Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN MÙA VỌNG - NĂM B (1Cr 1, 3-9) 03/12/2017

"Chúng ta mong chờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta tỏ mình ra."

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

 

3 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.

4 Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su.

5 Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.

6 Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em,

7 khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.

8 Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.

9 Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

 

Thử tìm một hình ảnh để dẫn nhập vào Bài của Thánh Phao-lô, tôi nghĩ đến cái la bàn. Dù gì đi nữa, một la bàn xứng danh với tên gọi la bàn, lúc nào cũng chỉ cho ta đúng hướng bắc: Nó luôn luôn trở về hướng bắc. Đối với Thánh Phao-lô, một Ki-tô hữu là một la bàn: Luôn hướng về tương lai…và phải viết Tương Lai bằng hai từ. Sở dĩ Thánh Phao-lô chịu khó viết cho các tín hữu thành Cô-rin-tô, chính vì họ đánh mất phương bắc trong vài điểm. Vì thế, ngài nhắc lại cho họ điều, dưới mắt ngài là điều đặc thù của người Ki-tô hữu, đó là chờ đợi: «anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người.» (c7)  Người Ki-tô hữu không quay về quá khứ mà hướng về tương lai.

 Dĩ nhiên, Bài này được phụng vụ đề nghị chúng ta đọc cho Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, chính bởi vì Mùa Vọng là thời gian chúng ta tái khám phá tất cả chiều kích sự chờ đợi của Ki-tô hữu, thời gian hướng về viễn ảnh Tương Lai mà Chúa đã hứa cho chúng ta.

Dễ hiểu nhất trước hết, là lúc chuẩn bị lễ Giáng Sinh; chúng ta được mời gọi tưởng nhớ đến một sự kiện lịch sử: Chúa Ki-tô đến trong lịch sử loài người. Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị cho lễ sinh nhật ấy. Và vì thế hằng năm, vào lúc này, chúng ta đọc lại trong Thánh Kinh những lời loan báo các Tiên tri, những lời hứa của Chúa: Lời hứa cứu độ, tức là lời hứa hạnh phúc. Một nội dung hoán cải không ngừng, dưới nhiều hình thức khác nhau: «Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa (Pl4, 4) Chính Người sẽ đến cứu anh em…» (Is35, 4) Có lúc  các lời hứa được nói rõ: «Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai» (Is7, 14);

 và trong sách Tiên tri Giê-rê-mi-a: «Ta sẽ cho mọc lên một mầm non,
một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít;»
(Gr34, 15)

Nhưng lịch sử cứu độ không ngừng ở Bê-lem. Sự chờ đợi ấy, cũng đang chờ cho chính chúng ta. Chúng ta vừa mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, và hữu lý lắm: Vâng, Chúa Ki-tô là Vua…từ cái chết và sự phục sinh của Ngài, từ sự sống đã thắng cái chết, từ tình yêu đã thắng hận thù và dửng dưng. Nhưng Nước Trời chưa hẳn hoàn tất; chỉ cần đọc báo chí, nghe đài, xem truyền hình hay quan sát nơi và xung quanh chúng ta; và để được thuyết phục! Chúa Ki-tô sẽ hoàn toàn là Vua, một khi trong mỗi anh em của Ngài, tình yêu là vua. Đấy là điều chúng ta chờ mong, đồng thời với Chúa Ki-tô trở lại. Chúng ta chờ đợi những biểu hiện chiến thắng vĩnh viễn của Chúa dẫn đầu toàn nhân loại: một nhân loại nay hoàn toàn giải phóng mọi ách nô lệ, khỏi tội lỗi và sự chết. Chúng ta là dân tộc mang lòng cậy trông ấy. Ngay khi sự dữ, hận thù, bạo lực, kỳ thị chủng tộc, có vẻ hướng dẫn lịch sử thế gian; chúng ta tin, chúng ta xác tín rằng sự dữ không có tiếng nói cuối cùng. Như lời cha Giu-se Templier nói: «sự bại trận của sự dữ đã được lên kế hoạch và sẽ vĩnh viễn»  

Vì thế, nên đọc các bài Chúa nhật Mùa Vọng trên ba cấp bậc. Bậc thứ nhất, sự chờ đợi Đấng Mê-si-a nơi dân tộc Do Thái, từ thời vua Đa-vít cho đến ngày Chúa Giê-su sinh ra. Bậc thứ hai: Ơn cứu độ đã hoàn tất nơi Chúa Giê-su Ki-tô, khởi đầu bằng việc Ngài sáng thế và phục sinh; nghĩa là nhân loại qua trải nghiệm một thành viên (Chúa Giê-su) có thể hiệp nhất với Tình yêu và Thánh ý Chúa Cha; tức là sống hoàn toàn và trọn vẹn những giá trị của tình yêu, chia sẻ, liên đới, dịu dàng, tha thứ. Bậc thứ ba: sự chờ đợi Ngày của Chúa chúng ta, ngày chiến thắng Đức Ki-tô, Nước Trời được triển khai vĩnh viễn khắp hoàn vũ. Ngày ấy, chính toàn nhân loại sẽ sống những giá trị thể hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Và chúng ta biết rằng đó không là một giấc mơ đẹp vì Chúa Giê-su đã chứng tỏ có thể được.

Cũng như Thánh Phao-lô nói với anh em tín hữu thành Cô-rin-tô: «Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an» (c3), đây không phải là một công thức lễ phép hay một lời chúc thân thiện. Ngài luôn luôn nói trong một triển vọng của kế hoạch Thiên Chúa «ân sủng và bình an» là cách nói kế hoạch Thiên Chúa: Ân sủng luôn được gán cho Thiên Chúa, chúng ta có thể hiểu là tình yêu, quà nhưng không, sự hiện diện âu yếm của Chúa. Sống ân sủng Chúa, có nghĩa là sống hiệp nhất với Ngài; bình an là hệ quả trong bình diện con người chúng ta. Thế mà kế hoạch Thiên Chúa, chính là điều ấy: đem nhân loại hoàn toàn và vĩnh viễn hiệp nhất trong tình yêu Chúa Ba Ngôi. Thánh Phao-lô ở trong ba cấp bậc tôi vừa kể.

Cấp bậc thứ nhất: Kế hoạch của Chúa ấy – ân sủng và bình an – đã được tiền định từ muôn thuở, và suốt lịch sử Thánh Kinh dân được Chúa chọn càng ngày càng ý thức hơn.

Cấp bậc thứ hai: Ân sủng ấy đã được trao ban, kế hoạch Thiên Chúa đã bắt đầu khỏi động nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô nói với tín đoàn Cô-rin-tô: «Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su. Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người.» (c4,5).  

Cấp bậc thứ ba: «Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an…. anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng…» (c4. 7. 8). Nói cách khác, Ngài giúp anh em không mất hướng Bắc, tìm lại được sau khi tạm thời đánh mất. Để nung nấu lòng can đảm những tín hữu Cô-rin-tô của ngài (và chúng ta), Thánh Phao-lô nói thêm: «Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.» (c9)    

Mùa Vọng là lúc tuyệt vời để nhắc lại không ngừng sự tín trung của Thiên Chúa đối với kế hoạch của Ngài, hầu mỗi chúng ta múc lấy sức mạnh hầu tiến lên tùy theo sức của mỗi người.

 

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com