Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 23, 1-12) 05/11/2017

Alleluia, alleluia!

- Xin Chúa Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta cho mắt tâm hồn chúng ta được sáng suốt,
để chúng ta biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi chúng ta. -
Alleluia.

-----------------

"Họ nói mà không làm".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

 

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:

2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.

3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.

4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.

5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.

6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,

7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".

8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.

9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.

10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.

11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.

12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

 

Có thể gọi bài này là: «những cạm bẫy của uy quyền» hay là «lời khuyên cho người có uy quyền». Uy quyền ở đây có thể là cha mẹ, đại diện giáo quyền (bất cứ tôn giáo nào) hay những nhà lãnh đạo chính trị…, những cạm bẫy và những sai trái đều giống nhau. Trong bài này, Chúa Giê-su quy vào một loại người, do vậy nhóm người này trở nên một biếm họa. Dĩ nhiên, không có một người Pha-ri-sêu nào hoàn toàn giống như loại chân-dung - rô-bô công an vẽ phạm nhân hay trường hợp Thánh Phao-lô tự miêu tả mình trước khi được ơn hóan cải, trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê (Pl3, 6b), khoe mình là người luôn giữ tỉ mỉ Lề Luật, là một bằng chứng cụ thể cho loại người được nêu lên ở đây. Nhưng điều quan trọng là bài học Chúa Giê-su muốn nhắn nhủ những người đến nghe, theo bài này là «dân chúng và các môn đệ» (c1). Vì sau khi miêu tả chân dung ấy, Chúa Giê-su nói «Phần anh em» (c8): Phần anh em, đừng rơi vào những cạm bẫy và những điều sai trái mà Thầy vừa miêu tả đó.

Cạm bẫy đầu tiên: «họ nói mà không làm» (c3); cạm bẫy thứ hai: Thực thi uy quyền bằng thống trị chứ không phải phục vụ; cạm bẫy thứ ba: Muốn khoa trương; cạm bẫy thứ tư: Tự cho mình quan trọng, thích những chỗ vinh dự ! Chúng ta nhận thấy ngay, đó là những sai trái chung của rất nhiều người được trao cho một nhiệm vụ, lớn hay nhỏ gì cũng như thế!

Cạm bẫy đầu tiên: «họ nói mà không làm» (c3): «Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.» Điều sai trái này rất đời và thường xảy ra đến nỗi nhiều nhà suy niệm Thánh Kinh Do Thái nhấn mạnh phải thực hành những điều mình học: «học cho biết kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của vua, biết giữ mọi lời trong Luật này và mọi thánh chỉ ấy, và đem ra thực hành» (Đnl17, 19); «Những kẻ học mà không đem ra thực hành, lẽ ra kẻ ấy không nên được sinh ra» (Ngạn ngữ Do Thái); «Vì thế mới có sách Tô-ra: để học, để dạy và để thực hiện» (Ngạn ngữ Do Thái)…Sau này Chúa Giê-su cũng nói: «Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.» (Mt5, 19); «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi» ( Mt7, 21)

Cạm bẫy thứ hai: Thực thi uy quyền bằng cách thống trị chứ không như phục vụ: «Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào» (c4). Của cải, sự hiểu biết, uy quyền có thể là những cớ để thống trị trên người khác hay để ăn trên ngồi trước, trong khi những điều ấy được xem như phương tiện trong cuộc sống để phục vụ tha nhân. Với điều kiện đừng bao giờ quên, tất cả những gì chúng ta sở hữu, là để chúng ta gìn giữ, với trách nhiệm làm sinh lợi cho mọi người. Có điều còn tồi tệ hơn thế nữa, tự cho quyền lực của mình được gọi là «trời ban»: các tôn giáo không phải lúc nào cũng tránh khỏi được, quyền lực chính trị cũng thế, và đó là cội nguồn của bao nhiêu tranh chấp đẫm máu!

Cạm bẫy thứ ba, khoa trương: «Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.» (c5). Ai mà chưa bao giờ rơi vào điều sai trái muốn khoa trương ấy, muốn mình được chú ý, trọng vọng? Thế nhưng, theo lẽ người giáo sư sử ký phải làm sao gợi cho học sinh của mình chú tâm vào khoa sử, không vào chính mình; khi rao giảng, điều này còn quan trọng hơn nữa: Không  kể bất cứ tên người rao giảng là ai (hay nhà thần học hay người suy niệm Thánh Kinh), miễn là qua lời kẻ ấy cử tọa nghe được Lời của Chúa.

Cạm bẫy thứ tư: Tự cho mình quan trọng, thích vinh dự: «Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".» (c6.7) Mặc dù những tước hiệu, những huân chương có ý nghĩa của nó: Đúng ra, không phải những người có tước hiệu hay được ban tặng huân chương, là mục tiêu nhắm đến. Thực ra, đó là cách để nói lên giá trị chiều sâu của những điều ấy biểu tượng. Phải rất khiêm nhường để mang lấy những vinh dự do cấp bậc của mình, nếu không muốn tỏ ra lố bịch.

Sau khi kê ra các điều ấy, Bài này quay lại bằng lời Chúa Giê-su: «Phần anh em», đó là chìa khóa để hiểu bài này. Chúng ta được mời gọi với một lối sống và mối quan hệ mới. Trước đó Thánh Mát-thêu viết: «Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.» (Mt20, 25-28)  

«Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.» (c9.10) «Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh»? (1Co4, 7) Mọi thầy trên đời trước tiên là một học trò. Mọi người giảng dạy là một người phục vụ và còn là hai lần phục vụ: Phục vụ sự thật, và phục vụ học trò của mình, trong tiến trình học vấn cũng như cho sự trưởng thành của chúng. Một lần nữa, qua lời Chúa Giê-su, đây là một lời kêu gọi: Những ai mang một tước vị nào, đừng xem vinh dự ấy cho mình và hãy cư xử như một người phục vụ; những ai không có tước vị nào, đừng rơi vào tình trạng người bị lệ thuộc hay có thói xu nịnh!     

«Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.» (c9) Dĩ nhiên, ta có thể tiếp tục dùng danh tánh là cha, là thầy, nhưng hãy chỉ dừng ở nghĩa thật sự của những danh từ này, không có gì hơn! «Abbé » (LND: Tiếng Pháp là cha chánh xứ) được gọi trại ra từ danh từ «Abba », các danh từ khác như «Pope; Pape» (LND: Giáo Hoàng) rốt cục cũng như thế. Những nhân vật gọi bằng tên ấy sống giữa chúng ta, là cách nhắc nhở sống động cho chúng ta, là chỉ có một Cha duy nhất là Cha trên trời.

Chúa Giê-su kết luận rằng: «Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.» (c12) Chúng ta không ở trong mục thưởng hay phạt. Cũng không phải tìm thấy trong việc tự hạ nhục mình. Thật sâu xa hơn có những định luật của cuộc sống: Mãnh lực của đức khiêm nhu. Trong từ ngữ khiêm nhu của tiếng Pháp «Humilité» có chữ «Humus» là «đất». Bí quyết là phải sáng suốt, biết nhận ra mình bé nhỏ, sát rà mặt đất, và khi ấy ta sẽ ngạc nhiên được nuôi dưỡng bằng những kho báu phong phú của người anh em và ân sủng từ Thiên Chúa.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com