Alleluia, alleluia !
- Chúa phán: Thầy là đường, là sự thật và là sự sống,
không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. - Alleluia.
------------------
"Ông sẽ cho người khác thuê vườn nho."
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
33 Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.
34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi.
35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ.
36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy.
37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta."
38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó! "
39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.
40 Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia? "
41 Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông."
42 Đức Giê-su bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.
Chúng ta nhận ra ngay trong bài dụ ngôn của Chúa Giê-su những điệu mượn từ bài ca vườn nho của tiên tri I-sa-i-a: «Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh.» (c33) Nguời chủ vuờn nho cũng cẩn thận rào chung quanh vuờn nho như nguời bạn chủ vuờn nho trong (Is5, 1,2); nhưng điều giống nhau chỉ ở đấy. Trong Phúc Âm, bài dụ ngôn chuyển qua huớng khác và đề nghị một bài học mới.
Trong sách Isa-i-a, người chủ cũng là người làm vườn nho, vườn nho tượng trưng cho dân It-ra-en, được chăm sóc chu đáo, nhưng làm thất vọng, chỉ cho trái xấu. Trong bài dụ ngôn của Chúa Giê-su, người chủ vườn nho không phải người canh tác trực tiếp vườn nho, ông trao cho những người làm vườn nho khác. Chúng ta hãy nghe Thánh Mát-thêu: «Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.» (c33) Ở đây muốn biết ai làm vườn nho, ai là vườn nho, không được rõ ràng.
Giả thuyết thứ nhất, vuờn nho là dân tộc It-ra-en, như trong sách I-sa-i-a, và những người làm vườn nho là những thượng tế và những người Pha-ri-sêu. Họ có nhiệm vụ lo cho vườn nho, dân tộc It-ra-en, và họ hướng dẫn không đúng. Bởi vì các ngôn sứ bị hành hạ và sau cùng họ quẳng Đứa Con Yêu Quý Người Cha ra khỏi vườn nho. Giả thuyết thứ hai, vườn nho tượng trưng cho Nước Trời và những người làm vườn là toàn dân It-ra-en. Dân tộc này có nhiệm vụ chăm sóc Nước Trời. Giả thuyết này có lẽ là đúng, vì Chúa Giê-su kết cuộc bằng câu sau đây: «Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.» (c43) Tiên tri Giê-rê-mi-a xét về dân tộc It-ra-en, có thể soi sáng cho chúng ta: «22 Vì khi đưa cha ông các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, Ta đã chẳng nói gì với chúng, chẳng truyền dạy chúng điều chi về lễ toàn thiêu và lễ hy sinh cả.23 Nhưng điều Ta truyền cho chúng là: Hãy nghe tiếng Ta thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta. Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy, để các ngươi được hạnh phúc.24 Nhưng chúng chẳng nghe, chẳng để tai, cứ theo những suy tính của mình, theo tâm địa ngoan cố xấu xa; chúng đã lùi chứ không tiến.25 Từ ngày cha ông chúng ra khỏi đất Ai-cập tới nay, ngày này qua ngày khác, Ta không ngừng sai tất cả các tôi tớ của Ta là các ngôn sứ đến với chúng;26 nhưng chúng đã không nghe, cũng chẳng để tai, lại ra cứng đầu cứng cổ. Chúng hành động còn xấu hơn cả cha ông chúng nữa.27 Vậy, ngươi sẽ nói với chúng tất cả những điều ấy, nhưng chúng chẳng nghe đâu; ngươi sẽ gọi chúng, chúng chẳng trả lời đâu.28 Bấy giờ ngươi sẽ nói: Đây là dân tộc không biết nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của mình, không chấp nhận lời sửa dạy: sự chân thật đã tiêu tan và biến khỏi miệng nó. (Gr7, 22-28)
Câu sau cùng của Chúa Giê-su kinh hoàng: «Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.» (c43) Có thể kết luận rằng dân tộc It-ra-en sẽ bị lọai ra? Câu hỏi này đầu độc các cuộc đối thoại giữa người Do Thái và Ki-tô hữu từ hai mươi thế kỷ nay, và làm cho Thánh Phao-lô phải đau đớn đương đầu trong thư gửi Thánh đoàn Rô-ma. Kết luận của ngài, rất huyền nhiệm nhưng chắc chắn rằng dân được Chúa chọn vẫn là dân Chúa chọn để phục vụ thế gian, bởi vì: «Người không thể nào chối bỏ chính mình.» (2Tm2, 13)
Ngoài ra, xin đừng quên một bài dụ ngôn không thể là một bản án, lời phán quyết cuối cùng, nhưng là một lời kêu gọi hoán cải. Thật vậy, từ một bài dụ ngôn này đến bài dụ ngôn khác, trong giai đoạn ấy trong đời sống Chúa Giê-su, giọng dần dần mạnh lên, nhưng đó chỉ vì thời gian trở nên khẩn trương cho việc Đấng Mê-si-a được nhận ra. Chúng ta đang ở ngày hôm trước cuộc Thương Khó. Cũng đừng bao giờ quên, lòng ao ước không đổi thay của Chúa Giê-su là nhân loại được cứu độ, chứ không bị kết án, và Ngài đã từng chữa lành người mù bẩm sinh, thì Người càng muốn chữa cho những người đồng đạo của Ngài vì sự mù quáng của họ. Chúng ta nhận ra đây là lần cố gắng cuối cùng của Chúa Giê-su, để cảnh báo những người Pha-ri-sêu; lời Ngài có vẻ khắt khe nhưng không là một sự phán quyết cuối cùng.
Hơn nữa, Thánh Mát-thêu viết Tin Mừng này vào cuối thế kỷ thứ nhất, thời gian người Do Thái từ chối nhận ra đấng Mê-si-a, giúp cho các người ngoại được vào Giáo Hội. Vì thế, không lạ gì các bài viết từ thời kỳ ấy có một nét tranh luận, chống lại những kẻ khiến cho dân Do Thái từ chối Chúa Ki-tô. Tuy nhiên, đây không phải là một xét đoán cuối cùng toàn dân Do Thái, và cũng không đối với những giới lãnh đạo giáo quyền; nếu thế là ngược lại với Tin Mừng. Hơn nữa, sứ điệp quan trọng không phải là Nước Trời bị cất đi khỏi họ: Điều chủ yếu là, mặc cho những cản trở của con người, Nước Trời vẫn sinh hoa trái, quan trọng không ở những người làm vườn nho, mà như là trái nho.
Nhưng lời bình luận của Chúa Giê-su giúp chúng ta chìa khóa để hiểu bài dụ ngôn: «Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.» (c42) Chúa quen thuộc với cách làm thay đổi tình hình, đã có lần trong sách Sáng Thế, các con của Gia-cóp nói về người em Giu-se của mình: «Bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng» (St37, 20)…họ có bao giờ tưởng tượng, kẻ họ muốn thủ tiêu chính là Người sẽ cứu độ họ, và cả dân tộc. Một cách nào đó, Chúa Giê-su mặc khải sự phục sinh của Ngài: Tảng đá bị loại lại là tảng đá góc tường làm nền cho cuộc xây dựng; hãy hiểu: Dân tộc mới, là tất cả những ai quy tụ chung quanh Người, không kể họ từ nguồn gốc nào. Và không ai bị loại ra: Tất cả các người làm vườn được qui tụ trong câu Chúa Giê-su nói trên Thánh Giá: «Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.» (Lc23, 34)
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương