Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM A (Is 45, 1.4-6) 22/10/2017

"Ta đã cầm tay hữu của Ky-rô để bắt các dân suy phục trước mặt nó."

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a:

1 ĐỨC CHÚA phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô
- Ta đã cầm lấy tay phải nó,
để bắt các dân tộc suy phục nó,
Ta tước khí giới của các vua,
mở toang các cửa thành trước mặt nó,
khiến các cổng không còn đóng kín nữa.

4 Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp,
và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en,
Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu,
dù ngươi không biết Ta.

5 Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác;
chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.
Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ,

6 để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng
chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta.
Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác.

 

Không phải lịch sử lúc nào cũng tái diễn! Thì đây là chuyện lạ lùng, đến nỗi một ngôn sứ Do Thái nói rằng ông vua xứ Ba-tư là đấng mê-si-a! Thật là thời buổi đã đổi thay …

Lúc vị Tiên tri viết bài này, dân DoThái đang bị đày bên Ba-by-lon đã từ gần năm mươi năm qua, từ năm 587, quân của Na-bu-cô-đô-nô-so đã đánh chiếm Giê-ru-sa-lem, cướp bóc, tàn phá Đền Thờ và đem những người sống sót còn khoẻ mạnh về làm tù chiến tranh. Và đây, trong khắp vùng này có tiếng loan truyền một lãnh tụ mới trên đời, chiến thắng khắp nơi, vừa xuất hiện, đó là Ky-rô vua xứ Ba-tư. Tin đồn này được đón nhận như một tin mừng đối với người Do Thái bị đày ở Ba-by-lon: Mọi người cảm nhận trước, như đây là một hoàng đế mới sẽ chiến thắng toàn vùng này, không có gì cản được.

Mọi người đều biết - vì đây là một việc bất thường nên gây ấn tượng cho đám đông - là khác với các lãnh tụ đương thời, vị này có cách cai trị rất nhân bản: Ngài tha chết cho kẻ bại trận, không tàn phá, không cướp bóc, không bắt buộc di dân. Trong các xứ ông chiến thắng, ông gặp những dân tộc bị đày do những kẻ chiến thắng trước (đó là trường hợp dân Do Thái, nạn nhân của vua Na-bu-cô-đô-nô-so). Mỗi lần như thế ông thả họ trở về, hoàn lại của cải bị cướp do những kẻ chiến thắng trước và còn cho điều kiện để xây dựng lại đất nước họ. Hẳn ông hiểu một hoàng đế nên là một người đứng đầu một dân tộc hạnh phúc.

Trong bầu khí ấy, vị ngôn sứ xướng lên một tiên tri, nghe như một lời tuyên xưng đức tin: Ngài bắt đầu bằng câu sau đây: «ĐỨC CHÚA phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô» (c1) Trên thực tế, ngài không nói trực tiếp với vua Ky-rô, vua không khi nào đọc sách một tiên tri Do thái, ít ai biết tới. Rất có thể, sứ điệp Tiên tri I-sa-i-a là để cho dân bị lưu đày nghe hầu mang lại hi vọng cho họ, niềm hi vọng dựa trên hai xác tín. Thứ nhất, Thiên Chúa trung tín với Giao Ước, Ngài không bỏ rơi dân Ngài chọn, đó là ý nghĩa câu: «Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en» (c4). Xin đừng quên, câu này được nói lên đúng lúc mọi người có lý do nghi ngờ như thế. Sở dĩ Ít-ra-en phải rơi thấp đến mức này, mất hết, không những độc lập chính trị, mà còn tệ hơn thế nữa, mất mọi tự do, đất đai, Đền thờ…nhiều người tự hỏi như thế. Chính cho những kẻ ấy, Tiên tri I-sa-i-a hết sức mạnh dạn tuyên bố: «Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en…» ngài không nói thêm, nhưng Thánh Phao-lô sau này nói: «Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình» (2Tm2, 13). Đấy là điều thứ nhất Tiên tri I-sa-i-a xác tín.

Điều thứ hai, Chúa luôn làm chủ mọi sự kiện: «Ta là ĐỨC CHÚA, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.» (Is45, 5) Nên hiểu, chính Ky-rô, người vua ngọai giáo vĩ đại kia cũng nằm trong tay Ta. Các từ ngữ «xức dầu; cầm lấy tay phải nó; mở toang các cửa thành» là những ngụ ý, nói lên các nghi lễ tấn phong vua, vị tân vương nhận được tước là con Thiên Chúa, và sau đó được xức dầu; trong khi ấy, vua thuộc về trong tay Thiên Chúa. Để tiến vào phòng có ngai vua, các cánh cửa được mở ra, tượng trưng cho các cửa thành, quân địch cũng sẽ phải nhường cho vua qua. Vị Tiên tri thêm nhiều điều ám chỉ đến nghi thức phong vương vua Ít-ra-en như chính Chúa đã chọn và phong vương cho Ky-rô để phục vụ Ngài. Nhưng chính Thiên Chúa luôn giữ quyền thủ xướng.

Mặc dù bề ngoài như thế, bài này không phải một bài ca ngợi vinh quang vua Ky-rô mà còn có thể nói, để đặt Ky-rô đúng chỗ đứng của ông !. Vì thờ lạy bụt thần là một cám dỗ thật sự trong môi trường Ba-by-lon lúc bấy giờ. Cũng trong chương 45 này, Tiên tri I-sa-i-a cảnh báo vể thờ lạy bụt thần và không ngừng lặp lại Chúa là Thiên Chúa Duy Nhất. Chính lúc Ky-rô hết bay nhảy từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, Tiên tri I-sa-i-a nhắc cho dân Do Thái rằng Chúa là Thiên Chúa thật sự. Chính Ky-rô ở trong tay Ngài: Chúa biết cách biến chiến thắng vị vua dân ngọai này có lợi cho dân Chúa chọn. Và vị vua ngoại ấy, chính ông cũng không ý thức, vô tình phục vụ cho dự án Thiên Chúa. Tiên tri I-sa-i-a nhấn mạnh: «Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en, Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta…Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ » (Is45, 4, 5b). Thậm chí, câu này rất quan trọng được viết như cho dân Chúa chọn, thật ra họ ở trong tình trạng có vẻ tuyệt vọng. Nhưng đấy mới chính là lòng tin của vị ngôn sứ.

Niềm hi vọng dựa trên hai xác tín, có thể tóm tắt như sau: Bởi vì Chúa vẫn là chủ nhân, Ngài không quên anh em, vậy hãy can đảm lên! Từ bị chiếm đóng, từ bị chà đạp dưới gót giày ngọai bang, Chúa có cách làm ra sự lành. Không có một thế lực loài người nào có thể chống lại Thiên Chúa. Sau này Thánh Phao-lô nói: «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người,» tức là những ai cậy trông nơi Người (Rm8, 28). Chúng ta biết sau đó chuyện xảy ra như thế nào: Tương lai xác chứng Tiên tri I-sa-i-a có lý. Thật vật, Ky-rô đánh chiếm Ba-by-lon năm 539 trước CN. Ngay từ năm 538 ông cho dân Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem, được hoàn lại của cải bị cướp bởi quân của Na-bu-cô-đô-nô-so và ban cho một số tiền trợ cấp xây lại Đền Giê-ru-sa-lem.

Điều lưu ý cuối: Ky-rô được gọi là «mê-si-a» bởi vì ông được Chúa chọn để giải phóng dân Ngài. Mặc dù ông không phải là vua, hay ngôn sứ Ít-ra-en, cũng không phải là thượng tế; nhưng điều quan trọng là công trình của ông. Từ đó có thể suy luận rằng, mỗi lần một ai hành động trong hướng giải thoát con người thật sự, người ấy hoàn tất công trình Thiên Chúa. Đây là một mặc khải quan trọng của Thánh Kinh. Dĩ nhiên phải đồng ý với nhau thế nào là «giải thoát».

Thật vậy, trong những người nghe Tiên tri I-sa-i-a, có người cho rằng lời ngài quá táo bạo. Điều này chúng ta có một phản biện tuyệt vời chính từ người ngôn sứ (vài hàng sau chương 45 của chúng ta), đây là lời của Chúa: «Ngươi dám chất vấn Ta về những gì xảy đến cho con cái Ta, ngươi dám truyền cho Ta phải làm gì cho tác phẩm của Ta!» (Is45, 15)

***

 

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com