Đáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.
1 Ca khúc lên Đền. Của vua Đa-vít.
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
2 hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
3 Cậy vào CHÚA, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
Trong phụng vụ Thánh Lễ, thông thường bài Thánh vịnh hoàn toàn hòa hợp với Bài đọc 1, có thể nói là tiếng vang trung thực nhất trong Bài này. Hôm nay lại hoàn toàn khác hẳn: Lời tiên tri Ma-la-khi hung bạo, khắt khe…Ngài đả kích các tư tế cũng như dân chúng đã phản bội lý tưởng Giao Ước; để đáp lại, bài Thánh vịnh lời đầy ngọt ngào. Sự tương phản ắt phải cố tình như thế, và ta có thể khẳng định rằng, đây là một bài học quan trọng đáng chú ý trong phụng vụ ngày Chúa nhật thứ XXXI này.
Chúng ta có thể xem xét bài Thánh vịnh bằng câu cuối, như thường lệ câu này là chìa khóa mở ra để hiểu những điều trên: «Cậy vào CHÚA, Ít-ra-en ơi, từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.» (c3) Cậy vào theo Thánh Kinh là hy vọng, không có nghĩa là chờ đợi một cách thụ động, như ta nhẫn nại mong mỏi một chuyến tàu sẽ đến đúng giờ…Nhưng là sự chờ đợi của người tín hữu, chăm chỉ, nhẫn nại, lòng nôn nóng, mong ngày lời hứa Thiên Chúa thực hiện. Đối với Ít-ra-en «cậy vào» nhắm đến Đấng Mê-si-a một Ngày, gọi là Ngày của Thiên Chúa. Chính sự mong chờ, lòng cậy trông ấy, tô điểm cho hiện tại: xuyên suốt lịch sử Thánh Kinh, dân tộc Ít-ra-en sống hiên ngang đứng thẳng, hướng về tương lai. «Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông.» (Tv129, 6). Chính đức tin bất diệt vào lời hứa Thiên Chúa, hằng nuôi dưỡng lòng cậy trông, và giúp họ dũng cảm đương đầu với thực tại, bất kể trong tình huống nào. Ngày hôm nay, không phải tự ru ngủ chờ ngày mai nhưng là sống hết sức dồi dào. Ngày hôm nay của Thiên Chúa, từ đó dự án Thiên Chúa sẽ không ngơi nghỉ, nảy sinh ra tiệm tiến, từng giai đoạn này đến giai đoạn kế tiếp.
Nhưng không phải lúc nào cũng giữ được lòng cậy trông dễ dàng. Dân tộc Ít-ra-en đã có nhiều trải nghiệm về điều ấy. Vì thế, thi sĩ sáng tác Thánh vịnh có một ý tưởng không kém táo bạo. Hẳn lúc ấy ngài thấy trước mắt một em bé trong tay người mẹ đang bồng, áp má nhau, bình thản. Chúng ta đều chứng kiến cảnh tượng tuyệt vời, một em bé khóc và bỗng chốc người mẹ đến bồng lên, như một trò ảo thuật, bé nín khóc ngay! Chính xác, Thánh vịnh 130 đề nghị cho chúng ta hình ảnh ấy. Trong bài này, em bé là dân tộc Ít-ra-en và người mẹ chính là Thiên Chúa…Thật táo bạo Tiên tri Mi-kha! Và, sở dĩ em bé nín khóc, bởi vì nó biết rằng dự án Thiên Chúa, Nước Trời hạnh phúc đang tới. Nhưng phải biết chờ đợi.
Cũng cần phải rõ ràng: Không một lần nào, Thánh Kinh nói Thiên Chúa là nữ giới. Mỗi lần Thánh Kinh dùng một nhân vật nào để nói về Thiên Chúa, trong danh tính các nhân vật trong gia đình, luôn luôn là người Cha, không bao giờ là người mẹ. Vì thế, chúng ta cũng không nên gán cho tác giả của bài, điều không bao giờ có! Sứ điệp đúng ra là thái độ của Ít-ra-en luôn có dấu ấn của lòng cậy trông thanh thản, và hình ảnh được biết, biểu tượng trung thành nhất là em bé trong tay mẹ hiền. Ví dụ chúng ta biết câu sau đây ở Ít-ra-en: «Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.» (Is45, 15)
Điều khác biệt là đứa trẻ không phải cố gắng gì để tìm đựợc bình an trong tay mẹ nó. Đối với Ít-ra-en thì trái lại, phải cố gắng không ngơi, liên lỉ; theo tiếng Do Thái câu: «hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.» (c2) nói lên một sự quyết tâm nỗ lực để giảm đi những chuyển động lo lắng. Sở dĩ tác giả bài Thánh vịnh phải nghĩ ra sự so sánh có tính cách trấn an, là chính bởi điều này không hiển nhiên. Để đạt đến mức khiêm nhường từ bỏ ấy (chữ «từ bỏ» thật đúng nghĩa), phải từ chối mọi ước mơ vinh quang: «Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu.» (c1) Bài Thánh vịnh tương đối gần đây thôi (được sáng tác sau cuộc lưu đày Ba-by-lon) nói lên một giai đoạn thiêng liêng mới của Ít-ra-en: mọi giấc mơ vinh quang đều tan biến, lý do để ngạc nhiên thán phục là dân tộc được Thiên Chúa yêu thương.
Thế nhưng, những giấc mơ vĩ đại, những «kỳ công» Thiên Chúa thực hiện lẽ ra bình thường thuộc về đức tin Ít-ra-en: Chữ «kỳ công» ngụ ý nói đến những điều không sao bỏ qua, những hành động kỳ diệu trong Xuất Hành. Những «dự định vĩ đại», những giờ phút huy hoàng thường thuộc về lời hứa các Tiên tri. Ví dụ các lời hứa cho Giê-ru-sa-lem: «Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.» (Is60, 1.3-4). Làm sao khi nghe những lời này mà không mơ đến những ngày vinh quang đẹp hơn cả vương triều vua Sa-lô-môn, mẫu gương các vương triều ?
Một khi đã từ bỏ mọi ước mơ vĩ đại và thống trị chính trị, Ít-ra-en được mặc khải vai trò mới của mình, là chứng nhân Thiên Chúa giữa muôn dân: Không phải một Thiên Chúa toàn năng và vinh hiển mà một Thiên Chúa từ bi. Chúa đã nhẫn nại, tiệm tiến dẫn dân tộc Ngài đến giai đoạn thiêng liêng cuối cùng. Phải trải qua bao thế kỷ mới mặc khải dung nhan thật của Thiên Chúa. Trong quá khứ, khi tưởng tượng một Thiên Chúa lãnh đạo những hùng binh, thì không thể nào dự kiến khác hơn sự cứu độ của Ngài là những chiến thắng chính trị và thống trị thế giới. Ngày hôm nay, ở cuối con đường thiêng liêng ấy, họ cũng chờ đợi một sự cứu độ hoàn vũ; nhưng lần này trong lãnh vực của yêu thương và tình huynh đệ; ở đấy mới nhận ra kẻ bé nhỏ chính là người lớn nhất! Đến đây chúng ta mới hiểu rõ hơn sự đối kháng đã nêu ở trên, giữa bài đọc 1, sách Tiên tri Ma-la-khi và bài Thánh vịnh: Ngôn sứ tỏ ra nghiêm khắc và hơn thế nữa, hung bạo đối với những người rao giảng không xứng danh với sứ vụ của mình: Đây là những tình cảm phải có, từ bỏ những tư tưởng vĩ đại và thống trị, bởi vì chúng ta đều là con một Cha. Đến phiên Chúa Giê-su cũng có cùng một tư tưởng: «Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.» (Mt18, 3).
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương