Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XXV THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 20, 1-16a) 24/09/2017

Alleluia, alleluia!

- Chúc tụng Đức vua, Đấn nhân danh Chúa mà đến,
bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. -
Alleluia.

------------------

«Hay mắt anh ganh tị vì tôi nhân từ chăng»

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

1 "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.

2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.

3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ.

4 Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng."

5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.

6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? "

7 Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi." Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! "

8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất."

9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.

10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.

11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ:

12 "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt."

13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?

14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.

15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? "

16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.

 

Hãy tưởng tượng một ông chủ xí nghiệp dùng phương pháp này! Chắc chắn ngày hôm sau phần lớn các công nhân sẽ đình công! Nhưng Chúa Giê-su nói rõ rằng Ngài không nói như trong một xí nghiệp như những người khác. Câu đầu tiên của Ngài là: «Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia». Ngay từ đầu, chúng ta biết rằng ở đây là Nước Trời và chúng ta cũng biết rõ – như tiên tri I-sa-i-a nhắc nhở - tư tưởng của Thiên Chúa không phải tư tưởng của chúng ta.

Vì thế trong vườn nho rất đặc biệt này, những người công nhân được bổ nhiệm mọi lúc trong ngày…Dường như công việc không thiếu. Nhưng điều chính yếu không phải ở chỗ ấy. Như thường lệ, phải tìm bài này nói gì về Chúa, và ở đây rất dễ: «tôi tốt bụng» (c15) Chúa nói «Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?» (c15). Chúa tốt bụng, một lòng tốt không tính toán. Có nghĩa là lòng tốt của Chúa vượt trội lên hết mọi sự, kể cả sự kiện chúng ta không xứng đáng; điều này có nghĩa là chúng ta từ nay phải vĩnh viễn từ bỏ lô-gíc dựa vào kế toán: Trong Nước Trời không có máy tính các công đức. Có chăng đòi hỏi sự hoán cải của chúng ta. Cái lô-gíc kế toán ấy, thật ra chúng ta rất khó vất bỏ đi: Những cố gắng, những hi sinh, những đau khổ, lúc nào chúng ta cũng muốn tính để tự trấn an; chúng ta cứ tưởng như thế là có quyền hưởng Nước Trời, hưởng được tình yêu của Chúa.  

Ngược lại, chúng ta tin là Chúa có quyền đối xử mọi người không như nhau: «thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi» (c12) các công nhân đến từ đầu giờ trách chủ nhân, ngụ ý nói chúng tôi xứng đáng hơn. Và chính vì thế, Chúa Giê-su muốn chúng ta thoát khỏi cái lô-gic của việc xứng đáng: Tình yêu không biết đếm. Tình yêu không thể mua, chỉ cho nhưng không. Bài học này không phải mới mẻ gì. Chúng ta hãy đọc bài Thánh vịnh 127: «Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng.» Không có gì là xứng đáng trong bài này; hơn thế nữa, bài thánh vịnh tiếp «Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công.» nói cách khác: Đừng tính toán các công đức của bạn và những giờ phụ trội, Chúa sẽ tràn đầy hơn trên tất cả. Bài thánh vịnh hôm nay cho chúng ta hát: «CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.» (c9)…Rõ ràng, không phải lẽ công chính tính toán như chúng ta tưởng! Lẽ công chính của Thiên Chúa là thương yêu, không phân biệt, tất cả con cái như nhau, tức là vô cùng, không đo lường.

Để trở về Cựu Ước, ông Giô-na cũng thế, thấy Chúa hơi thái quá khi Ngài tha thứ cho những người hại ông ở Ni-ni-vơ: Dân Chúa chọn lúc nào cũng cố hết sức mình sống theo lề Luật; thế mà mấy dân ngoại ghê tởm kia chỉ cần bắt đầu làm một cử chỉ thì được tha thứ. Từ Cựu Ước đã được biết những kẻ sau trở nên trước. Cũng như thế, thời Thánh Mát-thêu, các người trước kia là dân ngoại, ồ ạt đến trong các cộng đồng Ki-tô, làm cho những kẻ đến từ đạo Do Thái xì xào và cho rằng mình là con cháu một dòng giống đạo cũ từ lâu. Và chính Chúa Giê-su cũng đã gặp phải sự đối kháng của những tín hữu kỳ cựu, khi Ngài lui tới thân thiện với những người thu thuế và người tội lỗi.

Ngay đến khi trên thánh giá, chúng ta còn biết ít nữa một người «cuối» trở nên «người đầu», đó là người trộm lành…đây đúng là người công nhân giờ chót. (Trong Phúc Âm theo Thánh Lu-ca chứ không trong Thánh Mát-thêu, nhưng bài học cũng như thế thôi). Chỉ đến phút chót, người trộm lành cùng bị đóng đinh như Chúa Giê-su, quay sang Ngài; chỉ cần một lời sự thật từ miệng anh ta là được nghe lời mà tất cả chúng ta mơ được nghe trong giờ cuối đời chúng ta: «Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng» (Lc23, 43)

Nhưng nếu muốn trực diện với sự thật, bài dụ ngôn này lẽ ra phải làm cho chúng ta hài lòng…Ai trong chúng ta có thể quả quyết mình là người công nhân từ giờ ban đầu? Dù là ai đi nữa, chúng ta chỉ là những công nhân giờ thứ mười một! Chỉ khi quên điều ấy, chúng ta mới đâm ra ghen tức. «Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?» (c15). Những người thợ giờ đầu phản đối chủ nhân vì không hiểu lý lẽ của ông. Giô-na cũng phàn nàn với Chúa vì Ngài tha thứ quá dễ dàng những người tội lỗi thành Ni-ni-vơ; những người Pha-ri-sêu chống lại Chúa Giê-su vì Ngài tiếp đón những kẻ có đời sống không tốt lành; người anh cả phàn nàn với người cha đón tiếp quá nồng hậu đứa con hoang đàng…Mỗi khi lô-gic của Chúa quá khác với lô-gíc của ta, cơn cám dỗ đến với chúng ta là phản đối.

Đây là lúc hơn bao giờ hết để chúng ta nhớ lại câu của tiên tri I-sa-i-a trong bài đọc một: «tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta…Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.» (Is55, 8-9) 

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com