"Thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giử cho tới ngày Chúa đến."
Trích thơ thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Tê-xa-lô-ni-ca.
16 Anh em hãy vui mừng luôn mãi
17 và cầu nguyện không ngừng.
18 Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su.
19 Anh em đừng dập tắt Thần Khí.
20 Chớ khinh thường ơn nói tiên tri.
21 Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ;
22 còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.
23 Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm.
24 Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.
Theo truyền thống, Chúa nhật hôm nay gọi là Chúa nhật «Gaudete», một chữ La tinh có nghĩa là «hãy vui mừng» và lễ phục là màu hồng, như màu tím mờ nhạt đi. Chữ «Gaudete» này là từ ngữ mở đầu Thánh Lễ khi xưa. Đây cũng là chữ đầu Bài đọc hôm nay, trích từ thư thứ nhất Thánh Phao-lô gửi tín hữu thành Thê-xa-lô-ni-ca.
Thật khá táo bạo mới dám nói: «hãy vui mừng» trong lúc bao nhiêu chiến tranh gây chết chóc, tang tóc khắp địa cầu, khủng bố đây đó, những vấn đề kinh tế tạo ra cuộc sống bần cùng cho anh em đồng loại chúng ta khắp nơi…Cũng nên thấy rõ, tình hình thế giới hiện nay không hơn gì thời Thánh Phao-lô. Nhưng khi ngài nói «vui lên» không phải một niềm vui vô tư, một niềm lạc quan ngốc nghếch, nhưng là một niềm vui sâu sắc của một cộng đồng đức tin; niềm vui đón nhận Tin Mừng của Lời Chúa: Niềm vui nhận ra trong đời sống chúng ta dấu chỉ của Thần Khí; niềm vui của đời sống huynh đệ…
Tất cả những điều ấy, dĩ nhiên là trong một cộng đồng lý tưởng, chúng ta không nên nhụt chí quá sớm, nếu xem quá tốt đẹp đối với chúng ta! Sở dĩ Thánh Phao-lô nói «Anh em hãy vui mừng» đó cũng vì các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca thỉnh thoảng cũng không thể vui được. Điều này có thể hiểu được nếu biết rằng họ bắt đầu bị bách hại và Thánh Phao-lô phải bị bắt buộc rời bỏ thành Thê-xa-lô-ni-ca, vội vã ra đi - chỉ có mặt ở đó rao giảng được vài tuần - cộng đồng người Do Thái tố cáo nơi chính quyền Rô-ma ngài là tác giả mọi rối loạn.
Câu sau cùng Thánh Phao-lô cho chúng ta lý do của niềm vui ấy. Như thường lệ, ngài luôn hướng về điều ngài gọi là «ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm.» (c23) Một trong đặc điểm của những cộng đồng Ki-tô sơ khai là sự chờ mong ngày Chúa Ki-tô quang lâm. Chắc chắn họ luôn nhắc nhở đến bài tường thuật Chúa lên trời và sứ điệp của các Thánh Tông đồ: «Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh11 và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.» (Cv1, 10-11)
Nơi Thánh Phao-lô, dù sao đi nữa, chúng ta thường nhận thấy ngày Chúa quang lâm là chân trời hằng nhắm tới, tất cả tư tưởng của ngài hướng về đó và cũng là thái độ phải có của các cộng đồng Ki-tô. Để lấy làm ví dụ, mục đích của cuộc hành trình nói cho ta biết con đường nào phải đi tới; đối với Thánh Phao-lô, mục đích của hành trình người tín hữu, là thiết lập Nước Trời ngày cánh chung.
Điều khác, Thánh Phao-lô thường nhấn mạnh nữa là: «Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.» (c24) Trong câu này, chúng ta hiểu ít nhất ba điều. Ngài hoàn tất, có nghĩa là chính Chúa, là tác giả đầu tiên của Vương Quốc Thiên Chúa. Điều thứ hai, Ngài tín trung: đó là đức tin người Do Thái, đó là niềm xác tín muôn thuở của họ, chính vì lịch sử của họ tràn đầy những trải nghiệm về sự tín trung ấy của Thiên Chúa, mặc cho những bất trung của dân tộc họ. Nhưng đối với những người không phải Do Thái, đó là một tin tuyệt vời: Lịch sử nhân loại được sự tín trung Thiên Chúa ấy đồng hành, một Thiên Chúa không có mục đích nào khác ngoài hạnh phúc, của toàn cõi loài người, một Thiên Chúa «muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.» (1Tm2, 1-4) Ước chi mọi người thời chúng ta ý thức rằng Chúa không có mục đích nào khác là sự cứu độ và hạnh phúc của chúng ta… ngày ấy bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi hẳn!
Điều thứ ba, Chúa kêu gọi anh em: Câu này lập cân bằng lại với những gì nói ở trên. Thật vậy, một đàng, Chúa là tác giả của việc Nước Trời sẽ đến, điều này không phải chỉ do kết quả của những nỗ lực chúng ta. Nhưng Ngài kêu gọi chúng ta góp phần vào. Thứ nhất bằng cầu nguyện: «cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh» (c17,18), sau đó bằng mọi hành động của chúng ta …bởi vì cầu nguyện không phải phó mặc cho Chúa những việc chúng ta phải làm, nhưng múc lấy trong Thần khí Ngài những nguồn nguyên liệu cần thiết, sinh lực và óc sáng tạo, để chu toàn phần Ngài chờ đợi chúng ta tham dự. Vì lẽ đó, Thánh Phao-lô thêm: «Anh em đừng dập tắt Thần Khí.» (c19) như đừng dập tắt ngọn lửa đang chiếu sáng ban đêm. Điều này có nghĩa là Thần Khí đang cháy trong ta và trong thế gian. Chúng ta nhận ra nơi đây một câu tuyệt vời trong kinh phụng vụ Thánh Lễ: «Chúa Thánh Thần kiện toàn công trình của Người nơi trần gian, và hoàn tất công việc thánh hoá.»
Thánh Phao-lô còn thêm hai lời nhắn nhủ «Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ» (c20,21). Phải biết người Hy-lạp thích dường nào những hiện tượng thần linh (tiếng lạ và nói tiên tri), mới hiểu được hai lời khuyên nhủ này. Một đàng tôn trọng những hiện tượng xảy ra nơi chúng ta: Nếu ai đó nói tiên tri, người ấy là phát ngôn viên của Thiên Chúa, phải chấp nhận lắng nghe, đừng mất cơ hội nghe tiếng Chúa; nhưng đàng khác, hãy biết nhận định: Không nên theo bất cứ ai một cách mù quáng; có những cách nhận ra điều đến từ Thần Khí hay không. Về sau trong thư gửi tín hữu thành Cô-rin-tô, Thánh nhân nói điều đó phải luôn luôn nhắm đến xây dựng cộng đồng. Trong bài này, hình như Thánh Phao-lô nêu lên tiêu chuẩn hãy biết chọn điều gì «làm cho tiến đến Nước Trời». Như lời Đức Giám Mục Coffy, cựu Tổng Giám Mục thành Marseille nói: «hãy đưa vào trong những tư tưởng, những phán đoán, những hành động của chúng ta một tiêu chuẩn: Ngày Nước Trời đến, đó là một nhiệm vụ chủ yếu của Giáo Hội…vì là một đòi hỏi của lòng tín trung với Mạc Khải»
***
Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương