« Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô »
Trích thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Phi-líp-phê
20 Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết:
21 vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi.
22 Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào.
23 Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần:
24 nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.
27 Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô
Đọc thư Thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê, lúc nào cũng rất cảm động: Thư của ngài vừa chứa chan lòng đam mê sứ vụ của mình, đam mê Đức Ki-tô; vừa đầy lòng quyến luyến, huynh đệ đơn sơ đối với những người anh em ngài được biết ở đấy. Vì thế bài này, vừa là những đề tài thần học được triển khai rất thâm sâu, vừa là những tâm sự đầy chất nhân bản của một người, như mọi người tỏ lòng với những bạn của mình.
«dù tôi sống hay tôi chết» (c20), Thánh Phao-lô đang ở tù, rõ ràng là thế, nhất là qua phần sau của bức Thánh thư, nhưng không ai biết ở đâu: Có lẽ ở Rô-ma hay lần đầu ngài bị giam ở Ê-phê-sô. Vụ án của ngài rõ ràng đã bắt đầu, ngài chờ tuyên án và biết rõ mình có nguy cơ bị kết án tử hình. «Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết:» (c20) Chữ thân xác ở đây chỉ toàn diện con người. Nếu ngài được thả ra, ngài có thể tiếp tục đi rao giảng Tin Mừng, và ngay cả thời gian bị giam cầm, hay lúc xử án ngài cũng có thể làm chứng tá cho Đức Ki-tô ngay trong tòa án. Thánh nhân có viết câu sau đây trong một đoạn trước: «đến nỗi tại dinh vua quan cũng như ở mọi nơi khác, người ta đều hiểu rõ là chính vì Đức Ki-tô mà tôi mang xiềng xích. Vì thấy tôi bị xiềng xích, phần đông các anh em có lòng tin cậy vào Chúa đã tỏ ra bạo dạn hơn để rao giảng lời Thiên Chúa mà không chút sợ hãi» (Ph1, 13-14). Còn hay hơn nữa, ngài vui mừng biết có vài người, không mấy hảo tâm, lợi dụng lúc ngài vắng mặt, tự xưng là Tông đồ thay chỗ của ngài. Nhưng bất chấp, Thánh Phao-lô nghĩ như thế, dù sao đi nữa miễn là Đức Ki-tô được loan truyền.
Nếu ngài bị kết án tử hình, sự kiện ngài đối diện với việc tử đạo, là một chứng tá tột đỉnh cho đức tin các Ki-tô hữu vào sự Phục Sinh. Thật đáng ngạc nhiên, về sự thản nhiên đầy tự tin của những Ki-tô hữu sơ khai trước tử nạn vì đạo. Trong lúc những kẻ bách hại mong bóp nghẹt Ki-tô giáo vừa mới nảy sinh, lòng tự tin ấy lại là dịp cho nhiều nguời được hoán cải. Điều này có nghĩa là, dù chuyện gì xảy ra đi nữa, tất cả đều làm cho Tin Mừng phát triển, và đó là điều đáng kể trước mắt Thánh Phao-lô. Điều này không làm cho chúng ta ngạc nhiên từ một Tông đồ…Tiêu chuẩn Tông đồ, chính là những người chỉ có một mục đích, rao giảng Tin Mừng! Còn đối với chúng ta, cho dù không đứng trước những tình huống đặc biệt như thế, chúng ta cũng có thể nhớ rằng đời sống thực tế có thể tôn vinh Thiên Chúa (có nghĩa là biểu hiện tính cao cả của Ngài) trong mọi hoàn cảnh.
Thánh Phao-lô tiếp: «đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi.» (c21). Có thể hiểu rằng: «đối với tôi, sống sung mãn là sống trong Đức Ki-tô» hay là «lẽ sống của tôi là Đức Ki-tô». Ngụ ý nói đời sống của tôi chỉ sung mãn trong sự gặp gỡ cuối cùng, vì thế, chết là một mối lợi. Sau đó ngài nói: «ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần» (c23). Chúng ta nhận ra ở đây, một tiếng vang của sự liên đới mật thiết, nối kết chúng ta với Đức Ki-tô, và Thánh Phao-lô phát biểu không biết bao lần điều này trong các bài viết của ngài. Đề tài to lớn của ngài, chính là số phận của chúng ta là trở nên một với Chúa Giê-su Ki-tô. Ví dụ như trong (Cl1, 19): «Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người»; hay trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, bài này là chìa khóa cho mọi sự: «Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: …quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.» (Ep1 9-10)
Nhân đây, tôi xin lưu ý đối với Thánh Phao-lô, cái chết cho ta hoàn toàn kết hiệp với Chúa Ki-tô, ngài có vẻ không dự định một thời hạn nào. Đây là những gì ngài tuyên bố trong thư gửi cho tín hữu thành Cô-rin-tô: «Vậy chúng tôi luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa... Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa» (2Cr5, 6-8)
Không vì thế, Thánh Phao-lô không «bỏ thuyền», và thú nhận ngài bị dằng co đôi bên: «vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.» (c21-23). Điều này, không có nghĩa là không ai có thể thay thế ngài được, vì ngài biết rằng chính Chúa Ki-tô tác động trong lòng các tín hữu…Nhưng ngài hết lòng mong muốn hiện diện nơi ngài phải có mặt. Thật ra, không phải là một trường hợp bối rối lương tâm, vì thánh nhân biết không phải ngài quyết định cho thân phận mình. Nhưng luận cứ của ngài là một mẫu gương của sự hy sinh quên mình, đúng nghĩa của nó, Với ý nói là điều quan tâm duy nhất của ngài, là sứ mạng cho những kẻ ngài được giao phó.
Để kết thúc, Thánh nhân trở về với họ: «Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô» (c27) Đây là cả một chương trình! Nhìn lại song song hai điều, trường hợp lương tâm của Thánh Phao-lô và lời khuyên bảo cho dân thành Phi-líp-phê, chúng ta thấy trước mặt ngài thế nào là cuộc sống xứng đáng với Tin Mừng: Rất đơn giản thôi, đó là tận hiến cho rao giảng Tin Mừng.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương