Đáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thươngcủa Chúa đến muôn đời.
2 Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng,
qua muôn ngàn thế hệ
miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài.
3 Vâng con nói: "Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu,
lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời."
4 Xưa Chúa phán: "Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn,
đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta,
5 rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời,
ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ."
27 Người sẽ thưa với Ta: "Ngài chính là Thân Phụ,
là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ! "
29 Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở
và thành tín giữ giao ước với Người.
Sau Bài đọc 1 Chúa nhật hôm nay, dĩ nhiên phải có bài Thánh vịnh này! «Xưa Chúa phán: "Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ."» (c4,5) Chúng ta đang ngay trong bối cảnh những lời hứa của Tiên tri Na-than cho vua Đa-vít. Khi ấy vua Đa-vít lòng tràn đầy thiện chí; đề nghị xây cho Chúa một đền thờ còn đẹp hơn cung điện của ngài. Rất lạ, Chúa tỏ vẻ không mấy quan tâm đến đề nghị ấy; Chúa đáp lại đề nghị này với cách chơi chữ trên chữ «nhà», theo tiếng Do Thái cũng như tiếng Pháp cũng hiểu được: Con muốn xây cho Ta một cái «nhà» cho ta ở, Chúa nói, nhưng điều này Ta không quan tâm lắm…Ta sẽ xây cho con một «nhà», trong nghĩa một dòng dõi vua, một triều đại.
Vua Đa-vít liền hiểu; ngài không xây đền nữa, chỉ đưa Hòm Bia Giao Ước đặt dưới lều, như lúc còn đi trong sa mạc thời Xuất Hành. Nhất là ngài nghe Chúa đề nghị một Giao Ước, Chúa tự ý cam kết qua Giao Ước này: Không ai có thể bó buộc Ngài, chính Chúa hiến Mình ngự trị giữa chúng ta! Nhưng nghĩ cho cùng, đây là một điều thật táo bạo về thần học: Thiên Chúa thề với vua Đa-vít: «Ta…đã thề cùng Đa-vít» (c4). Giao Ước giữa Thiên Chúa và vua Đa-vít được phát biểu bằng ngôn ngữ của các hiệp ước thời ấy, giữa một lãnh chúa với các chư hầu: Ở đây chữ «cha» có nghĩa là vua hay «con» có nghĩa là chư hầu. Thời ấy, không ai dám mơ có những quan hệ nào tốt hơn như thế, nhưng đây là một bảo đảm cho sự tín trung, không bao giờ phai của một vị lãnh chúa. Một khi Thiên Chúa đã tự nguyện bằng lời thế, vua Đa-vít không còn sợ điều gì hay một ai nữa.
Thật ra, phải nhìn nhận rằng, sở dĩ bài Thánh vịnh này nhấn mạnh đến lời hứa của Thiên Chúa là vì có nguy cơ thật lớn, mọi người không còn tin tưởng nữa! Và nếu có ai tò mò không muốn chỉ đọc những câu trong phụng hôm nay, mà đọc cả bài trong Thánh kinh, sẽ khám phá ra rất nhiều điều ngạc nhiên! Có tất cả trong bài Thánh vịnh này. Trước tiên, là lòng tin cậy bình thản: «Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. » (c2)…Sau đó, là bài tụng ca Thiên Chúa của vũ trụ «Chính Ngài chế ngự trùng dương ngạo nghễ, dẹp yên bao sóng cả sóng cồn.» (c 10) Vì ai cũng biết vua thật sự trên cõi đất này, chính là Thiên Chúa. Nhưng cũng có những tiếng kêu xin khóc lóc: «Đâu cả rồi, lạy Chúa, nghĩa cũ với tình xưa Ngài hứa cùng Đa-vít nhân danh chữ tín thành?» (c50), điều này có nghĩa là chúng ta đang trong thời kỳ có nguy cơ lớn, ngờ vực tình yêu Thiên Chúa. Có vẻ như Ngài cắt đứt đính hôn.
Gần như đây là một phiên tòa, gom lại tất cả những lý do ta thán của dân chúng đối với Thiên Chúa: «Chúa tiêu huỷ giao ước với người nghĩa bộc…Thế mà nay Chúa lại khinh chê ruồng bỏ, nổi lôi đình với đấng Ngài đã xức dầu tấn phong; ...quăng vương miện Người xuống đất đen… 43 Chúa nâng cao quyền thế bọn áp bức Người và cho mọi kẻ thù được hớn hở mừng vui.» (c40…43) Lời than ván ấy kết bằng câu: «Đến bao giờ cơn giận còn cháy bừng như lửa?» (c47) hơn nữa, đoạn này của bài Thánh vịnh được sáng tác lúc dân chúng đang trải nghiệm cuộc lưu đày Ba-by-lon: Tất cả đều mất hết, đất đai, đền thờ, vương triều…còn dân tộc chỉ còn lại vỏn vẹn một nhóm…Mọi người tự hỏi lời hứa của Chúa còn lại ở chỗ nào?
Đến đây mới thấy đức tin tuyệt vời, chính vì nhìn thoáng bên ngoài như mất tất cả - chỉ trừ đức tin - người ta đọc lại lời hứa xưa kia và nhờ đó được mạc khải một chiều kích khác hẳn những gì ta tin bấy lâu nay.
Thử đặt chúng ta vào địa vị vua Đa-vít: Khi ngài nghe Tiên tri Na-than nhân danh Thiên Chúa hứa: «dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ» (c5), chúng ta có thể tưởng tưởng Đa-vít thở phào. Được lắm! Rồi con ta sẽ kế vì ta, sau đó đến cháu ta…và cứ như thế về sau. Đó là tất cả những gì một vị vua ao ước, và rất có thể vua Đa-vít cũng không mong gì hơn! Nhưng điều Thiên Chúa mong khác hẳn…và chúng ta chỉ được mạc khải một cách tiệm tiến dự án của Ngài. Vua Đa-vít, và sau đó là con ông rồi đến thần dân ông, cẩn thận lặp lại một cách trung thành lời hứa của Thiên Chúa…và dần dần, họ khám phá ra lời hứa của Thiên Chúa còn xa hơn giấc mơ một vị vua trên thế gian.
Và chữ «muôn thế hệ» có chiều kích của một ước vọng không có gì thắng được: «ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ."» (c5): Chúa đâu có ban một lời hứa như thế mà thiếu suy nghĩ…vì lẽ đó, ta nghe và sẽ nghe, bấy lâu nếu cần: một vua Chúa hứa sẽ đến. Nhờ đức tin, ta không bao giờ ngờ vực lời hứa của Chúa; Chắc chắn sẽ có ngày ấy; nhưng có lẽ vua này chỉ bị hoãn lại chăng? hay là với hình thức khác? Mặc dù không hiểu hết, người tín hữu lặp lại không ngừng lời hứa; đức tin là thế đó. Và càng ngày càng suy niệm lời của Chúa, ta được mạc khải Giao Ước thế nào, sâu xa hơn, tuyệt vời hơn nhiều ta có thể tưởng tượng. Vua Đa-vít có những giấc mơ vĩ đại theo chiều kích con người: một ngai vua vững bền, lâu dài, một triều đại vô tận…Thiên Chúa thấy xa hơn, vĩ đại hơn thế nữa: Đa-vít đề nghị một đền thờ lớn: «Con sẽ xây cho Ngài một ngôi nhà xứng đáng»…và Chúa trả lời: «Còn Ta, Ta sẽ đem lại hạnh phúc cho con và hạnh phúc cho dân Ta» Cuối cùng, lúc nào cũng thế: Con người nói đến những điều lớn lao, trong lúc Thiên Chúa nói đến hạnh phúc! Giao Ước do Thiên Chúa đề nghị là một giao ước làm cho dân hạnh phúc. Thế là cụm chữ muôn thế hệ mang một ý nghĩa theo một chiều kích khác hẳn, Đa-vít không thể nào đoán biết. Ông cũng như những người cùng thời, không ai có thể tưởng tượng một cuốc sống xa hơn phương trời trần thế: «Ta cho dòng dõi Người muôn năm tồn tại, cho ngai vàng trường cửu tựa trời xanh.» (c30)…tất cả những thứ ấy, gợi lên những thành đạt theo chiều kích nhân loại có thể có trong giới hạn của lịch sử.
Một cách trớ trêu là vì, sự chờ đợi như thế không thành, lại gợi lên nơi người tín hữu một sự chờ mong sâu xa hơn. Dần dần người ta hiểu dự án của Thiên Chúa vượt khỏi giới hạn con người về thời gian cũng như không gian. Khi Đa-vít nghĩ «dưới đất» Chúa nói đến «trên trới». Khi Đa-vít nói đời sống «thế gian» Chúa nói «vĩnh hằng». Khi Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh từ cõi chết, các môn đệ lúc bấy giờ mới hiểu Giao Ước Chúa đề nghị vượt hẳn giới hạn của không gian và thời gian; hơn thế nữa, quan hệ giữa con người đối với Thiên Chúa không như một chư hầu đối với vị lãnh chúa; nhưng từ nay, toàn dân tín hữu có thể gọi thật sự «Lạy Cha chúng con…»
(Có thể xem bài suy niệm Thánh vịnh 88 (89) ngày Chúa nhật thứ XIII thường niên năm A)
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương