Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A (Pl 2, 1-5 hoặc 1-11) 01/10/2017

Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giê-su Ki-tô

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

 

1 Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau,

2 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.

3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.

4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.

5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.

6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.

8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ;

11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".

 

Rất hiếm khi được nghe trọn bài này trong Thánh Lễ. Mỗi năm vào Lễ Lá, chúng ta được nghe phần thứ hai, là phần chiêm ngắm Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô, nhưng ít quen thuộc hơn phần đầu. Vì thế, nên đọc hai phần cùng chung với nhau như hôm nay, vì cả hai liên kết chặt chẽ với nhau. Trong phần thứ nhất, Thánh Phao-lô nói cho chúng ta làm thế nào «sống trong Chúa Ki-tô», theo cách nói của ngài; phần thứ hai, chính thánh nhân chiêm ngắm Chúa Ki-tô.

Phần thứ nhất (phần chúng ta suy niệm hôm nay), hay làm thế nào «sống trong Chúa Ki-tô». Thánh Phao-lô dùng công thức này đề mở đầu và kết thúc. Đầu bài: «Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô» (c1), và đoạn cuối: «Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.» (c5). Giữa hai phần ngài kê ra những tâm tình ấy. Công thức của ngài «sống trong Đức Ki-tô» chắc chắn phải được hiểu trong nghĩa thật sâu đậm: Từ ngày chịu phép Rửa, chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, một cách nào đó chúng ta là Ngài. Mang danh tánh mới cùng chung với những người được nhận phép Rửa, giúp vượt qua tính đa dạng của chúng ta. Tất cả những người được rửa tội đều được có một tên họ, đó là Ki-tô hữu.  Và khi gặp các Ki-tô hữu,  cảm tưởng cùng chung gia đình ấy vượt lên trên hết những người khác. Cũng như những cuộc gặp gỡ quan trọng trong gia đình, chúng ta biết người này, người nọ vào những buổi ấy. Trước tiên là bà con họ hàng với chúng ta, mỗi lần có những cuộc gặp gỡ và cảm nhận tâm tình cùng chung trong một tập thể ấy, chúng ta có một ý tưởng nào đó về điều Thánh Phao-lô nói ở đây. Và chính tâm tình rất sâu đậm cùng chung với nhau ấy, gợi ý cho thánh nhân kể ra: «an ủi, bác ái, khích lệ, hiệp thông, cảm thương nhau» nhân dịp này. Xin lưu ý đây là những đức tính của Thiên Chúa trong Cựu Ước.

Chúng ta nhận ra nơi đây một tiếng vang như từng biết trong Thư thứ hai Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu thành Cô-rin-tô (và cũng là kinh phụng vụ đầu Thánh Lễ Mi-sa) «Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần.» (2Cr13, 13). Chúng ta đã được dìm vào mầu nhiệm tình yêu và hiệp nhất ấy, ngày chúng ta nhận phép Rửa tội: Chỉ cần sống điều ấy trong thường nhật. «niềm vui của tôi được trọn vẹn» (c2) như Thánh Phao-lô nói, «hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau…» (c2). Một cách nào đó, ngài muốn nói: «hãy làm rạng rỡ cho gia đình anh em, cho cái tên họ gia đình anh em»

Điều này còn đi xa hơn: «hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.» (c3). Câu này thật lạ lùng: Phải chăng mỗi người chúng ta phải dứt khoát tự hạ giá: - Chắc chắn là không, mục đích không phải so sánh ai hơn, ai kém mình, nếu như thế là trái ngược hẳn với Tin Mừng của một Vương quốc không hề biết tính toán!  Mục đích cũng không phải để nhìn lại chính mình, cho dù là để khiêm hạ. Trái lại, mục đích là để nhìn kẻ khác, đại để với một «tiên nghiệm» tích cực, một cái nhìn đương nhiên khâm phục người anh em. Và nhìn nơi người ấy không vì người ấy gì nhưng người ấy gì. Những khác biệt về thể lý, văn hóa, xã hội, dĩ nhiên rõ ràng trước mắt. Nhưng tất cả những thứ ấy thuộc về sở hữu của người ấy, những gì người ấy . Thế nhưng Thánh Phao-lô đưa vào đề tài với cụm chữ «trong Chúa Ki-tô». Không phải lãnh vực của «có gì» mà là của «là gì»: «Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.» (Gl3, 27). Điều Thánh Phao-lô muốn nói, mỗi lần chúng ta gặp một người anh em đã nhận phép Rửa, hãy chỉ nhìn người ấy như là một chi thể của Thân Thể Chúa Ki-tô, người ấy hoàn tất trong thân xác mình cuộc thương khó của Chúa Ki-tô (Cl1, 24)  (Có nghĩa là người ấy cũng tham gia một cách nào đó vào việc xây dựng Nước Trời). Trước mắt chúng ta, người ấy là đền thờ Chúa Thánh Thần, có một sứ mạng cá nhân riêng biệt, khác với sứ mạng của chúng ta, không thể không có trong kế hoạch Thiên Chúa. Nếu không có sự khâm phục, không có những khích lệ của chúng ta, người ấy không thể hoàn tất sứ vụ được. Bởi vì điều đáng kể là sứ vụ của mỗi người và của tất cả cộng đồng: Để chu toàn sứ vụ của người anh em, người ấy hơn tôi, có thể nói người ấy là người duy nhất có thể chu toàn. Để thực hiện, người ấy được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần Thiên Chúa, tức là một khả năng tình yêu vô tận; tất cả điều ấy xứng đáng để tôi khâm phục.

Trong bài đọc Chúa nhật vừa qua, Thánh Phao-lô nói với tín hữu thành Phi-líp-phê: «Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô» (Ph1, 27); hôm nay ngài đến dạy thế nào là sống xứng với sứ vụ Ki-tô hữu của chúng ta. Đây là những lời khuyên Thánh Phao-lô cho những Ki-tô hữu, những người đã lãnh nhận phép Rửa tội, nhưng dĩ nhiên là  cũng phải có cái nhìn tích cực ấy trên mọi người…trong những cuộc tranh cãi của thời đại chúng ta, thuộc về tội kỳ thị chủng tộc, phân biệt giữa «» và «» có thể giúp được chúng ta chăng?... Điều đáng lưu ý cuối là: Bài này Thánh Phao-lô nói rõ Nước Trời đang hiện hữu đây rồi, đồng thời, còn phải cộng tác trong suốt cuộc đời thường nhật của chúng ta. Kế hoạch Thiên Chúa kết hợp trong Chúa Ki-tô đã được hoàn tất trong Chúa Ki-tô và trong mỗi chúng ta được ghép vào Ngài bằng phép Rửa tội. Đồng thời, bao lâu để cho thực tế mật thiết chúng ta thuộc về Đấng Ki-tô ấy, thể hiện trong mọi tương quan với tha nhân dù đã được rửa tội hay không, ngày ấy, sự kết hợp trong Chúa Ki-tô được hoàn tất mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.

(Về phần thứ hai xin xem bài suy niệm Chúa nhật Lễ Lá, Ban Biên Tập xin chép lại nơi đây)

Phần thứ hai: đoạn này rất nổi tiếng. Người ta thường gọi là «Bài Ca Thánh Thư gửi Tín Hữu Phi-líp-phê», bởi vì nghe bài này, người ta có cảm tưởng như Thánh Phao-lô không tự mình sáng tác, nhưng ngài trích từ một bài thánh ca thường hát trong phụng vụ. Hình như một trong những cái bẫy của bài này, là khi đọc chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng nội dung bài có liên quan đến sự xứng đáng và phần thưởng. Như sơ đồ ấy là: Chúa Giê-su xử sự một cách tuyệt vời và vì thế Ngài nhận được một phần thưởng đáng khâm phục! Sở dĩ tôi dám nói «cám dỗ», tất cả cách trình bày chương trình của Thiên Chúa có quan hệ với tính toán, phần thưởng, xứng đáng - mà tôi gọi là quan hệ toán số - là trái ngược với «ân sủng» Thiên Chúa. Ấn sủng, theo định nghĩa là những gì ban cho nhưng không! Và, thật lạ lùng, khó lý luận theo quan hệ cho nhưng không. Chúng ta luôn bị cám dỗ suy luận theo quan hệ xứng đáng = phần thưởng. Nhưng nếu Thiên Chúa chờ đợi chúng ta xứng đáng, thì trong trường hợp này có thể đáng lo lắng… Điều tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa là Ngài không chờ xứng đáng mới tràn ơn cho chúng ta; ít nữa đó là điều gì Thánh Kinh nói cho chúng ta biết bằng mọi cách. Vì thế, tôi thiết tưởng để trung thành với bài này, nên đọc với một quan hệ cho nhưng không. Nếu không, chúng ta có nguy cơ hiểu trái nghĩa nếu quên rằng là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa, «tất cả là hồng ân» như Thánh Bernanos nói. Hồng ân Thiên Chúa là quà nhưng không, đối với Thánh Phao-lô, đó là điều hiển nhiên. Điều này tiềm ẩn trong mọi bài Thánh thư, quá hiển nhiên đến độ ngài thấy không cần nói rõ lại. Nếu thử tóm lược tư tưởng Thánh Phao-lô, tôi có thể nói: Hồng ân Thiên Chúa là quà nhưng không, tuy nhiên chúng ta tự loại mình ra khỏi món quà nhưng không ấy, nếu chúng ta chọn thái độ đòi hỏi, như một yêu sách. Nếu chúng ta cư xử như người phụ nữ vườn Địa Đàng: Bà lấy trái cấm, chiếm hữu nó như đứa trẻ «cuỗm lấy» trên gian hàng trái cây…Trái lại, Chúa Giê-su Ki-tô chỉ có tiếp nhận (điều Thánh Phao-lô gọi là «vâng lời»), và bởi vì Ngài chỉ tiếp nhận hồng ân từ Thiên Chúa và không đòi hỏi, Ngài được toại nguyện.

Có cách khác để thể hiện điều này: Chương trình Thiên Chúa («Kế hoạch yêu thương» của Ngài), đó là đưa chúng ta vào vòng mật thiết với Chúa, vào hạnh phúc của Ngài, vào tình yêu tuyệt hảo của Ngài. Chương trình ấy hoàn toàn nhưng không, điều này dĩ nhiên không có chi đáng kinh ngạc, bởi vì đây là là một chương trình yêu thương. Hồng ân ấy từ Thiên Chúa, việc đưa vào đời sống thiêng liêng của Ngài, chúng ta chỉ cần tiếp nhận. Tôi có khuynh hướng muốn nói, tiếp nhận với một niềm vui kinh ngạc, thán phục tuyệt vời. Không có vấn đề xứng đáng hay không, đây là món quà.  Với Thiên Chúa tất cả là quà tặng. Thế nhưng, chúng ta biết cũng có cách này cách nọ nhận một món quà: Hoặc nhận như một cách tử tế, có nghĩa là đơn sơ và với lòng biết ơn…. hoặc tìm cách chiếm hữu, như một sở hữu, gần như cướp lấy nó… Khi ấy món quà không còn ý nghĩa món quà nữa, mọi quan hệ bị hỏng mất. Và nếu món quà ấy tuyệt vời (tình bạn, tình yêu…) thì tất cả bị hỏng bởi vì tình bạn, tình yêu thì không thể cướp lấy được. Tình bạn, tình yêu được lãnh nhận, có thể nói, trong tư thế quỳ gối trong niềm vui ngạc nhiên thán phục và lòng biết ơn. Nơi đây, món quà Thánh Phao-lô nói là tình yêu vô tận của Chúa, đó là sự sống của Ngài.

«Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa» mà không nghĩ phải nhất quyết đòi hỏi địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (c6). Qua đoạn này, tôi xin lưu ý, đây là một lời xác quyết rất quan trọng về thiên chức của Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô bắt đầu rao giảng đạo Ki-tô và sáng lập cộng đồng Ki-tô hữu tại Phi-líp-phê vào năm 49 hay 50; ít người biết chính xác bài Thánh thư này được viết vào năm nào: Nhưng điều chắc chắn là trước khi có các Phúc Âm! Vì thế, vào thời ấy đây là cách xác quyết minh bạch về tính hằng hữu và thiên tính của Đức Giê-su. Bây giờ chúng ta trở về câu: «Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa». Chính vì Ngài có địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài mới biết là tình yêu nhưng không… Ngài biết là không nên đòi hỏi, Ngài suy luận rằng, đòi hỏi duy trì ngang hàng với Thiên Chúa là không phải lẽ…Thế nhưng, chính điều ấy Thiên Chúa muốn trao tặng cho chúng ta! Cho chúng ta như món quà. Rốt cuộc, chính xác Thiên Chúa đã ban điều ấy. Vấn đề giống như giai đoạn Cám Dỗ trong sa mạc: Quỷ đề nghị những điều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa! Nhưng Ngài từ chối chiếm hữu, Ngài trông chờ  Chúa Cha ban cho Ngài. Chúa nhận: «danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.» (c9): Đó chính là Tên Thiên Chúa! Gọi Chúa Giê-su là Chúa, có nghĩa Ngài là Thiên Chúa. Trong Cựu Ước chữ Chúa chỉ dành cho Thiên Chúa, cũng như cử chỉ bái gối, điều này ám chỉ đến tiên tri I-sa-i-a: «Ta lấy chính danh Ta mà thề, lời chân thật này thốt ra khỏi miệng Ta, Ta quyết chẳng bao giờ rút lại: Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối, và mở miệng thề» (Is 45, 23).

Chúa Giê-su đã sống cuộc đời trần thế của Ngài trong khiêm nhu và cậy trông, ngay cả trong những lúc tồi tệ nhất, tức là lòng hận thù của con người và sự chết. Tôi dùng chữ «cậy trông» còn Thánh Phao-lô dùng chữ «vâng phục». Tiếng Pháp là Obeir, trong đó có gốc La-tinh ob-audire, theo nghĩa đen là để tai trước lời nói: Đó là tư thế đàm thoại hoàn hảo, không tì bóng; tức là hoàn toàn tin tưởng. Sở dĩ để tai nghe trước lời nói, bởi vì ta biết lời nói ấy là tình yêu, có thể nghe không phải lo lắng sợ. Bài Thánh thư kết thúc bằng câu: «mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa"» (c11): Vinh quang là thể hiện là mặc khải tình yêu vô tận, tình yêu hiện thân. Nói cách khác, khi thấy Chúa Giê-su đem tình yêu lên tột đỉnh, chúng ta có thể nói như người sĩ quan La-mã: «Quả thật, người này là Con Thiên Chúa» (Mc 15, 39).

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com