"Những ai tìm kiếm sự khôn ngoan sẽ gặp được nó"
Bài trích sách Khôn ngoan.
12 Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ.
Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng.
Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan cho gặp.
13 Ai khao khát Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết.
14 Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan,
thì không phải nhọc nhằn vất vả.
Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà.
15 Để tâm suy niệm về Đức Khôn Ngoan
là đạt được sự minh mẫn toàn hảo.
Ai vì Đức Khôn Ngoan mà thức khuya dậy sớm,
sẽ mau trút được mọi lo âu.
16 Vì những ai xứng đáng với Đức Khôn Ngoan,
thì Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm.
Trên các nẻo đường họ đi,
Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện.
Mỗi khi họ suy tưởng điều gì,
Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.
Với Aragon (LND: Thi sĩ trữ tình Pháp đầu thế kỷ XX) các tình nhân hát: «Ta sẽ ra sao đây nếu người không còn đến gặp ta?»; các tín hữu còn hát mạnh hơn thế nữa. Đức tin hẳn là một câu truyện gặp gỡ. Trong bài sách Khôn Ngoan này, cũng như trong toàn Thánh Kinh, đây là đức tin Ít-ra-en, Giao Ước Thiên Chúa với dân tộc Ngài chọn. Tác giả sách Khôn Ngoan là một tín hữu! Tôi nói “tác giả” vì không thể chính xác hơn! Không ai biết tác giả là ai, chỉ có một điều chắc chắn: dù sách này có tựa đề: «Sách khôn ngoan của vua Sa-lô-môn» nhưng không phải vua Sa-lô-môn, con vua Đa-vít, trị vì vào năm 950 trước CN. Sách được viết bằng tiếng Hy-lạp (không bằng tiếng Do Thái), do một người Do Thái ẩn danh, tại thành A-lê-xan-ri-a xứ Ai-cập, chỉ khoảng chừng 50 năm thôi – còn có thể gần hơn nữa - trước Chúa Giê-su sinh ra. Đoạn chúng ta được nghe trong phụng vụ hôm nay, nằm trong cả một tổng thể các lời khuyên các vua. Dĩ nhiên việc gán tên tác giả cho một vua điển hình là vua khôn ngoan nhất, để có đủ cương vị ban bố những lời khuyên trong sách.
Chương 6 bắt đầu bằng những câu sau đây: «Vậy, hãy lắng nghe, hãy cố hiểu, hỡi các bậc quân vương; hãy học cho biết, hỡi những vị đang nắm quyền trên khắp cõi trần gian…Vậy, hỡi các bậc vua chúa quan quyền, những lời tôi nói đây, xin gửi tới chư vị để chư vị học biết lẽ khôn ngoan, mà khỏi phải sẩy chân trật bước.» (Kn6,1.9) Bài giảng gồm ba điểm.
Điểm thứ nhất, sách Khôn ngoan là điều quý giá nhất trên đời, và nơi đây sách có đề tựa quá nghiêm túc lại toát ra những đoạn văn bay bổng, không ai ngờ: «Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ.» (c12) hay câu sau đây: «Vì chuyển động của Đức Khôn Ngoan thì mau lẹ hơn tất cả các chuyển động. Do tính thuần khiết, Đức Khôn Ngoan thâm nhập và xuyên thấu mọi vật mọi loài. Đức Khôn Ngoan toả ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngôn từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố.» (Kn7, 25-26) Sự khôn ngoan quý vô cùng, đến nỗi được ví như một phụ nữ hết sức quyến rũ: «Đức Khôn Ngoan rực rỡ hơn mặt trời, trổi vượt muôn tinh tú. So với Đức Khôn Ngoan, ánh sáng còn kém xa. Bởi trước màn đêm, ánh sáng đành phải lui bước. Còn Đức Khôn Ngoan, chẳng gian tà nào thắng nổi.» (Kn7, 29-30). «Từ thời trai trẻ, tôi đã yêu quý và kiếm tìm Đức Khôn Ngoan, tôi tìm cách cưới Đức Khôn Ngoan làm bạn đời; và vẻ đẹp của Đức Khôn Ngoan làm tôi say đắm.» (Kn8, 2) Điểm thứ hai, sự Khôn Ngoan nằm trong tầm tay, đúng hơn Ngài tự đặt trong tầm tay chúng ta «Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp.» (c2) Nhân đây, xin lưu ý thể văn có tính đong đưa bên này rồi bên kia, thường dùng trong Thánh Kinh, đặc biệt nơi các Tiên Tri hay các Thánh vịnh. Nhưng, nhất là giữa hai câu song song có một câu nền tảng để xác nhận: Đó là để nói lên không có điều kiện nào được đặt ra để gặp gỡ Thiên Chúa; không có điều kiện để được đức khôn ngoan, không có công trạng nào cần phải có hay một giá trị cá nhân nào mới xứng đáng…Chúa Giê-su sau này cũng nói như thế nhưng Ngài phát biểu cách khác: «Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho» (Mt7, 7-9) Chỉ cần chúng ta ao ước; dĩ nhiên với một điều kiện: Phải tìm kiếm, ao ước hết lòng «Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa» (câu 2 trong bài thánh vịnh hôm nay) «Ai từ sáng sớm đã tìm Đức Khôn Ngoan, thì không phải nhọc nhằn vất vả. Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà.» (c14); lời xác quyết ấy luôn nhấn mạnh Đức Khôn Ngoan lúc nào cũng ở cạnh bên ta, chỉ cần ta tìm kiếm…đó cũng là cách nói chúng ta có tự do; Chúa không bao giờ ép buộc chúng ta.
