Đáp: "Vườn nho của Chúa là nhà Ít-ra-en"
9 Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập,
đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng,
12 nhánh vươn dài tới phía đại dương,
chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả.
13 Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ?
Khách qua đường mặc sức hái mà ăn!
14 Heo rừng vào phá phách,
dã thú gặm tan hoang.
15 Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại,
tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem,
xin Ngài thăm nom vườn nho cũ,
16 bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng,
và chồi non được Ngài ban sức mạnh.
19 Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu,
cúi xin Ngài ban cho được sống,
để chúng con xưng tụng danh Ngài.
20 Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin phục hồi chúng con,
xin toả ánh tôn nhan rạng ngời
để chúng con được ơn cứu độ.
Đối với những ai đã nghe bài ca vườn nho của Tiên tri I-sa-i-a, trong Bài đọc 1, bài Thánh vịnh này là một tiếng vang hoàn hảo. Cũng cùng một đề tài: Ít-ra-en được ví như một vườn nho, Thiên Chúa là chủ vuờn nho. Ngài đã làm cho vườn nho với tất cả những gì người chủ vườn nho có thể làm: Chăm sóc, bảo vệ, chăm nom… Nhưng than ôi, không cành nho nào sinh hoa trái. «1 Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. 2 Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho. Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại.» (Is5, 1-2)
Chúng ta biết kết cuộc bài ca. Người chủ vườn nho nổi giận: «5 Vậy bây giờ tôi cho các người biết tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi: hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo. 6 Tôi sẽ biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống.» (Is5, 5-6)
Nếu dựa vào bài Thánh vịnh 79, rõ ràng người chủ vườn nho đã thực hiện những lời dọa. Và cũng dễ dàng thấy ý nghĩa ẩn dụ vườn nho, được hiểu rõ khi hát lên bài Thánh vịnh này trong Đền Giê-ru-sa-lem, bởi vì những sự đau khổ Ít-ra-en cũng được biểu tượng bằng những hình ảnh này. Ví dụ họ nói với Chúa: «13 Tường rào nó, vậy sao Ngài phá đổ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! 14 Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang.» (c13,14) Nên hiểu, chúng con đang bị ngọai bang đánh chiếm; thú dữ là kẻ thù lúc ấy. Họ còn nói trong một câu khác: «Những người đã hoả thiêu chặt phá, Ngài nghiêm sắc mặt là chúng phải tiêu tan.» (c17) Và «Ngài đã khiến chúng con thành cớ cho lân bang cãi cọ tranh giành, cho thù địch nhạo cười chế giễu.» (c7)
Kẻ thù, chính xác là?- Không thể nói là ai. Không may, hầu hết các cuộc chiến tranh và những cuộc xâm lăng ngoại bang, bất cứ ở đâu trên địa cầu, đều mang theo một loạt sự tàn bạo và đau khổ. Câu khác cũng nói: «5 Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn, đến khi nao Chúa còn nóng giận, chẳng màng chi lời dân Chúa nguyện cầu? 6 Cơm Ngài cho ăn chỉ là châu luỵ, nước Ngài cho uống là suối lệ chứa chan.» (c5,6). Tất cả những chi tiết ấy cũng chưa đủ xác định trường hợp cụ thể cho những lời thỉnh cầu. Vì thế, không thể nói bài Thánh vịnh này được sáng tác lúc nào. Phải chăng lúc hùng binh At-sua xăm chiếm khắp vùng này, bắt đầu bằng Vương Quốc Miền Bắc? Nếu như thế, là trước lâu cuộc lưu đày sang Ba-by-lon, vào thế kỷ thứ 9 và thứ 7 trước CN. (Biết rằng thủ đô Miền Bắc Sa-ma-ri bị tàn phá năm 721). Hay là rất lâu, sau khi Giê-ru-sa-lem bị quân Ba-by-lon chiếm đóng, có nghĩa là vào thế kỷ thứ 6? Và còn có nhiều giả thuyết hơn thế nữa.
Dù sao đi nữa, trong trường hợp cụ thể nào bài thánh vịnh này được sáng tác, dân Ít-ra-en cũng có thể hát lại nhiều lần…và ngay cả ngày nay, trên mặt địa cầu, chúng ta biết nhiều dân tộc có thể có lý do sáng tác lại bài thánh vịnh này cho tình trạng của họ.
Nguyên bản bài Thánh vịnh được xem như một bài Thánh ca gồm bốn phiên khúc và bốn điệp khúc. Các phiên khúc nói lên lịch sử Ít-ra-en: Vườn nho được Thiên Chúa chọn, bứng từ Ai-cập; nói cách khác, dân được Chúa chọn, qui tụ lại, được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập và đưa vào miền Đất Hứa: «9 Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai-cập, đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng, 10 Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi.» (c9,10) Và bây giờ thì tiêu điều, ăn trong nước mắt. Điệp khúc là «Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.» (c20). Thành ngữ: «xin phục hồi chúng con» (c20) rất tiêu biểu cho các Thánh vịnh sám hối: Chữ phục hồi ở đây là ơn hoán cải, quay ngược trở về. Vì biết rằng, sở dĩ cây nho không cho nho tốt, không phải lỗi ở chủ vườn nho; các tiên tri đều nói thế, trong đó có tiên tri I-sa-i-a giữa các tiên tri khác. Trái tốt Thiên Chúa chờ đợi, mang cái tên là lẽ công bình và nhân nghĩa, trong câu tuyệt vời của tiên tri Mi-kha: «Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.» (Mk6, 8) Mặc cho bao lần được Chúa cảnh báo, những tín hữu được Chúa giải thoát vẫn cứ lần lượt chà đạp người nghèo, biến người anh em thành nô lệ. Họ không vun trồng lẽ công chính, họ ích kỷ vun trồng của cải.
Câu điệp khúc là lời xin lỗi. Điều tuyệt vời là hai công thức đong đưa trong hai câu: « Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại… Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con,» Khi chúng ta cầu xin «Chúa trở lại», đó là ngụ ý nói «Xin Chúa cứu độ con» (dĩ nhiên ngày nay chúng ta biết Chúa không xa chúng ta). Vào thời ấy, đó là lời kêu cầu cứu, vì chúng ta biết mình bất lực để hoán cải tự sức mình; phải có Chúa linh hứng và ban cho mãnh lực của Ngài. Công thức thứ hai «Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.» (c20) nói lên rõ rằng, sự hoán cải, vừa là công trình Thiên Chúa vừa là công trình con người, con người được Thánh Thần Thiên Chúa quay ngược trở lại.
Có thể chúng ta ít nhiều bị va chạm vì bài Thánh vịnh này cho một hình ảnh Thiên Chúa trừng phạt. Ở đây cũng như trong bài Tiên tri I-sa-i-a, chủ vườn nho cố tình phó mặc cho thú rừng. Phải biết rằng, sự mặc khải về Thiên Chúa là một quá trình tiệm tiến xuyên suốt lịch sử Thánh Kinh, và bài Thánh vịnh hôm nay thể hiện tình trạng suy luận thần học của thời ấy, trong văn cảnh của bài. Thời ấy, mọi người tưởng rằng tất cả đến từ Thiên Chúa: Sở dĩ quy cho Chúa mọi phúc hạnh, thì cũng phải nghĩ mọi đau khổ cũng đến từ Ngài. Phần đầu sách Gióp cũng chỉ tới ngần ấy: «Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA! » (G1, 21)…«Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?» (g2, 10) Sau này rất trễ trong lịch sử Thánh Kinh, quan niệm ấy mới được bác bỏ. Phải nhiều thế kỷ mới được mặc khải Thiên Chúa tôn trọng sự tự do con người như thế nào, và không phải Ngài là Người «giật dây» tất cả những gì xảy ra trong lịch sử!
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương