Lời Chúa CN

BÀI ĐỌC 2 CN V TN NĂM B (1Cr 9, 16-19. 22-23) 04/02/2018

« Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng » .

 

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

 

16 Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng ! 

17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công ; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 

18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.
19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người.

 22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 

23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

Trong nhiều thư của thánh Phao-lô, ngài thường hãnh diện cho biết ngài tự kiếm cách tự lực cánh sinh để không phải là gánh nặng của các cộng đồng phải cấp dưỡng cho ngài. Hình như trong Giáo Hội Cô-rin-tô có những người chống lại thánh nhân cho rằng thái độ của ngài từ chối quyền được nuôi dưỡng là vì ngài không muốn bị kiểm soát. Họ tự hỏi ngài có phải thực là một Tông Đồ như ngài tự xưng không ? Trong bài này, thánh Phao-lô trình bày những lý do thâm sâu của cách hành xử ấy. Ngài tỏ ra không vụ lợi vì ngài muốn cho mọi người thấy làm việc này không cho riêng ngài. Rao giảng Tin Mừng không phải là một nghề để hưởng một quyền lợi nào, mà là chu toàn một sứ vụ được trao ban. Ngài đang thi hành sứ vụ đó , cho nên ngài được tự do. « đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm ».      (c16)

  Ngài có bao giờ chọn rao giảng Tin Mừng, ai cũng biết thế ; chuyện không có trong chương trình đời ngái !. Ngài là một người Do Thái nhiệt thành, một người Pha-ri-sêu. Nhiệt thành đến nỗi ban đầu bách hại giáo phái là những người Ki-tô… Thế rồi có cái ơn trở lại bất ngờ đối với ngài, đem sự nhiệt thành của ngài phụng sự Tin Mừng. Đối với thánh Phao-lô đi giảng đạo là một nhiệm vụ khi được kêu gọi, dưới mắt ngài không thể là một Ki-tô hữu mà không là một tông đồ. Chúa đã gọi ngài là để phục vụ tha nhân mà ngài gọi là dân ngoại ; Thánh Phao-lô nói thế trong thư cho dân thành Ga-lát:

 « 15 Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người.16 Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên » (Gl 1 :15-16)

Nói tới đây làm sao mà không nghĩ tới ơn gọi của các tiên tri, A-mốt chẳng hạn ?

«  14 Ông A-mốt trả lời ông A-mát-gia: "Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung.15 Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi: "Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta »( Am 7 : 14-15)

Hay trong Giê-rê-mia:

« 5 "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân » ( Gm 1 :5)

Một tiên tri, theo định nghĩa là sống “cho tha nhân”. Trong Phúc Âm thánh Mac-cô mà chúng ta đọc hôm nay, Chúa Giê-su nói rõ rằng Ngài đến là để rao giảng Tin Mừng.

Ý thức về trách nhiệm của mình làm cho thánh Phao-lô thốt ra một lời rất mạnh, có lẽ đã làm cho chúng ta ngạc nhiên  Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (c16), không phải ngài cảm nhận như có một sự đe dọa gì đến từ bên ngoài, nếu không chu toàn xứ vụ, nhưng là ngài có cảm tưởng rằng sẽ là “người vô phúc hơn bất cứ người nào.”.  Lòng đam mê Tin Mừng mới mẽ này, nay trở thành một bản tính thứ hai của thánh nhân.  Tha thiết muốn chia sẻ điều khám phá mới này cho tha nhân.

Niềm vui và phần thưởng của ngài là đây: Chỉ vỏn vẹn biết mình đã chu toàn sứ vụ. Thánh Phao-lô không phải một nhà thuyết-pháp lưu động đi rao giảng nay đây mai đó với mục đích kiếm tiền. Ngài chỉ phục vụ mà thôi

« Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công ; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. »(c17)

Câu này thường dành cho những người nô lệ; vì lẽ đó hai câu 17-18 này có thể tóm lại rằng, nếu tôi đã chọn nghề này thì tôi dã đề nghị được trả lương bổng như mọi nghề khác; thế nhưng tôi trở nên nô lệ của Chúa, mà đã là nô lệ thì không có đòi hỏi lương bổng gì như mọi người biết ! Tuy nhiên tôi đã nhận được phần thưởng rất lớn, đó là hạnh phúc và niềm vui rao giảng Tin Mừng ( nghĩa đen là không được trả thù lao nhưng đó mới là lương tôi đấy). Có vẻ như một nghịch lý thế nhưng đó là một trải nghiệm hằng ngày của những ai phục vụ Tin Mừng. Chu toàn nhiệm vụ không vụ lợi mới tương xứng với việc rao giảng tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, sống thì phải biết lo đáp ứng những nhu cầu cá nhân, nhưng thánh Phao-lô nói rất rõ đi rao giảng là một nhiệm vụ, một sứ vụ, một ơn gọi nhưng không, không phải là cái nghề. Hết lòng chu toàn nhiệm vụ, dù bị áp đặt, người tông đồ sẽ nhận được phần thưởng là niềm vui cho đi: lúc đó mới là lúc giống hình ảnh của Đấng mà ngài rao giảng.

Rao giảng không chỉ ở lời nói, nhưng cả trong cách sống  «Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu »(c22) : Câu này nói lên bối cảnh của bài viết : Tất cả những tín hữu thành Cô-rin-tô không có cùng một hành trình đức tin. Có người là từ đạo Do Thái cũ, trở lại đạo như thánh nhân, các người khác không phải là gốc Do Thái nhưng không thể kể họ là dân ngoại vì trước kia họ cũng có một đạo nào đó, họ thờ các thần khác, có nghi lễ của đạo của họ…Phép Thanh Tẩy và việc gia nhập cộng đồng Ki-tô bắt buộc họ thay đổi, nhiều khi hoàn toàn các thói quen của họ. Ví dụ như trước kia họ cúng với những thú vật và sau đó ăn thịt cúng, như một bửa tiệc thánh thiêng. Khi sát nhập vào cộng đồng đức tin Ki-tô là dĩ nhiên phải bãi bỏ các việc đó : Trong thời gian học giáo lý có những đòi hỏi rất chặt chẻ như thế.

Thế nhưng có thể xảy ra là họ được các bạn hay người thân mời ăn tiệc cúng. Ví dụ người ta tìm thấy trong đền thờ Cô-rin-tô một thiệp mời có nội dung như sau đây: “An-tôn, con ông Pơ-tô-lê-mê mời anh tới ngồi cùng bàn với thần Sa-ra-pi ( Một trong nhiều thần ờ Cô-rin-tô,) tại sảnh Sa-ra-pa-i-ôn” ngày…giờ…. Nếu là một người Ki-tô hữu có đức tin mạnh chắc chắn     ( Thánh Phao-lô dùng chữ “đức tin mạnh”), thì lương tâm sẽ yên ổn chấp nhận ăn đồ cúng như thế: Lý do là các thần đó không có thật, có cúng tế  bao nhiêu súc vật đi nữa, những của tế lễ đó không có ý nghĩa gì, thì việc ăn đồ cúng không thể xem là phạm thánh đối với Thiên Chúa của người Ki-tô. Người Ki-tô hữu có đức tin vững sẽ chọn không làm phật lòng người có nhã ý mời. Thế nhưng không nên đem những người kém đức tin vào những chuyện đó :

 “Nhưng hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh em nên dịp cho những người yếu đuối sa ngã.10 Thật vậy, nếu có ai thấy bạn là người hiểu biết mà lại ngồi dự tiệc trong đền trong miếu, thì lương tâm của người yếu đuối ấy lại chẳng dựa vào đó mà ăn của cúng sao?” ( 1Cr 8:9-10)  

Người Ki-tô hữu có đức tin yếu, nhưng nghiêm túc, dù biết rằng các thần thánh đó không có thật…Trong đầu họ hiểu thế nhưng có thể bị xao xuyến và sau đó trong cuộc sống lương tâm cứ cắn rức mãi. Và vì thế Thánh Phao-lô kết luận rằng:

« 13 Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã » ( 1Cr 8: 13)

Trong bài hôm nay ngài cũng nói thế nhưng lời lẽ khác hơn « 22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. » 

Trong thư Roma, ngài nói cách khác nhưng cũng cùng một nội dung:

 « 17 Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.18 Ai phục vụ Đức Ki-tô như thế, thì đẹp lòng Thiên Chúa và được người ta quý trọng.19 Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau.20 Đừng vì một thức ăn mà phá huỷ công trình Thiên Chúa. Đã hẳn, mọi thức ăn đều thanh sạch; nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu. »  ( Rm 14:17-20)

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com