Tung hô Tin Mừng
Chúa phán: "Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó".
"Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
20 Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp.
21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su."
22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su.
23 Đức Giê-su trả lời: "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!
24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.
26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy."
27 "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.
28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha." Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa! "
29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: "Đó là tiếng sấm! " Người khác lại bảo: "Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy! "
30 Đức Giê-su đáp: "Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.
31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!
32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi."
33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
Chúng ta đang ở trong những ngày gần lễ Vượt qua tại Giê-ru-sa-lem. Điều này đáng cho các cơ quan có thẩm quyền quan tâm thật : Mấy hôm nay Đấng Giê-su đã tiến vào thành giữa những tiếng tung hô chiến thắng. Dân chúng reo vang « Hoan hô- Hoan hô » như trong các đại lễ để reo mừng lời hứa đấng Mê-si-a. Đúng thế, đám đông xem Ngài là đấng Mê-si-a. Thánh Gio-an kể lại là các người Pha-ri-sêu nói với nhau :
« Các ông thấy chưa: các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết! » ( Ga 12,19)
Và dường như để chứng minh điều đó, mấy người Hy-lạp xuất hiện lúc ấy và nói với các môn đệ Ngài « "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su." ; không phải để nhìn thấy mà gặp và nói chuyện với Ngài.
Trong bản gốc, họ nói đi « lên » Giê-ru-sa-lem, vì thành phố có độ cao là 800m, họ đến trong chuyến hành hương vàthờ phượng Thiên Chúa nhân dịp lễ Vượt qua, thừa dịp đến gặp đấng Giê-su. Họ không ý thức rằng họ rất có lý khi quyết định đến gặp Đức Giê-su, là một cách tốt nhất để « thờ phượng Thiên Chúa ». Nhưng dĩ nhiên họ chưa biết thế : Chúa Giê-su nói khéo điều đó. Khi các môn đệ đến báo các người Hy-lạp muốn gặp, Ngài trả lời rằng :
« Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! », có nghĩa là được mặc khải là Thiên Chúa. Chữ « Tôn Vinh » trở đi trở lại nhiều lần trong bài. Điều này khó hiểu đối với chúng ta vì trong cách nói thông thường Tôn Vinh khó đi đôi với Thiên Chúa. Đối với chúng ta, vinh quang là sự quyến rũ, hào quang của một minh tinh, tiếng tăm. Trong Thánh Kinh, vinh quang của Chúa là sự hiện diện của Ngài. Sự Hiện Diện rạng rỡ như Bụi Gai cháy rực, trong ấy Chúa mặc khải cho Mô-sê. ( Xh3). Như thế « Tôn vinh » có nghĩa là mặc khải sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi Chúa Giê-su nói « Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha »,chúng ta có thể hiểu như : « Xin Cha mặc khải, Cha là ai, là Thiên Chúa Tình Yêu », như một Người Cha trìu mến đã lập một Giao Ước Tình Yêu với nhân loại.
Chung cục là thế ấy, là cứu độ, là hạnh phúc của con người. Chúa dạy chúng ta điều đầu tiên phải xin trong cầu nguyện là « Danh Cha cả sáng, nuớc Cha trị đến, ý Cha thể được hiện », hay nói cách khác hơn, « xin cho Cha được nhìn nhận là Thiên Chúa tình yêu và nước tình yêu của Cha được trị đến… » Chúa Giê-su thể hiện toàn vẹn những điều ấy. Vài hôm sau, để trả lời hỏi cung của Phi-la-tô, Chúa nói:
« Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi » (Ga 18,37)
Không hiểu vì sao chúng ta khó nghe sự thật, mặc dù nó tuyệt vời và giản dị như thế ? Vấn đề lớn nhất của chúng ta là chúng ta không thấu hiểu Thiên Chúa thật. Chúng ta có rất nhiều khái niệm về Ngài, nhưng là những khái niệm sai lầm! Còn Chúa Giê-su, Ngài hiểu biết về Chúa Cha. Và Ngài ao ước rằng chúng ta cũng hiểu biết về Chúa Cha như Ngài chứ không như chúng ta tưởng tượng. Ý thức rõ về Thiên Chúa, tức là biết như Thiên Chúa thật, tức là Thiên Chúa tình yêu, giàu lòng thương xót. Để mặc khải cho đến cùng sự thật đó, Chúa Giê-su chấp nhận trải qua cuộc Thương Khó và bị đóng đinh trên thập giá. Trong giai đoạn sống những giây phút cuối cùng ấy, bài Phúc Âm chúng ta đọc hôm nay nói rõ tâm trạng Chúa Giê-su: nỗi lo lắng, lòng cậy trông, và xác tín về chiến thắng cuối cùng.
Lo lắng, Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! !... Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này,. Chúng ta thấy ở đây nơi thánh Gio-an cùng tiếng vang từ vườn Ghết-sê-ma-ni : cũng lời thú nhận đau khổ của Đức Ki-tô, lòng muốn thoát sự chết như trong Lu-ca ( Lc 22-42) « "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha » Ở đây thánh Gio-an chép « Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến ». và cũng một niềm xác tín « nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác » Trong khoảnh khắc cuối cùng Ngài xao xuyến bắt đầu cuộc Thương Khó trong « tiếng kêu van khóc lóc » ( Dt 5, 7b), nhưng Chúa vẫn nói « Ý Cha thể hiện » một cách cậy trông vì Ngài biết rằng từ cõi chết đó sẽ xuất hiện sự sống cho mọi người.
Và sau cùng là sự chiến thắng, « Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi." » … « Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! » Hai câu có vẻ khác nhau nhưng đều ám chỉ sự chiến thắng : Sự chiến thắng ấy là sự thật, sự thật ấy là sự mặc khải của Thiên Chúa.
Thủ lãnh thế gian, chính ra là kẻ từ Sáng Thế đã nhồi vào đầu chúng ta toàn những ý nghĩ sai lầm về Thiên Chúa. Trái ngược lại, khi ngẫm nhìn Đức Giê-su trên thánh giá, Ngài tỏ cho chúng ta thế nào là Tình Yêu Ngài dành cho nhân loại, chúng ta chỉ có thể được thu hút về Ngài. Đây là bằng chứng của Tình Yêu của Thiên Chúa : Người Con chấp nhận chịu chết vì tay loài người, Người Cha nhậm lời van xin « Xin Cha tha thứ cho họ … ». Kể từ đây nhìn lên thánh giá, chúng ta không thấy đó là khí cụ của lòng thù hận và đau đớn mà một khí cụ tình yêu đã chiến thắng. Đến để làm chứng cho sự thật, Giờ đây đã đến, sứ vụ đã hoàn tất.
Khi Chúa Giê-su cầu nguyện Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha. Thì thánh Gio-an nói cho chúng ta có tiếng vang từ trời "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!". Chúng ta đang ở đoạn cuối của Tin Mừng theo thánh Gio-an, tất cả sự mặc khải về Thiên Chúa trong Cựu Ước đã giúp khám phá ra dung nhan thật của Thiên Chúa, nay tất cả đời sống của Chúa Giê-su thể hiện trên khuôn mặt và hành động của một con Người sự thật về tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa. Tất cả tính cách sư phạm của Thánh Kinh được tóm gọn trong câu «"Ta đã tôn vinh Danh Ta » tức là ta đã mặc khải về ta; « Ta sẽ còn tôn vinh nữa! »có nghĩa là từ đây « đã đến giờ » khi nhìn lên thánh giá sẽ thấy Tình yêu của Chúa Ba Ngôi đi đến tận đâu. Tất cả tính cách sư phạm của sự mặc khải ấy chỉ có một mục đích duy nhất : Nhân loại hãy đón nhận Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa. « Đức Giê-su đáp: Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người »
***