Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 1 CN THỨ III MÙA VỌNG - Năm B (Is 61, 1-2a.10-11) 17/12/2017

«Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa» 

Trích sách Tiên tri I-sa-i-a.

 

1 Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn,
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân,

2 công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA,
một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta;
Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than,

10 Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.

11 Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc,
như vườn tược cho nở hạt sinh mầm,
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính,
làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.

 

Sau này, khi Thánh Phao-lô nói về hoa trái của Thần khí (Gl5), ngài chỉ rút ra và triển khai những từ ngữ từ đoạn sau đây của sách Tiên tri I-sa-i-a «Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân». (c1) Thật sự đó mới là hoa trái của Thần Khí; đây là những điều giúp chúng ta nhận định (hay những gì chúng ta nói) thật sự đến từ Thần Khí.

Không thể nào ngờ được; một khi Tiên tri loan báo: «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.» (c11) Bởi vì, vào thời điểm ngài viết những hàng chữ này, những hoa trái ấy còn rất xa, và phải gấp rút làm sao để nâng cao tinh thần dân thành Giê-ru-sa-lem. Tinh thần toàn dân lúc ấy hẳn rất thấp, bởi vì Tiên tri I-sa-i-a gọi họ là kẻ nghèo hèn (nghĩa đen là những người khom lưng), «kẻ nghèo hèn,
 tấm lòng tan nát, kẻ bị giam cầm…
» Thế nhưng, trong lúc ông nói những lời này, dân chúng thành Giê-ru-sa-lem đâu còn là tù nhân hay bị cầm tù nữa; trái lại, họ đã về từ Ba-by-lon, và đã bắt đầu công trường trùng tu Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

Vì cuộc lưu đày Ba-by-lon đã chấm dứt, nhưng lý do đơn giản là, sau những ngày tháng vinh quang, đến phiên họ bị Ky-rô, vua xứ Ba-tư chinh phục. Tuy nhiên, trái với thói thường, các hoàng đế lần lượt xâm chiếm vùng này; vua Ky-rô cho phép các di dân trở về xứ của họ. Vì thế những kẻ bị đày đã trở về. Nhưng dù sao họ cũng không phải là một dân tộc tự do, bởi vì xứ Pa-lét-tin còn dưới sự đô hộ các vua, Ky-rô và các kế vì của ông. Nhưng cũng không thể nói thật sự  là nhà tù hay họ bị giam cầm.

Thế nhưng, tình hình diễn ra, rốt cục những người từng bị lưu đày, khi về nước không lấy làm hạnh phúc hơn lúc còn bên ấy, bên Ba-by-lon: họ chờ đợi ngày được phóng thích, được trả tự do như một niềm hạnh phúc lớn… Họ hi vọng biết được trải nghiệm một người bấy lâu bị nhốt trong phòng tối âm u không chút ánh sáng, lúc được mở cửa tìm lại ánh sáng chói lòa của bầu trời tự do. Nhưng trên thực tế, họ khám phá ra trong cuộc sống -  như trong đời sống chúng ta - có những nhà tù, xiềng xích, không mấy vật chất nhưng không kém ngột ngạt.   

Bởi vì trong nước không ai thật sự chờ đợi đón họ về. Và người ta thọc gậy bánh xe đủ điều để cản trở họ xây lại Đền Thờ. Cũng phải nên nói rằng, trong lúc họ vắng mặt, những dân tộc di tản khác đến sinh sống tại Giê-ru-sa-lem và du nhập vào tôn giáo của họ. Kể từ đó, qua các hôn nhân hổn hợp (giữa người Do Thái và dân ngoại), Do Thái giáo trở thành thiểu số. Không ai còn giữ Lề Luật, mặc dù đó là cột trụ đạo Do Thái ?...Điều trớ trêu là việc được xây lại Đền thờ không phải do lòng dân được Chúa chọn muốn. mà thừa lệnh vua nước ngoài. Từ đó, luôn vang lên một câu hỏi trong mỗi giai đoạn khó khăn: Có phải Chúa đã bỏ rơi dân Ngài chăng?

Và các ngôn sứ luôn luôn lặp lại như sau: Chúa không thể nào chối mình, hãy cậy trông. «Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than,» (c1,2). Ý nghĩa đầu tiên của bài này là: anh em đừng nản lòng, Chúa không bao giờ bỏ rơi anh em.

Xin nói thêm một chút về phần đầu của Bài: Vị ngôn sứ tỏ ra đầy Thần Khí Thiên Chúa và đến nổi nói rằng Thiên Chúa biến ngài thành một Mê-si-a, trong bản gốc tiếng Do Thái danh từ chính xác này được dùng ở đây. Thế nhưng, vào lúc ngài nói lên lời này, không còn vua nào tiếp tục ngự trên ngai vua Đa-vít; vì lẽ ấy, từ nay việc chờ đợi Đấng Mê-si-a của dân Do Thái tiến hóa dần. Không còn một vị vua dòng giỏi Vua Đa-vít nào để chờ đợi; Đấng Mê-si-a mọi người mong đợi sắp đến, có thể là một ngôn sứ. Điều này giải thích vài thế kỷ về sau, các người đến nghe Chúa Giê-su giận dữ trong nhà thờ Na-da-rét. Thật vậy, Ngài không tự cho mình ngự trên ngai thành Giê-ru-sa-lem, nhưng sau khi đọc đoạn này của sách I-sa-i-a, Ngài bình thản quả quyết: «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.» (Lc4, 21) Có nghĩa là Chúa cho mình chính là Đấng Mê-si-a và người đương thời chưa sẵn sàng chấp nhận.

 Điều cuối đáng được nói rõ về những câu này: Khi Tiên tri nói về năm Hồng ân, đây là gần như một danh từ kỹ thuật: Đó là năm lễ Sa-bát hoặc là năm thánh. Cứ mỗi bảy năm (năm Sa-bát), những nô lệ Do Thái được phóng thích không cần phải chuộc; năm mươi năm một lần, nhà ở phải trả lại (năm thánh), các món nợ được xóa, nhà cửa, đất đai phải trả lại cho nguyên chủ. Nói tóm lại, người ta tái khám phá lý tưởng công bằng xã hội như Chúa muốn trên Đất Thánh. Cũng nên nhớ đến những năm Thánh của chính chúng ta! Chắc chắn «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân» (c11) Chúng ta thì thích lời ca ngợi hơn là lẽ công chính.

Còn phần thứ hai Bài này, không một ai có thể quả quyết chắc chắn ai nói lên những lời sau đây: «Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.» (c10) Trong câu này, các động từ có thể đọc như người nữ hay người nam.  Nếu là người nam - như cách dịch theo phụng vụ và ông Andre Chouraqui -  thì câu này do Tiên tri I-sa-i-a nói; nếu hiểu như một người nữ nói - như sách TOB (LND Thánh Kinh do nhóm đa giáo chuyển ngữ) - thì đây là thành Giê-ru-sa-lem nói. Dù sao đi nữa, không thể nào tách đôi hai cách hiểu. Thật vậy, vị Tiên tri vui mừng  về những hạnh phúc hứa cho thành thánh, còn Giê-ru-sa-lem nhục nhã nghe từ miệng Tiên tri loan báo Tin Mừng: Đấng Toàn Năng làm điều kỳ diệu, tình yêu của Ngài từ đời nọ đến đời kia trên những ai tin tưởng nơi Ngài. Dĩ nhiên, có điều bài này giống như bài Magnificat của Đức Maria quá rõ ràng; bài Thánh vịnh trong phụng vụ hôm nay sẽ cho chúng ta nghe lại.

***

Tác giả: bà Marie-Noelle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com