"Tôi hằng nhớ đến đức tin, đức cậy và đức mến của anh em."
Trích sách Thánh Phao-lô Tông đồ gửi cộng đoàn thành Thê-xa-lô-ni-ca:
1 Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúc anh em được ân sủng và bình an.
2 Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện,
3 và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.
4 Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em,
5 vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em
Đây là một văn bản Ki-tô đầu tiên! Chúng ta thường quá quen thuộc đọc các Tin Mừng đầu Tân Ước, đến nỗi có thể quên rằng những sách ấy được viết sau các thư của Thánh Phao-lô Tông đồ. Thư đầu tiên gửi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca được viết chỉ khỏng hai mươi năm sau khi Chúa Ki-tô phục sinh. Vì thế chúng ta có thể khẳng định sự rao giảng của Ki-tô giáo đầu tiên được ghi lại trong các thư này. Lần đầu, con người cố gắng thể hiện bằng văn bản mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta đang ở năm 50, thế mà Tin Mừng đã được rao giảng rất xa Giê-ru-sa-lem rồi. Thê-xa-lô-ni-ca là thuộc về Âu châu, miền Bắc xứ Hy-lạp, một vùng gọi là Ma-kê-đô-ni-a, nhưng trước khi đến đấy, Thánh Phao-lô đã gầy dựng nhiều giáo đoàn khắp miền Nam, miền Trung và bờ biển miền Tây xứ Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhờ sách Công vụ Tông đồ, chúng ta được biết những gì đã xảy ra. Lúc Thánh Phao-lô đang thi hành sứ vụ tại bờ miền Tây xứ Thổ Nhĩ Kỳ, một đêm ngài có một thị kiến, thấy một người Ma-kê-đô-ni-a van nài ngài đến xứ họ: «Xin ông sang Ma-kê-đô-ni-a giúp chúng tôi!» (Cv16, 9) Và Thánh Lu-ca ở đấy cùng lúc với Thánh Phao-lô, kể tiếp: «Sau khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Ma-kê-đô-ni-a, vì hiểu ra rằng Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ.» (Cv16, 10) Thì đây, là các nhà truyền giáo của chúng ta (các Thánh Phao-lô, Lu-ca và Si-la) trên bờ biển Hy-lạp. Thành Phi-líp-phê là giai đoạn đầu tiên (những ngày gần đây chúng ta đọc thư gửi Giáo đoàn Phi-líp-phê) và chúng ta cũng được biết suýt chút nữa có một kết cuộc bi đát: Đầu tiên họ được tiếp đón nồng hậu, nhưng nhanh chóng sau đó bị kết tội phá rối trị an, bị đánh đòn và nhốt vào tù; may thay, có một cuộc động đất được Chúa quan phòng xảy ra nơi ấy, rốt cục họ thả các ngài ra và ra lệnh phải rời khỏi thành.
Từ đó, các ngài mới đến thành Thê-xa-lô-ni-ca. Vừa đến nơi, Thánh Phao-lô liền rao giảng cho người Do Thái vào Lễ sáng ngày thứ Bảy trong nhà nguyện Do Thái, và liền ba thứ Bảy liên tục như thế. Theo sách Công vụ Tông đồ, thuyết giáo của thánh nhân lúc nào cũng như thế. «dựa vào Kinh Thánh, ông giải thích và xác định rằng Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết; ông nói: "Đấng Ki-tô ấy, chính là Đức Giê-su mà tôi rao giảng cho anh em.» (Cv17, 2b-3), tài liệu viết tiếp: «Trong nhóm đó, có mấy người đã chịu tin theo và nhập đoàn với ông Phao-lô và ông Xi-la; một số rất đông những người Hy-lạp tôn thờ Thiên Chúa và không ít phụ nữ quý phái cũng làm như vậy.» (Cv17, 4)
Vì thế, chúng ta đã được biết cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca gồm có những ai, những nhân vật được nói đến trong bài này. Thế nhưng, Thánh Phao-lô như thường lệ không chỉ nói lên phần phấn chấn. Thì ở đây, cũng theo sách Công vụ Tông đồ: «Nhưng người Do-thái sinh ghen tức, họ quy tụ một số du đãng đầu đường xó chợ, họp thành đám đông, gây náo động trong thành. Họ kéo đến nhà ông Gia-xon, tìm ông Phao-lô và ông Xi-la để đưa hai ông ra trước đại hội toàn dân» (Cv17, 5), vì thế phải nhanh chóng cẩn thận đưa Thánh Phao-lô và Si-la ra khỏi thành. Do vậy, Thánh Phao-lô phải từ biệt giáo đoàn này quá nhanh chóng, và lâu sau, ngài vẫn âu lo cho giáo đoàn này. Khi Thánh nhân viết thư chúng ta đang đọc, những hàng đầu hôm nay, là lúc hai ông Ti-mô-thê và Xi-la cố gắng trấn an ngài, hai ông đã ở lại Ma-khê-đô-ni-a, và nay mang tin tốt đẹp báo cho ngài. Chúng ta hiểu giọng vui mừng trong phần đầu thánh thư: Bầu khí nhẹ nhõm bớt gánh nặng sau một thời lo lắng.
«Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúc anh em được ân sủng và bình an. Tạ ơn Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em» (1Tx1, 1,2) Ngay từ câu đầu, tính cách trịnh trọng của lời chào làm cho ta ngạc nhiên: Mặc dù giáo đoàn này còn nhỏ bé mà Thánh nhân gọi rất long trọng «Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô». Sự tôn trọng vô hạn của Thánh Phao-lô đối với các giáo đoàn Ki-tô, ngay cả đối với những giáo đoàn tầm vóc khiêm nhường, là một đặc điểm của các thánh thư của ngài. Và chắc chắn đó là lý do gợi lên người nghe lời tạ ơn và niềm vui mừng, đây cũng là một nét đặc thù của tất cả đoạn đầu các thư ngài viết, ngay cả những lúc không có gì phải khen ngợi các người nhận thư. Cho dù có những thiếu sót, những bất toàn, ngài nhìn qua đó là tác động của Thiên Chúa: «Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em»(c4-5).
Những dòng này chứa đựng những xác tín thần học vĩ đại. Tôi nhìn thấy ít nữa ba xác tín. Bài này có tính cách Ba Ngôi Thiên Chúa; dĩ nhiên chữ Ba Ngôi không có trong ấy - chỉ sau này người ta mới tạo ra chữ ấy - nhưng ở đây, Đấng Giê-su được gọi là Chúa, tước hiệu này chỉ dành cho Thiên Chúa trong Cựu Ước và lời tạ ơn nói đến Tam Vị: «…trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin,… và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô…khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa»
Điều thứ hai là tác động của Chúa Thánh Thần linh ứng và làm cho người tín hữu có thể hành động. Nhân đây tôi xin lưu ý ba nhân đức đối thần: Đức tin đồng nghĩa với hành động, đức cậy là cương nghị và đức ái là dấn thân thực tiễn. Và sau cùng xác tín thứ ba - và cũng là bài học cho mọi người truyền giáo - chính Thánh Phao-lô rao giảng, nhưng ngài biết đó là tác động của Thần Khí; thì đây là lúc đặt mọi lời rao giảng vào đúng chỗ của nó. Chúng ta nhìn ra nơi đây cũng như trong suốt Thánh Kinh, mầu nhiệm sự chọn lựa của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói cùng anh em thành Thê-xa-lô-ni-ca: «Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em,» (c4) Cũng như xưa kia Chúa Giê-su nói với các môn đệ: «Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em,» (Ga15, 16), cũng như ông Mô-sê nói với các chi tộc khi ông dẫn họ đi tìm tự do: «ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.8 Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em» (Đnl7, 7-8), đó là cách nói tất cả là quà ban tặng nhưng không. Một khi người tín hữu (dù là Ít-ra-en, các môn đệ Chúa Giê-su, hay các tín hữu thành Thê-xa-lô-ni-ca) tỏ ra mở lòng cho Lời Chúa và để cho mình được thay đổi, thì đó là chúng ta nhờ bởi ơn Chúa Thánh Thần.
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương