Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác đã đi, nó sẽ được sống.
Trích sách Tiên tri Ê-dê-ki-en.
25 Các ngươi lại nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng." Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?
26 Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết.
27 Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.
28 Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết
Hình như có bốn bài học trong đoạn Thánh Kinh này:
1/ Không ai phải đền trả thay cho người khác.
2/ Ai cũng có thể có một tương lai.
3/ Lời kêu gọi hoán cải.
4/ Ngay trong đau khổ, lúc nào cũng có thể sống đúng nghĩa cuộc sống của mình, tức là sống kết hợp với Chúa.
Bài học thứ nhất: Giai đoạn rất quan trong khám phá lẽ công chính Thiên Chúa: Không ai phải đền trả thay cho người khác bao giờ. Một trong những câu đầu bài này là: «25 Các ngươi lại nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.» Đó là dân Ít-ra-en đang phản đối với Chúa. Họ trải qua một giai đoạn khủng khiếp, đọa đày bên Ba-by-lon, và kêu lên: «Chúng ta có làm gì Thiên Chúa đâu mà phải chịu cảnh này?» (Ngay trong thế kỷ XXI, những lời như thế này thường tự nhiên đến trên môi miệng mỗi khi gặp đau khổ). Chúng ta còn nhớ câu truyện người mù bẩm sinh trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Khi thấy người mù này, các môn đệ Chúa Giê-su đặt Ngài câu hỏi rất cổ điển: «Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?» (Ga9, 2), nói cách khác, lỗi này là do ai?
Thời tiên tri Ê-dê-ki-en câu hỏi «lỗi ai» thường được đặt ra một cách bi đát. Vì tiên tri Ê-dê-ki-en thuộc dân thành Giê-ru-sa-lem, nên bị đày sang Ba-by-lon do quân đội của Na-bu-cô-đô-nô-so. Đây là một tai họa: Cuộc sống đầy rẫy những điều tàn bạo của chiến tranh, và bây giờ tại Ba-by-lon này, xa quê hương - Miền Đất tuyệt diệu được Chúa hứa, «tràn trề sữa và mật» (Xh33, 3) xa Giê-ru-sa-lem, nay đã thiêu rụi, xa Đền thờ nay đổ nát, dân chúng tiêu tan…mất tất cả. Trong lúc đó, thế hệ trong cơn biến động này không tệ gì hơn những thế hệ trước. Thế nhưng, họ có cảm tưởng phải đền trả cho tất cả gánh nặng của quá khứ, những lỗi lầm chồng chất từ những thế hệ trước, dường như cái bình chứa cơn giận của Chúa bỗng chốc bị đầy tràn.
Từ đó, bước qua đổ lỗi cho Thiên Chúa thật dễ dàng. Và họ bắt đầu truyền cho nhau câu ngạn ngữ: «Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng.» (Ed18, 2) Điều này rõ ràng nói lên là: Chúa không công minh, không hiểu vì sao thế hệ chúng ta lại phải chịu trả giá cho tất cả các thế hệ đi trước.
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en hiểu đây là một sự phạm thượng; bây giờ Thiên Chúa trong tư thế kẻ bị kết án, bắt buộc phải minh oan. Vài hàng trước bài đọc hôm nay, Chúa cho vị tiên tri nói: «3 Ta lấy mạng sống Ta mà thề - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng -, các ngươi sẽ không còn truyền cho nhau câu ngạn ngữ đó trong Ít-ra-en nữa.» (Ed18, 3) Và hôm nay, chúng ta nghe lời minh oan của Chúa: «26 Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết.
27 Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.
28 Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết» (c26-28) Nói cách khác, không ai bị lãnh án phạt vì kẻ khác.
Đây là một giai đoạn quan trọng trong mặc khải lẽ công chính Thiên Chúa, nhưng chỉ là một giai đoạn thôi. Sau này, đặc biệt trong sách Gióp, chúng ta sẽ khám phá, không có sự cân xứng tự động giữa những hành động tốt hay xấu, và những điều xảy ra tốt hay xấu cho chúng ta…Những hành động tốt không nhất thiết làm cho ta được thưởng và những việc xấu khiến ta bị trừng phạt. Rồi cũng sẽ được mặc khải, không ai phải đền trả bất cứ gì do người khác hay do chính mình…bởi vì Chúa không bao giờ trừng phạt. Sau này chúng ta sẽ được mặc khải Thiên Chúa, không phải là nguyên do trực tiếp vì những gì xảy đến cho chúng ta. Bây giờ với tiên tri Ê-dê-ki-en, Chúa không còn bị đổ lỗi, chúng ta không phải đền đáp cho những lỗi lầm của cha ông chúng ta nữa.
Bài học thứ hai: Ai cũng có thể có một tương lai; không có gì là vĩnh viễn, không thay đổi. Đây là một bài học chủ yếu!...Hơn nữa, cho chúng ta ngày nay. Thật vậy, một khi cho rằng, khi đền đáp cho những kẻ khác đi trước, chúng ta có khuynh hướng thả trôi theo thất vọng; thế nhưng, ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng như bao ngôn sứ khác, không có kẻ thù nào lớn hơn là sự nản lòng. Vì thế câu sau đây nên được coi trọng: «27 Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.
28 Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết» (c27,28). Và trong suốt chương 18, ngôn sứ Ê-dê-ki-en trở lại nhiều lần đề tài này: Lúc nào cũng còn có thể thay đổi cách sống hay, hay nói như biểu tượng thường dùng trong Thánh Kinh: Đổi đường. Hoán cải, theo nghĩa gốc tiếng Do Thái là quay đầu trở lại.
Và vì thế điều này dẫn thẳng đến bài học thứ ba: Đó là lời kêu gọi hoán cải. Đây là câu chót của chương sách Ê-dê-ki-en: «Quả thật, Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chết - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Vậy hãy trở lại và hãy sống. (có nghĩa là hãy hoán cải)» (Ed18, 32)
Có điều làm ta khá bối rối trong bài này là việc xét ngang hàng định mệnh người công chính và kẻ xấu: Kẻ xấu lúc nào cũng còn có thể hoán cải, nhưng tiếc thay, người công chính lúc nào cũng «sa ngã» và đánh mất tất cả ân huệ của những việc lành đã qua…Nhưng thật ra, đây chỉ là hình thức của thể văn. Thánh Kinh thường hay dùng thể văn so sánh song song như thế, không nên lấy làm bối rối: Điều này không nhắm đến một ai, vì không ai trong chúng ta có thể cho mình là người công chính!
Bài học thứ tư: Ngay trong đau khổ, sống đúng nghĩa cuộc sống của mình, tức là sống kết hợp với Chúa, lúc nào cũng có thể được. Tiên tri Ê-dê-ki-en nói nhiều đến sống với chết. Nhưng thật ra, ngài muốn nói đến điều khác hơn sự sống và cái chết thể lý. Hơn nữa, những người bị đày nói về kiếp đày đọa của họ như tình trạng chết đi rồi: «Các tội phản nghịch và tội lỗi chúng tôi đã phạm đè nặng trên chúng tôi; chính vì vậy mà chúng tôi phải chết. Chúng tôi còn sống làm sao được?» (Ed33, 10). Đối với họ, mất đi những gì làm cho họ sống, đặc biệt là sống đức tin, bị đày là tình trạng không-còn-sống, một loại chết tiềm tàng. Tiên tri Ê-dê-ki-en không hứa với họ ngay ngày trở về, nhưng ngài nói với họ: «Vậy hãy trở lại và hãy sống!»
Bốn bài học trong đoạn văn này, tất cả đều tích cực, tuyệt vời. Chúng ta nhận ra nơi các ngôn sứ ở điều ấy.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương