"Nhờ Đức Giê-su, Thiên Chúa sẽ đem những người đã chết dến làm một với Người."
Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
13 Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng.
14 Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su.
15 Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu.
16 Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên;
17 rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.
18 Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau.
Người ta thường tự hỏi, Ki-tô hữu họ có gì hơn kẻ khác. Thánh Phao-lô vừa cho một lời đáp: Họ được ban một món quà, đó là niềm hy vọng! Đối với thánh nhân đó là sự khác biệt: «chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng.» (c13) Niềm hy vọng không dựa vào lý luận, cũng không dựa vào lời rao giảng của ai đó…Nhưng dựa vào một sự kiện, là một nền tảng vững chắc của đức tin: Đó là sự Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô.
Trong Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô còn nói như sau: «Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng» (1Cr15, 14): Trong hai điều chỉ có một: Hoặc Chúa Ki-tô đã sống lại, hoặc Chúa Ki-tôi không sống lại. Nếu Ngài đã không phục sinh, trường hợp này tựa như đức tin của chúng ta bị đổ vỡ tan tành «Mà nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền… Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người» (1Cr15, 17-19) Nếu quả thật thế, chúng ta đã bị phỉnh gạt, và tương lai bế tắc.
Nhưng, dĩ nhiên, Thánh Phao-lô tiếp, cũng trong thư gửi cộng đoàn Cô-rin-tô: «Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.» (1Cr15, 20) Từ ngữ «mở đường» có thể hiểu như những đứa con đầu lòng của nhân loại hằng sống. Thánh Phao-lô có ngụ ý nói lên tập quán hiến tế trong Cựu Ước. Vật lễ dâng hiến Thiên Chúa là những thành quả đầu mùa (hoa trái mùa gặt, những con vật mới sinh của đàn gia súc), thường là tất cả mùa gặt hái hay tất cả đàn thú vật. Cũng như thế, Chúa Giê-su Phục sinh là «mở đường» cho cả nhân loại. Lúc bấy giờ, chúng ta có thể chiêm ngắm kế hoạch Thiên Chúa: Chúa hằng sống tạo ra một dân tộc hằng sống; và cũng vì thế, chúng ta là một dân tộc có niềm hy vọng.
Chúng ta hãy nhớ lại cuộc tranh luận với những người Xa-đốc (Mt22, 23): Thời Chúa Giê-su, lòng tin vào sự phục sinh là một bước tiến còn mới mẻ của thần học Do Thái. Những người Pha-ri-sêu thì tin, nhưng người Xa-đốc thì không tin. Những người này biện minh vì sao họ không tin, dựa vào tính phức tạp của một giả thiết phục sinh, một người phụ nữ cưới lần lượt bảy người chồng: «Vậy, trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ ai trong số bảy người, vì tất cả đều đã lấy bà?» (Mt22, 28) Chúa trả lời, trước tiên không nên nghĩ rằng đời sau phục sinh là một phụ bản chép lại đời này trên trái đất, chỉ khác là trong tương lai ấy không còn phải chết nữa, không phải thế; nhưng Ngài xác quyết rằng: «Còn về vấn đề kẻ chết sống lại, thì các ông không đọc lời Thiên Chúa đã phán cùng các ông sao? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống» (Mt22, 31,32)
Lời ấy làm cho Chúa Giê-su có thể chạm trán với sự chết. Mỗi khi Chúa loan báo cuộc Thương Khó cho các môn đệ, luôn luôn Chúa nói đến sự phục sinh của Ngài. (ví dụ như trong Mt16, 16). Lời ấy theo lẽ giúp đến phiên chúng ta có thể can đảm đương đầu với cuộc sống, không quá lo lắng khi nghĩ đến đường cùng không thể tránh được ấy, và chạm trán khi ngày chết đến. Như Thánh Phao-lô cũng nói: «Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người…. có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở» (Rm8, 17- 19.22). Sự sinh nở ấy là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, khi nghĩ đến sự chết; lúc ấy chúng ta chỉ còn phó thác vào Thánh ý Chúa, lúc nào thiên ý cũng tốt lành cho chúng ta: «Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô,» (Ep1, 9-10)
Kế hoạch Thiên Chúa, chính là một dân tộc hằng sống, quy tụ làm một với Chúa Giê-su Ki-tô, như một người duy nhất. Rốt cuộc điều khó nhất cho chúng ta là tưởng tượng đến kế hoạch kết hiệp ấy: «quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.» (Ep1, 10). Hẳn Thánh Phao-lô nghĩ đến điều này khi ngài nói: «Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.» (Rm8, 35-39)
Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi Ngài, ngay cả sự chết thể lý. Vì thế Thánh Phao-lô dùng hình ảnh giấc ngủ; người đang ngủ là người còn sống! Và họ còn lấy lại sức nhờ giấc ngủ…Vì thế những kẻ rời chúng ta ra đi, không tách rời khỏi Thiên Chúa…Như Thánh Phao-lô nói cho chúng ta qua bài hôm nay: «Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.» (c17). Đây là điều giúp chúng ta cùng nâng đỡ cho nhau. Chính Thánh Phao-lô, đôi lúc ngài cũng cần như thế, vì lẽ đó, ngài nói trong Thư thứ hai gửi giáo đoàn Cô-rin-tô: «Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.» (2Cr4, 16-17); và trong Thư gửi dân thành Phi-líp-phê: «Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người» (Pl3, 20-21)
Đề kết luận, chúng ta thử tưởng tượng, ngày mà Chúa Giê-su gọi: «Ngày quang lâm của Con Người» (Mt24, 29): Người phóng viên trực lúc ấy viết: «Tất cả mọi người trổi dậy như một người»
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương