Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 22, 15-21) 22/10/2017

Alleluia, alleluia!

– Chúa phán: Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta – Alleluia.

------------------

"Cái gì của Cê-sa-rê thì hãy trả cho ông Cê-sa-rê, và cái gì của Thiên Chúa, thì hãy trả cho Thiên Chúa."

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

 

15 Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy.

16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.

17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? "

18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!

19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!" Họ liền đưa cho Người một quan tiền.

20 Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây? "

21 Họ đáp: "Của Xê-da." Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa

 

Để trả lời câu hỏi: «có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?» Chúa Giê-su gọi những người đặt câu hỏi ấy là người giả hình! Tại sao giả hình, nếu không giả hình tại sao đặt câu hỏi ấy mà thật ra không phải là một câu hỏi…Giả hình vì hai lý do: Trước hết, giả hình vì câu hỏi ấy - giả dụ như trong quá khứ họ muốn hỏi thật - thì từ lâu họ đã được giải quyết rồi. Ở Giê-ru-sa-lem, nơi diễn ra vở kịch này, không có cách nào khác hơn, chỉ trừ khi quyết định sống ngoài vòng pháp luật, không ai trong đám người này muốn sống như thế, người Pha-ri-sêu cũng như những người theo vua Hê-rô-đê. Trả thuế cho hoàng đế: «…của Xê-da, trả về Xê-da», họ vẫn làm như thế và Chúa Giê-su không trách gì họ.

Nhưng điều thứ hai giả hình là vì họ không đặt câu hỏi mà giăng một cái bẫy. Thánh Mát-thêu nói rõ điều ấy, có thể nói ngài nhấn mạnh điểm này: «… những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy» (c15). Và lời lẽ kính cẩn dối trá trước khi đặt cây hỏi làm nổi bật lên điểm ấy: «Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.» (c15) Tất cả loại dịu dàng hòa nhã ấy chỉ là để mở đầu một câu hỏi-bẫy, theo lẽ thường tình, thì Chúa Giê-su không thể nào thoát được. Có hai cách trả lời, hoặc Ngài khuyến khích đồng bào từ chối góp thuế cho quân xâm lược Rô-ma, và Ngài sẽ dễ dàng bị tố cáo với chính quyền theo kháng chiến hay tệ hơn muốn làm cách mạng, và sẽ bị kết án, hoặc là Ngài khuyên trả thuế, và sẽ bị mất uy tín trước mắt dân chúng như kẻ cộng tác với ngoại bang, cũng như cách Ngài tiếp xúc với những người thu thuế, nhưng tệ hơn thế nữa, là sẽ mất hết cơ may được nhận ra là Đấng Mê-si-a. Vì Đấng Mê-si-a mọi người hằng mong ước là một vị vua độc lập, uy quyền ngự trên ngai Giê-ru-sa-lem, dĩ nhiên trong trường hợp này phải trải qua một cuộc nổi loạn chống lại quân Rô-ma. Và nếu Ngài cho mình là Đấng Mê-si-a, trước mắt dân chúng và giáo quyền, Ngài xứng đáng bị tử hình, vì là một kẻ gian dối, phạm thượng.

Cái bẫy đã sẵn sàng. Trước sau gì Ngài cũng thua, và đó là chính điều họ tìm kiếm. Cơ hội đầu tiên mà cũng là một thành công để giết Ngài. Cuộc Thương Khó bắt đầu hiện ra dưới chân trời, chúng ta đang trong những giai đoạn cuối cùng ở Giê-ru-sa-lem. Trong cách trả lời, chứng tỏ Ngải đã hiểu tất cả: «Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!» (c18) Cái bẫy đó không lừa được Chúa. Nhưng tuyệt nhiên, không nên nghĩ rằng Chúa muốn làm cho những người đối diện bối rối khó chịu: Chúa Giê-su không bao giờ đặt người khác vào tình thế bối rối khó chịu hay giăng một cái bẫy cho một ai; điều đó không xứng đáng là một Thiên Chúa soi sáng kẻ xấu và kẻ tốt.

Hơn nữa, những lời phỉnh nịnh của những kẻ chống đối Ngài nói ra để chế nhạo Ngài đều là sự thật: « Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.» (c16) Hẳn Thánh sử rất sung sướng viết những lời khen ngợi này vì biết rằng Chúa đáng được nói như thế. 

Chúa Giê-su không đáp lại một cái bẫy bằng một cái bẫy khác. Ngài xem câu hỏi đặt ra như một câu hỏi và thật sự trả lời. Ngài trả lời trên ba điểm: «của Xê-da, trả về Xê-da» (c21); chỉ trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da; «của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa»

1/ «…của Xê-da, trả về Xê-da» (c21) kể cả trả thuế. Đó là một cách đơn thuần nhìn nhận Xê-da là người nắm quyền lực, điều này là sự thật hoàn toàn. Không có gì là hèn hạ thỏa hiệp. Trái lại, chấp nhận một thực tế. Trong cách nhìn theo Cựu Ước, tất cả chính quyền đều đến từ Thiên Chúa; Chúa Giê-su trong cuộc Thương Khó cũng có nói với Phi-la-tô «Đức Giê-su đáp lại: "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài» (Ga19, 11). Đàng khác (Tiên tri nhắc lại cho chúng ta trong Bài đọc 1) khi nói về vua Ky-rô, Chúa có thể khiến cho các vua nhân loại làm những điều tốt lành cho chư dân. Thế nhưng những người Pha-ri-sêu biết rõ hơn chúng ta tài liệu Tiên tri I-sa-i-a nói về Ky-rô: Họ biết rằng mọi quyền lực, ngay từ người ngọai đều trong tay Thiên Chúa. Nhân đây, xin lưu ý Xê-da lúc ấy tên là «Ti-be», Xê-da chỉ là một tước hiệu.

2/ «Hãy chỉ trả lại cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da»: Khi Xê-da (tức là hoàng đế Rô-ma) đòi đóng thuế, ông có quyền đó. Nhưng khi ông buộc gọi ông là chúa, đòi phải tôn thờ ông, khi ấy ông đưa đến chỗ thờ phượng bụt thần: Thì điều này không thể thỏa hiệp được. Thời điểm Thánh sử Mát-thêu viết Tin Mừng này, giả thuyết ấy là một thực tế. Có rất nhiều người tử vì đạo vì từ chối tôn thờ hoàng đế Rô-ma.

3/ «…của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa» Vấn đề chủ yếu là ở đây: Các bạn có chắc là trả về Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa? Trong trường hợp này là nhìn nhận Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa, Ngài là Chúa.

Dù không muốn rút ra từ bài này một thuyết về quyền lực chính trị - mà Chúa rõ ràng không muốn thế, vì Ngài không muốn đặt mình vào lãnh vực ấy - chúng ta nhận ra từ đoạn Thánh Kinh này, một bài học đáng ngạc nhiên về sự tự do; các vua trên trái đất chỉ là những vua con. Vương triều của họ chóng qua, Nước Trời hoàn toàn khác: Chính từ trong lòng những vương quốc thế gian, mọi công trình yêu thương và huynh đệ làm lớn lên Vương Quốc Thiên Chúa.

***

 

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com