Lạy Chúa là Thiên Chúa 1à con, linh hồn con khát khao Chúa.»
2 Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
3 Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
4 Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.
5 Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
6 Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
8 Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.
9 Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.
«Giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì: Đẹp thật nhưng cũng không kém lạ kỳ! Thật sự, hãy tưởng tượng tư tưởng chúng ta đang bay bổng trong Đền Giê-ru-sa-lem (dĩ nhiên trước khi thành bị phá huỷ năm 587 trước CN, thời vua Na-bu-kô-đô-nô-so)…và giả dụ như chúng ta là tư tế hay một người Lê-vi. Hòm Bia (LND: tiếng Pháp chuyển ngữ là Arche, còn có nghĩa là vòm cầu) được đặt trong ấy, đây là nơi cực thánh, «Thánh, chí Thánh». Nhưng xin cảnh báo, khi chúng ta (LND: người Pháp) gọi là hòm bia, và có thể nghĩ đến một công trình kiến trúc đồ sộ: Dân thành phố Paris liên tưởng đến Khải hoàn môn gần La Defense …Đối với Ít-ra-en thì khác hẳn! Đó là một điều gì thánh thiêng nhất: một cái tráp nhỏ làm bằng gỗ quý, mạ vàng từ bên ngoài lẫn bên trong, đựng các hòm bia Lề Luật. Trên hòm bia có khắc hai tượng thiên thần lớn canh giữ.
Các minh thần (Cherubins) còn gọi là thiên thần Kê-ru-bim, không phải dân Ít-ra-en nghĩ ra: chữ này đã có từ thời Mê-sô-pô-ta-mi-a. Đó là những sinh vật thần thiêng, thân sư tử, mặt người và nhất là có cánh thật lớn. Ở Mê-sô-pô-ta-mi-a những minh thần được thờ phượng như thần thánh…Trái lại bên Ít-ra-en, họ cẩn thận xem các Kê-ru-bim này như những tạo vật: được biểu hiện như những kẻ canh giữ Hòm Bia, và đôi cánh được xem như những bậc thang Thiên Chúa bước lên ngai. Trong bài này, vị tư tế đang cầu nguyện trong đền, dưới bóng hai cánh Kê-ru-bim, cảm thấy được trìu mến che chở của Chúa, từ rạng đông cho đến tối.
Các hình ảnh khác bài Thánh vịnh được trích từ những từ vựng các Lê-vi: «Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện» (c3) (họ là những người duy nhất được vào vùng thánh trong Đền): «Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng» (c5) (Suốt đời của họ được cống hiến để chúc tụng Chúa)… «giơ tay cầu khẩn danh Ngài» (c5) (người Lê-vi cầu nguyện tay giơ lên trời)… «Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca» (c6) (Ngụ ý nói về vài buổi lễ tế, sau đó có bữa ăn chung với tất cả tham dự viên; ngoài ra các Lê-vi được nhận một phần thịt từ những của lễ tế.)…«Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ, suốt năm canh thầm thĩ với Ngài.» (câu 7 không có trong phụng vụ hôm nay, cả đời họ sống bên trong Đền)
Thật ra bài Thánh vịnh này giống như một dụ ngôn. Người Lê-vi là toàn thể Ít-ra-en, từ rạng đông lịch sử cho đến tận thế. Kinh ngạc vể sự thân mật, về sự gần gũi Thiên Chúa đề nghị cho họ: «ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài,» (c2)…khi nói «ngay từ rạng đông» là có ý nói từ khởi đầu lịch sử dân tộc; từ muôn thuở Ít-ra-en đi tìm Chúa của họ. «ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.» (c2); ở Ít-ra-en cách phát biểu này rất thực tế: đất thì hoang sơ, khô cằn, chỉ chờ mưa xuống để sống lại, đó là một trải nghiệm thông thường, rất gợi ý.
Từ rạng đông lịch sử dân tộc, Ít-ra-en khao khát Thiên Chúa của họ, sự khao khát càng lớn nữa khi đã trải nghiệm sự hiện diện, sự gần gũi Chúa đề nghị cho họ. Vì thế, đó là cách hiểu cao, sâu hơn về trải nghiệm của dân tộc này, hé lộ ra trong bài Thánh vịnh. Ví dụ như câu 2 «Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước» hẳn ngụ ý nói về thời gian sống trong sa mạc, ngay sau khi rời Ai-cập, và trải nghiệm khủng khiếp khi gần chết khát tại Ma-xa và Mơ-ri-va (Xh17). Lời nguyện đẹp nhất thoát ra từ sự nghèo hèn thiêng liêng, như lời than của người mất nước trong cơ thể: «Tôi khát».
«Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện» (c3) câu này ngụ ý nhắc đến những biểu hiện Thiên Chúa trong sa mạc Si-nai, nơi thánh thiêng dân chúng chiêm ngắm Thiên Chúa của họ ban Giao Ước…«để thấy uy lực và vinh quang của Ngài». Trong ký ức dân tộc Ít-ra-en, điều này gợi lên những kỳ công thời Xuất Hành, để giải thoát dân Ngài khỏi vòng nô lệ Ai-cập, cũng như công thức «chính Người cứu độ tôi» (Xh15, 2). Ở It-ra-en, không ai trong đời người, có thể quên câu sau đây Thiên Chúa nói với ông Mô-sê: «Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng.» (Xh3, 7)
Khi suy niệm về cuộc giải phóng của Thiên Chúa, người ta thường so sánh con chim Bằng tập cho các con bay: «Tựa chim bằng trên tổ lượn quanh, giục bầy con bay nhảy, xoè cánh ra đỡ lấy rồi cõng con trên mình.» (Đnl32, 11). Như một tiếng vang, trong sách Xuất Hành, kết Giao Ước có câu: «Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta» (Xh19,4). Thế thì, phải chăng các cánh thiên thần Kê-ru-bim trong Đền lại mang một ý nghĩa khác nữa? Đó là những cánh chim bảo trợ của đấng dẫn Ít-ra-en đến con đường tự do.
Gợi lại tất cả những sự kiện thời Giao Ước, sự gần gũi không bóng che, điều này gợi ý cho chúng ta bài Thánh vịnh được sáng tác trong thời điểm không mấy sáng chói, lúc ấy dân cần bám vào những kỷ niệm của quá khứ. Tất cả mọi sự không được tốt đẹp cho lắm và các câu (phụng vụ hôm nay không được nghe) nói lên rõ ràng, có thể nói một cách mãnh liệt, chờ đợi qua đi sự dữ trên trái đất, ví dụ như: «Còn những kẻ tìm hại mạng sống con, ước gì chúng phải xuống vực sâu lòng đất» (c10). Ít-ra-en chờ đợi hoàn tất mọi lời hứa Thiên Chúa, trời mới và đất mới, mọi người được giải thoát khỏi sự dữ và bách hại.
Câu 2: «từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông,» nói lên lòng ước mong ấy chưa được thỏa mãn: Ít-ra-en là một dân tộc đang chờ đợi, đang ưóc mong: «Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông,» (Tv130, 6). Khi Chúa Giê-su nói về canh chừng, tỉnh thức, trong bài dụ ngôn Mười Trinh nữ (bài Phúc Âm Chúa nhật hôm nay) là Ngài nghĩ đến điều ấy: Thường xuyên tìm Thiên Chúa.
Ngày nay, để tiếp theo dân Ít-ra-en, dân Ki-tô cũng đem nội dung này trong lời nguyện: sự khao khát, chờ đợi ấy. Bài Thánh vịnh 62 được chọn trong sách Giờ Kinh Phụng Vụ cho ngày Chúa nhật buổi sáng. (tuần 1) Vì trong phụng vụ Ki-tô, Chúa nhật là ngày Chúa Ki-tô Phục Sinh, là ngày được chọn ưu tiên để chúng ta cử hành toàn bộ mầu nhiệm Giao Ước Thiên Chúa với dân Ngài, từ rạng đông lịch sử, trong khi chờ đợi Nước Trời ngự đến vĩnh viễn.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương