Alleluia, alleluia!
- Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy yêu mến người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
------------------
Nó hối hận và đi làm. Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho."
29 Nó đáp: "Con không muốn đâu! " Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.
30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây! " nhưng rồi lại không đi.
31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? " Họ trả lời: "Người thứ nhất." Đức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.
32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy."
Thoạt nhìn chúng ta không thấy có gì liên quan giữa dụ ngôn hai người con và bài giảng Chúa Giê-su về những người thu thuế và gái điếm. Thế nhưng, rõ ràng bài giảng của Chúa liên quan trực tiếp với bài dụ ngôn. Chúa nối liền không chuyển tiếp từ câu truyện này sang truyện kia, vì thế đoạn sau là một diễn dẫn từ bài dụ ngôn ấy, ít nữa là như thế. Trước tiên, Chúa Giê-su bắt đầu bằng bài dụ ngôn. Cũng giống như tuần vừa qua, với những công nhân giờ thứ mười một của chúng ta, trong vườn nho. Hai người con được gọi vào làm việc, đứa thứ nhất từ chối, nhưng cuối cùng cũng đi; đứa thứ hai vội vã trả lời sẽ đi… nhưng lại không làm gì cả. Và Chúa Giê-su đặt một câu hỏi có vẻ quá đơn giản đối với những kinh sư và kỳ lão: «Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?» (c 31)
Sở dĩ Chúa Giê-su đặt câu hỏi ấy không phải để nghe họ trả lời cho vui! Nhưng để họ mở mắt ra. Vì liền sau đó, không chuyển tiếp Ngài nói: «Này, các ông là kinh sư, kỳ lão – là những người có ý tốt lành nhất trên đời- các ông cũng như đứa con thứ hai, nó nói vâng, thưa cha vâng, nhưng lại không vào vườn nho». Trong lúc đó, các ông có thấy không, có những người vẻ bên ngoài không đáng tin cho lắm, nhưng họ lại sẵn sàng nghe tiếng gọi của người cha.
Rõ ràng là thế, những người thu thuế và những gái điếm là những người tội lỗi công khai; nhưng không phải vì thế mà Chúa Giê-su trách họ. Họ cũng như đứa con thứ nhất, bắt đầu từ chối vào vườn nho làm việc; cho tới đây không có gì đáng khen! Thế nhưng, ông Gio-an Tẩy Giả đã đánh động họ, họ đã nghe lời giảng của Thánh nhân và hoán cải. Không phải vì họ tội lỗi mà được vào nước trời, nhưng bởi họ đã hoán cải. Trong lúc đó, là những chuyên gia về tôn giáo, các ông không có lòng sám hối, các ông không hoán cải. Đọc tới đây, dĩ nhiên chúng ta có thể tự hỏi các kinh sư và kỳ lão không hoán cải là thế nào, tại sao họ phải hoán cải, phải thay đổi cuộc sống, hay chính xác hơn, tại sao những người sống trung tín luật Mô-sê, tức là luật của Thiên Chúa lại cần phải hoán cải.
Câu trả lời phải tìm trong văn cảnh của bài Phúc Âm. Phần đầu của chương 21 Tin Mừng, Thánh Mát-thêu miêu tả cuộc tiến vào Thành Giê-ra-sa-lem của Chúa Giê-su vinh thắng giữa tiếng hoan hô, và đám đông nhận ra Ngài là Đấng Mê-si-a. Họ có những lời tung hô dành riêng cho con vua Đa-vít: «Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.» (Mt21, 9). Nhưng cách đón tiếp của những người bé nhỏ dành cho Ngài, không được như thế nơi các thượng tế và kỳ lão; trái lại. Ngay sau đó, lúc Ngài đang rao giảng trong Đền, họ đến hỏi Ngài: «Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?» (Mt21, 23) Ngụ ý nói: Ai gửi ông đến: Thiên Chúa, hay chính là ông thôi?
Như thường lệ, Chúa không trả lời thẳng: Chúa muốn những người đối diện tự tìm câu trả lời. Vì vậy Chúa lại đặt một câu hỏi khác liên quan đến ông Gio-an Tẩy Giả: «Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? » (Mt21, 25) Và họ không dám trả lời, vì sợ bị xét đoán, họ đã không nghe ông Gio-an Tẩy Giả. Vì thế Chúa Giê-su mới đề nghị cho họ bài dụ ngôn hai người con để giúp họ hồi tâm; như một lời kêu gọi cuối cùng đến với họ. Chúa Giê- su không có sở thích riêng gì kẻ này hay kẻ khác. Ngài muốn ơn cứu độ đến với mọi người và đôi khi Ngài có vẻ nặng lời với vài người trong cử tọa, chỉ vì thời gian không còn bấy nhiêu.
Nhưng thực ra ông Gio-an Tẩy Giả nói gì? Ông nói: «33Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hoả ngục?» (Mt23, 33); «8 Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối. Và đừng vội nghĩ bụng rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham» (Lc3, 8). Có lẽ đó là vấn đề của giáo quyền: Một loại tự mãn, không cho phép đặt lại vấn đề. Trong lúc ấy những người thu thuế và những gái điếm, rất biết mình bất xứng, nhỏ bé nghèo hèn trước Thiên Chúa, vì thế họ có thể hoán cải, có lẽ họ có tai và con tim có sẵn sàng mở ra. Mở tai và mở lòng là điều đặc thù người tín hữu, Chúa Giê-su nhấn mạnh đến lòng tin: «32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy» (Mt22, 32) . Điều khó khăn cho các tư tế và kỳ lão vì phải tin thêm vào lời ông Gioan Tẩy Già và Lời của Chúa Giê-su, tức là hai nhân vật không có tính hợp pháp nào dưới mắt họ.
Cuối cùng, vấn đề là ở đây, trong cụm chữ «dưới mắt họ» Điều này là đối với họ, lý do là họ biết những gì về Thiên Chúa, họ không có thể thấy gì khác hơn những xác tín riêng của họ. Chính vì điều ấy Chúa Giê-su trách họ ngay cả khi thấy ông Gio-an Tẩy Giả sống công chính…ngay sau khi thấy những người tội lỗi hoán cải… các ông cũng không muốn tin.
Sở dĩ Chúa Giê-su đề nghị một bài dụ ngôn cho những người đến nghe Ngài, là để họ mở mắt.. Thế nhưng, thời gian càng cấp bách, chúng ta đang ở ngày hôm trước cuộc Thương Khó. Bài dụ ngôn hai người con này còn đi xa hơn bài dụ ngôn những người làm vườn nho giờ thứ mười một. Trong bài ấy, Chúa Giê-su nói với họ: Các bạn tự cho mình như những người đến làm giờ đầu và các bạn trách tôi quá tốt bụng với những người đến trễ …Trong bài dụ ngôn hai người con, Ngài còn đặt lại vấn để thái độ tôn giáo của họ: Các bạn có chắc làm việc trong vườn nho của Ta không? Đó là điểu Cha Ta chờ đợi, đó là hoa trái của công chính.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương