Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XXIV THƯỜNG NIÊN Năm A (Mt 18, 21-35) 17/09/2017

Alleluia, alleluia!

- Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

------------------

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy."

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? "

22 Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."

23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.

24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.

25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.

26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết."

27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.

28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao! "

29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh."

30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.

31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.

32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,

33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? "

34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.

35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

 

Bài dụ ngôn này như một mẫu truyện có ba hồi. Hồi thứ nhất, đức vua tính sổ sách với các người hầu và triệu một người đến, người này mang một số nợ khổng lồ. Lẽ ra chiếu theo luật người này và cả gia đình anh ta phải đi tù và làm việc cho đến khi trả hết nợ…Nhưng hơn nữa, số tiền nợ quá lớn, dù phải mất mấy đời người cũng không đủ trả. Người mang nợ van nài xin khất lại sau, vua chạnh lòng thương cho anh đi và nói « ngươi không còn thiếu ta gì nữa ». Màn thứ hai, người này làm trái ngược hẳn lại đối với một người mang nợ mình. : chỉ vì một món nợ không đáng kể, bây giờ anh là chủ nợ không nghe lời van xin của con nợ, không nói chi đến gia hạn mà tống con nợ vào tù. Màn thứ 3, vua trách sự cứng lòng của anh ta: « đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? »(c33)

Trước hết đây là một bài dụ ngôn về lòng thương xót của Chúa : lòng thương xót chỉ muốn tha tất cả nợ chúng ta ; một lòng thương xót lẽ ra phải, một cách nào đó, ảnh hưởng trên chúng ta, vì chúng ta được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Lòng thương xót như thế không phải ngẫu nhiên nơi chúng ta, câu hỏi của Phê-rô chứng minh điều ấy. Ngay chúng ta thực tâm muốn tha thứ, chúng ta cũng không muốn đi quá xa ! « Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? »(c21). Chúng ta còn xa cách xóa món nợ to không thể nào tính được như trong bài dụ ngôn. Và hẳn đó là một dấu ấn của câu truyện nhỏ này : không tính toán. Đây không phải làm thế nào mới đủ đáp ứng cho lòng thương xót.  Bởi định nghĩa, lòng thương xót phải từ cõi lòng, vượt hẳn chúng ta, qua cả cách tính toán nhỏ nhen của chúng ta.

Đấy là điều Chúa Giê-su mời gọi Phê-rô : vượt qua sự toan tính, những lý lẽ thường tình. Bảy lần, kể ra cũng khá rồi…Thánh Phê-rô đề nghị số 7, con số tượng trưng, cũng là đã bước xa một bước lớn ! Nhưng Chúa Giê-su mời gọi một điều khác : phải 70 lần 7 ( hay 77 lần 7, theo các bản khác) nói cách khác, vô tận. Chúa Giê-su nói đến các con số ấy không phải ngẫu nhiên : Hẳn các bạn còn nhớ câu chuyện về Ca-in và La méc. Sau khi giết A-ben, em mình, Ca-in sống trong sợ hãi bị bộ tộc trả thù : « bất cứ ai gặp con sẽ giết con» (St4, 14). Và hắn còn sống được nhờ một lời dọa trả thù kinh khủng hơn nữa cho ai tấn công vào Ca-in : « Bất cứ ai giết Ca-in sẽ bị trả thù gấp bảy» (St4, 15). Đó là điều người ta gọi là mắc vào mớ bòng bong của bạo lực. Năm thế hệ sau, đứa cháu 5 đời của Ca-in là La-méc khoe mình đã trả thù 77 lần ; và hãnh diện hát trước các thê thiếp mình là A-đa và Xi-la « A-đa và Xi-la, hãy nghe tiếng ta! Thê thiếp của La-méc, hãy lắng tai nghe lời ta! Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. 24 Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy! »  (St4, 23.24). Nói cách khác : chỉ vì một vết thương ta giết một người ; chỉ vì một chút sây sát, ta giết một đứa trẻ, nhưng nếu ai giết ta, ta sẽ được báo thù 77 lần.

Suốt chuỗi dài lịch sử Thánh Kinh. Chúa mời gọi nhân loại thoát khỏi vòng lẩn quẩn của bạo lực. Bắt đầu bằng luật báo oán giới hạn việc trả thù ( mắt đền mắt, răng đền răng, một sự sống chỉ bằng một sự sống) ; sau đó là tất cả bản văn của Lề Luật hay các ngôn sứ mời gọi tha thứ và mặc khải sự tha thứ của Thiên Chúa. Như thế dân tộc Ít-ra-en được huấn luyện bước dần dần từ báo thù đến tha thứ. Để đối ngược lại với bài ca của La-méc ( tha thứ 70 lần 7), Chúa Giê-su mời gọi Thánh Phê-rô, tức là cho tất cả các môn đệ Ngài, sống như Ngài trên thánh giá. Bởi vì sự tha thứ của Chúa Ki-tô cũng như của Thiên Chúa không có giới hạn.

Còn phần cuối bài dụ ngôn có vẻ ngược lại với sự tha thứ không giới hạn của Chúa. Người tôi tớ không tha thứ cho người anh em mình không được vua tha thứ. Đây là một sự thật lớn lao trong đời sống chúng ta. Hãy lấy một ví dụ : sau một thời gian lâu bị hạn hán, đất trong vườn khô cằn không còn thấm nước được ; cho dù có một trận mưa lớn đất cũng không được tưới ướt. Phải cày, bới đất lên. Sách Huấn ca nói : « Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác,» (Hc28, 2) Nhưng có thể chính sự tha thứ cho người anh em phải « hết lòng tha thứ »(c35) là sự cày, bới đất lên trước cần thiết để lãnh nhận lòng thương xót của Chúa. Trái tim cứng nhắc, khô cằn không thể nhận được làn sóng tha thứ của Chúa. Không phải Chúa dừng tha thứ nhưng vì chúng ta trở nên khô cằn không chấp nhận. Nhưng này, có lẽ chỉ vì chúng ta không sáng suốt ý thức tất cả những ơn thứ tha cho chúng ta, từng là kẻ lãnh nhận : người tôi tớ trong bài dụ ngôn, mang một món nợ kinh khủng, bổng chốc được tha, vỏn vẹn chỉ vì lòng từ nhân, có thể theo lẽ thường được chan hòa lòng biết ơn nên quên hết tất cả !

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com