Điểm thứ ba, chẳng những Đức Khôn Ngoan đáp ứng mọi chờ đợi chúng ta, nhưng còn tìm kiếm đến chúng ta nữa, Đức Khôn Ngoan đi trước một bước ! Và đây, còn táo bạo hơn…thế mà được viết rõ ràng trong bài: «Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết…Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.» (c13.16). Vì, đến đây mọi người đã đoán ra Đức Khôn Ngoan chính là Thiên Chúa, Ngài linh ứng mọi hành động chúng ta.
Về sau, Thánh Phao-lô nói Chúa Giê-su là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa: «Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa…» (1Cr1, 24-30) «Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết…Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.» (c13.16). Tự sức mình, chúng ta không thể với tới Thiên Chúa. Sự xứng đáng nói ở đây, chỉ là lòng ao ước Thiên Chúa: Một công đức duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta, đó là lòng ao ước tìm kiếm Thiên Chúa.
Đây mới có sự gặp gỡ, giao ước: Biết rằng muốn có sự gặp gỡ thân tình giữa hai đối tượng, cả hai phải mong muốn. Đoạn này, Thánh Kinh muốn nói lên là Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta. Chỉ cần và đủ, con người tìm kiếm Thiên Chúa: «Đức Khôn Ngoan rảo quanh tìm kiếm. Trên các nẻo đường họ đi, Đức Khôn Ngoan niềm nở xuất hiện. Mỗi khi họ suy tưởng điều gì, Đức Khôn Ngoan đều đến với họ.» (c16).
Chúng ta có thể tự đặt câu hỏi, dựa vào tiêu chuẩn nào có thể nói một ông vua (hay bất cứ ai) khôn ngoan hay không? Đây Tiên tri Giê-rê-mi-a nói về điều này: « ĐỨC CHÚA phán thế này: "Kẻ khôn ngoan, đừng tự hào mình khôn ngoan; kẻ hùng mạnh, đừng tự hào mình hùng mạnh; kẻ giàu có, đừng tự hào mình giàu có. Ai tự hào thì hãy tự hào về điều này, là hiểu biết Ta. Vì Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thực thi nhân nghĩa, công bình và chính trực trên mặt đất. Phải, Ta ưa thích những điều này. - Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA."» (Gr9, 22-23) Đây là tiêu chuẩn về đức khôn ngoan, Khôn Ngoan thật thể hiện bằng lòng nhân ái, công minh, chính trực.
Tác giả bài cũng nói tương tự: «Chính Đấng Tối Cao đã ban quyền thống trị. Cũng chính Người sẽ kiểm tra các việc chư vị làm và dò xét những điều chư vị toan tính...nếu như chư vị không xét xử công minh, không tuân giữ lề luật, không theo ý Thiên Chúa,» (Kn6, 3-4). Quả thật, trong Thánh Kinh lúc nào cũng thế: Điều duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta, là hành động theo thánh ý Chúa. Chúa Giê-su phán: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha» (Mt7, 21) và Tiên tri Mi-kha cũng nói rõ: «Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: Đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn» (Mk6, 8) (có nhiều nơi dịch «chăm chỉ theo dõi bước đi với Chúa»). Tất cả các bài đọc Chúa nhật thứ XXXII đều nói lên sự cảnh giác ấy.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương