Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM A (Rm 12, 1-2) 03/09/2017

«Anh em hãy tiến thân làm của lễ sống động» 

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma

 

1 Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.

2 Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.

 

Mười một chương đầu thư Thánh Phao-lô, gửi tín hữu thành Rô-ma triển khai vấn đề giáo thuyết. Những đề tài thần học quan trọng được Thánh Phao-lô mở rộng rất phong phú, và sâu sắc: Sức mạnh ân sủng, tính hoàn vũ của tội lỗi, công chính hóa bởi đức tin, mầu nhiệm phục sinh, hành động của Thần Khí, ơn cứu độ, được hứa và trao ban cho mọi người. Bây giờ, cũng như trong tất cả thư Thánh Phao-lô. Thánh nhân rút ra những hệ luận từ các bài học của ngài: Những sự thật này làm xáo trộn tất cả đời sống.

«vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em» (c1) đấy, bài hôm nay bắt đầu như thế. Tất cả những gì ngài muốn nói ở đây, liên quan mật thiết với tất cả những gì ngài viết trước đó, đặc biệt những hàng sau cùng của chương trước đây, các chữ: «Quả thế, Thiên Chúa …để thương xót mọi người.» (Rm11, 32) (Sau đó là bài ca ngợi khen ân sủng, Chúa nhật vừa qua chúng ta được nghe): «sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!34 Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?... A-men» (Rm11, 32-34) Vì thế, Thánh Phao-lô nói, không nên chần chừ: Chỉ có một cách đáp lại Thiện Chúa tuyệt vời ấy, một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, luôn mong muốn cứu độ loài người, không loại trừ một ai, toàn năng bởi khả năng tha thứ của Ngài, đó là, hãy buông bỏ tất cả để tin cậy vào Ngài. Hãy hiến dâng tất cả đời sống chúng ta, tất cả con người chúng ta, cho một thực tại làm xáo trộn toàn bộ cuộc sống. Hãy hiến dâng cho Chúa, để Ngài hoàn tất kỳ công của Ngài nơi chúng ta: «Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.» (c1). Biết rằng chữ «hiến dâng» trong gốc La-tinh, có nghĩa là làm điều thánh thiêng, vì thế có thể hiểu câu này: «Tôi khuyên nhủ anh em hãy làm cho con người anh em, đời sống của anh em trở nên một điều thánh thiêng, một điều nên thánh» Thánh Phao-lô sau này nói cách khác, và nhấn mạnh rằng điều này rất khả thi: «Thật vậy, Đức Ki-tô đã lấy thần lực của Người mà ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức, khi Người cho chúng ta biết Đấng đã dùng vinh quang và sức mạnh của mình mà kêu gọi chúng ta. Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.»  (2Pr1, 3-4) Chúng ta được mời gọi sống theo thánh vịnh 40 (39): «Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: "Này con xin đến! Trong sách có lời chép về con» (Tv40, 7-8). Cũng như một tiếng vang, hãy nghe tiên tri Mi-kha: «Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.» (Mk6, 8)

«Hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.» (c1) Thánh Phao-lô nói như thế. Nếu xét từng chữ Thánh nhân dùng, chúng ta nhận xét chữ «xứng hợp» trong bài, được dịch từ tiếng Hy-lạp «Logikos», có nghĩa là hợp với lý trí và lô-gic: Sống như thế đó là điều lô-gic, Thánh Phao-lô nói, và xứng hợp với những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta: Không phải những cử chỉ bên ngoài nhưng là thờ phượng, khiến sự dâng hiến thật sự và toàn diện.

Sự dâng hiến toàn diện này là cộng tác tích cực vào thánh ý Chúa: Thánh ý ấy là  «… muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.» (1Tm2, 4). Thánh Phao-lô dùng tất cả đoạn sau thư gửi tín hữu Rô-ma, để trình bày thế nào là sự dâng hiến toàn diện người Ki-tô: Mỗi người, tùy khả năng và phẩm chất riêng từng người, được mời gọi giữ chỗ đứng của mình trong sứ vụ của Giáo Hội, là phục vụ anh em. Điều này đòi hỏi chúng ta chấp nhận «cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.» (c2)

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com