Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM A (Pl 4, 6-9) 08/10/2017

"Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em"

Trích thư Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

 

.6 Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.

7 Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.

8 Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.

9 Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.

«Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.» (Cv2, 42) Tất cả chúng ta còn nhớ câu ấy trong sách Công Vụ Tông Đồ. Đối với Thánh Lu-ca đó là cách miêu tả một cộng đồng Ki-tô bình thuờng. Rõ ràng qua bài này, đối với Thánh Phao-lô cũng như vậy. Hơn nữa, Thánh Lu-ca viết câu ấy là nghĩ đến cộng đoàn Phi-lip-phê vì ngài cũng đã đến đó với Thánh Phao-lô. (x Cv16, 12) Dù sao đi nữa, sau này Thánh Phao-lô có viết câu sau đây cho những tín hữu yêu dấu của mình trong Thánh đoàn Phi-líp-phê: «cầu nguyện đi đôi với đời sống cộng đồng» .

Trước hết, chúng ta suy nghĩ về cầu nguyện. «Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.» (c6) và câu trước đó ngài nói: «Chúa đã gần đến» (Pl4, 4). Trong vài chữ ấy, tất cả về cầu nguyện được nói lên: Điểm thứ nhất, trong cầu nguyện, cầu xin và tạ ơn lúc nào cũng đi với nhau; điểm thứ hai, Chúa gần gũi, lời cầu nguyện của chúng ta dâng trọn lên Ngài; điểm thứ ba, vì Chúa gần gũi, chúng ta không phải lo lắng gì.

1/ Trong cầu nguyện, lời khẩn cầu và tạ ơn lúc nào cũng đi đôi với nhau. Ấy là một đặc tính của lời cầu nguyện Do Thái, nói lên cùng với nhau: «Ngài đầy ơn phúc, Ngài ban cho chúng con…xin Ngài dũ lòng thương ban cho chúng con». Hơn nữa, điều này rất lô-gíc: Sở dĩ chúng ta cầu nguyện với Chúa, bởi vì biết Ngài có thể và muốn cho ta hạnh phúc…và Ngài lúc nào cũng làm như thế. Van xin Ngài điều chi là đã tạ ơn Ngài rồi, ít nữa là ngụ ý như thế. Hơn nữa, trong thư gửi cho tín hữu đoàn Phi-líp-phê, Thánh Phao-lô cho chúng ta một ví dụ: «Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lần nhớ đến anh em.4 Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy» (1, 3).

2/ Điều thứ hai, Chúa gần gũi, lời cầu nguyện của chúng ta dâng trọn lên Ngài. Đây là điều Thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh, điều này có hai ý nghĩa. Chúa gần gũi vì Ngài yêu chúng ta (tất cả Cựu Ước đều nhắc lại bằng nhiều cách), và hơn nữa, Chúa gần gũi chúng ta vì thời gian đã hoàn tất, vì Nước Trời đã bắt đầu, và chúng ta đang ở thời cuối. Chúng ta còn nhớ câu Thánh Phao-lô dùng từ ngữ của thủy thủ: «thời gian đã cuốn buồm lên rồi». Như thuyền lúc gần cập bến, cuốn buồm lên, lịch sử nhân loại cũng như thế, đã gần đến bến. Thánh Phê-rô cũng nói: «Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi.» (1Pr4, 7).

Sống đức tin là hướng về sự hoàn tất Lịch Sử. Không chỉ Nước Trời đến gần chúng ta qua Chúa Giê-su-Ki-tô (vì Nước Trời là Chúa Giê-su Ki-tô hiện diện trong chúng ta), mà hơn nữa, Nước Trời thu hút chúng ta như nam châm. Hãy nhớ câu sau đây của Thánh Phao-lô: «Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.14 Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.» (Pl3, 13-14) và tôi nghĩ rằng khi Thánh Phao-lô nói: «hãy bắt chước tôi», là ngài muốn nói lên điều ấy, nghĩa là hãy chạy theo tôi, tới cùng tới đích. 

3/ Điều thứ ba, vì Chúa gần gũi, chúng ta không phải lo lắng gì. «Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta» (Pl3, 20), Đọc câu này, chúng ta có cảm tưởng như một tiếng vang của Lời Chúa Giê-su thường nói: «Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!» (Mt8, 26) hay là bài học tuyệt vời về cầu nguyện trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu: «25 Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.» (Mt6, 25-34)  

Đây không phải vô tư mà là trông cậy, thanh thản: «Anh em đừng lo lắng gì cả » (c6). Vì tất cả đã được ban cho, cứ lãnh nhận, hãy hứng lấy suối nguồn hồng ân. «Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.» (Mc11, 24). Rốt cuộc, cầu nguyện là dìm vào hồng ân Thiên Chúa.

4/ Điều sau cùng theo Thánh Phao-lô, cầu nguyện đi đôi với đời sống cộng đồng, đây cũng là một sứ điệp luôn hiện hữu trong Thánh Kinh. Chỉ trong Tân Ước, Thánh Mác-cô nối liền lời cầu nguyện là thái độ đối với người anh em: «Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai…» (Mc11, 25) và Thánh Phê-rô cũng đem lại gần hai sự kiện như thế: «Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi. Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được. Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi» (1Pr4, 7-8)

Bình an là cuối con đường, nơi ấy cầu nguyện và những giá trị đời sống cộng đồng đi đôi với nhau: «Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.» (c6-7)  

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com