Alleluia, alleluia!
- Lạy Chúa xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con - Alleluia.
----------------
Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
33 "Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.
34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.
35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.
36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.
37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!
Trong đoạn Tin Mừng ngay trước Bài đọc hôm nay, Chúa Giê-su nói với các môn đệ về điều Ngài gọi là «Con Người đã đến gần» (c29), Ngài lại nói thêm «Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.» (23, 32) Ngài luận ra điều Ngài nói cho các môn đệ, như chúng ta vừa nghe: Sở dĩ như vậy, Ngài là Người Con còn không biết huống chi chúng ta, vì thế Chúa nói thêm: «Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến» (c33). Chúng ta có cảm tưởng như điều này muốn nói, anh em sẽ đột ngột bị bắt gặp. Đoạn sau cũng có ý đó «Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng» (c35) «gà gáy sáng» có lẽ ngụ ý nhắc đến Thánh Phê-rô chối Chúa (chúng ta biết Thánh Mác-cô rất thân thiết với Thánh Phê-rô); câu này là một lời cảnh báo: Nếu anh em không canh thức, anh em có thể chối Ta, nếu không coi chừng.
Trong Bài đọc 2 trích từ thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô nói lên sự chờ đợi ngày Chúa đến. Trong Bài này, Thánh Mác-cô nói chờ đợi chứ không phải là «ngủ». Có cả ngàn cách chờ đợi: Dĩ nhiên, có thể bình thản ngủ chờ thời gian trôi qua; có thể tỉnh thức nhưng thụ động chờ đợi, kiên nhẫn, ví dụ như trên sân ga chờ chuyến tàu hỏa đến không chút ngạc nhiên; thành thật mà nói, điều tốt nhất là dùng thời gian vào việc khác, thay vì nóng lòng chờ đợi, không làm cho sự việc sớm đến hơn…
Trái ngược lại, có một cách chờ đợi, đó là như người mẹ chờ đứa con mình sắp sinh ra: không phải nóng lòng chờ đợi, nhưng người mẹ có trăm ngàn cách để cho đứa con mình cưu mang phát triển. Chăm sóc cách ăn uống, sức khỏe; để làm như thế, bà có thể cố gắng nhiều kiêng cử, theo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hay những động tác chuẩn bị sinh sản…và cả những điều còn thiếu sót. Tại sai lấy thí dụ ấy? Sở dĩ như vậy, vì chính Thánh Phao-lô cũng thấy đó là hình ảnh của lịch sử nhân loại: «Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở» (Rm8, 22). Dự án Thiên Chúa đang trong thời kỳ thai nghén, và mỗi chúng ta đều có thể tham gia vào việc sinh nở nó.
Đây là Tin Mừng tuyệt vời được nhắc đi nhắc lại suốt Mùa Vọng: Đời sống chúng ta cho dù khiêm nhường mấy đi nữa, cũng có thể tham gia vào thời kỳ thai nghén của nhân loại mới; điều này làm cho chúng ta được cao quý; có lẽ đó là một trong lý do không ai, kể cả Con Người có thể biết được, (khi Ngài còn ở giữa chúng ta) ngày giờ giáng lâm của Nước Trời: Vì chúng ta dự phần vào công trình xây dựng Nó.
Theo tôi, có lẽ đây là sứ điệp cấp bách nhất phải chuyển cho thế hệ trẻ chúng ta. Dĩ nhiên với điều kiện chúng ta chờ đợi Nước Trời đến, như chờ chuyến tàu hỏa, mà chờ đợi một cách tích cực! Thế nhưng, vấn đề chính thường là thụ động, hay có khi tệ hơn, chúng ta quên đi đang chờ đợi gì, hay hơn thế một Đấng nào đó. Và vì thế, chúng ta dùng thời gian làm việc khác. Nhưng làm việc khác trong lúc chúng ta chờ đợi Nước Trời, dĩ nhiên là trầm trọng. Vì thế Chúa Giê-su cảnh báo các môn đệ, và Thánh Phê-rô đã thú nhận với Thánh Mác-cô mình đã chối Chúa, ngài dư biết…
Vài giờ trước khi Thánh Phê-rô sơ suất, Chúa Giê-su, trong vườn Ghét-xê-ma-ni đã nói ba lần cho các Tông đồ đi theo Ngài: «Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.» (Mc14, 38) Và Ngài lại thêm: «Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối»…Đó là cách nói, chúng ta luôn bị trì kéo giữa những giá trị của Nước Trời với trở lại sự ích kỷ, vô tâm và hèn nhát.
Điều này mang lại ánh sáng cho Bài hôm nay: «canh thức» có nghĩa là «cầu nguyện»; không phải cầu xin Chúa Cha thực hiện Nước Trời một mình Ngài, không có chúng ta. Dự án của Ngài không phải thế. Nhưng cầu nguyện để được tràn đầy Thần Khí, kể từ nay, nhìn thế gian là nguyên liệu của Nước Trời, có thể nói với cặp mắt Thiên Chúa. Và như thế, hành động cùng hướng với Nước Trời. Điều này thực hiện giống bài học Thánh Lu-ca: «Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?» (Lc11, 10-13) Thật vậy, ngày giờ thuộc về bí mật của Thiên Chúa…«chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.» (Mc13, 32) như Chúa Giê-su nói. Nhưng không phải lý do để chúng ta lo sợ, Thần Khí ở với chúng ta. Nhưng cũng phải cầu nguyện, nghĩa là thật ao ước; Chúa không xâm chiếm chống lại chúng ta đâu.
Tới đây, điều này soi sáng cho chúng ta ý nghĩa của cám dỗ: «Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ» (Mc14, 38) Chúa Giê-su nói. Trong bài hôm nay, Chúa so sánh với một người chủ nhà đi xa «Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức» (Mc13, 34). Cám dỗ, đại để như ngủ, tức là bê tha việc nhà; thế nhưng, Thánh Mác-cô nói rõ, hôm nay là hai ngày trước Lễ Vượt Qua, tức là đoạn cuối Tin Mừng theo Thánh Mác-cô, ngay trước cuộc Thương Khó. Cũng như bài dụ ngôn ngày cánh chung trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, chúng ta đã đọc trong ngày lễ Đức Ki-tô Vua. Hình như cả hai đều nêu lên cùng một bài học: Sứ mạng chúng ta là «canh giữ nhà» như Thánh Mác-cô nói, hay như Thánh Mát-thêu nói, làm cho Vương Quốc lớn lên, trong đó mọi người là vua! Không phải lúc ngủ!
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương