Lời Chúa CN

PHÚC ÂM CN IV MÙA CHAY NĂM B (Ga 3, 14-21) 11/03/2018

Câu xướng trước Phúc Âm.

Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình,
để tất cả những ai tin Con Ngài, sẽ được sống đời đời
.

-----------------

"Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

 

14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,

15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.

19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.

20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.

21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa."

Một trong những điều đáng ngạc nhiên của bài này hẳn là điều khó chấp nhận cho chúng ta. Để trình bày mầu nhiệm của Ngài, Chúa Giê-su dùng hình ảnh rất quen thuộc đối với những người đang nghe Ngài, đó là câu truyện con rắn đồng.  Cách ám chỉ tới một giai đoạn lừng danh trong lịch sử dân tộc Do Thái trong sa mạc, nhưng sự kiện đó hoàn toàn xa lạ với chúng ta, dù sao đi nữa cũng rất khó hiểu với văn hoá chúng ta ngày nay. Khi Chúa Giê-su so sánh, dĩ nhiên là để giúp thính giả dễ hiểu, nhưng thời gian đã thay đổi rồi, điều gì giúp soi sáng cho những người đương thời của Ngài, không nhất thiết là có thể soi sáng cho chúng ta 2000 năm sau.

Chúng ta còn nhớ giai đoạn con rắn đồng. Chuyện xảy ra trong Sa mạc Si-na-i trong sách Xuất hành với ông Mô-sê. Dân Do-thái bị không biết bao nhiêu là rắn độc vây bủa, và vì họ không có lương tâm yên ổn, họ tin chắc ( Lại một lần nữa họ lại « kêu trách », cách họ thường làm được ghi trong sách Xuất hành), rằng đây là một hình phạt từ Chúa của Mô-sê. Họ đến khẩn cầu ông cầu bầu cho họ cùng Chúa. :

« 7 Dân đến nói với ông Mô-sê: "Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách ĐỨC CHÚA và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu ĐỨC CHÚA để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi." Ông Mô-sê khẩn cầu cho dân.8 ĐỨC CHÚA liền nói với ông: "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống."9 Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.  ( Ds 21,7-9) 

Thoáng nhìn qua chúng ta tưởng như một trò ảo thuật. Thật ra là trái ngược lại, ông Mô-sê biến những gì là một ảo thuật thành một hành động của đức tin. Phong tục sùng bái một thần chữa lành có từ lâu trước khi có ông Mô-sê, thần ấy được tượng trưng bằng con rắn quấn chung quanh cây sào. Một lần nữa, ông Mô-sê cũng làm như nhiều nghi lễ họ đã có thói quen khác, để không quá làm trái ý dân chúng, chống lại các tập tục của họ. Ông Mô-sê nói : Hãy làm như anh em có thói quen thường làm, nhưng xin đừng lầm với một vị chúa nào, chúng ta chỉ có một Thiên Chúa, chính là Đấng đã giải thoát chúng ta khỏi Ai-cập. Hãy thực hiện một con rắn, hãy nhìn vào nó ( Trong cách nói của Thánh Kinh, « Nhìn » tức là « Thờ phượng »), nhưng đấng chữa lành cho anh em, không phải là con rắn, mà chính là Thiên Chúa. Khi anh em nhìn con rắn, lòng sùng bái của anh em phải hướng về Thiên Chúa của Giao Ước, chứ không phải bất cứ ai đó, nhất là không phải một tạo vật từ tay anh em mà ra.

Chúa Giê-su rút từ ví dụ ấy cho Ngài :

« 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời »

Cũng giống như xưa kia ngước mắt lên nhìn với đức tin Thiên Chúa Giao Ước thì thân thể được chữa lành, thì kể từ nay chỉ nhìn với đức tin Chúa Ki-tô trên thánh giá thì được chữa lành bên trong. Chính cũng thánh sử Gio-an này chép, lúc Chúa Ki-tô bị đóng đinh : « 37 Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu » ( Ga 19-37) . Họ « nhìn lên »tức là họ tin nơi Ngài, họ nhận ra nơi Ngài, tình yêu của Thiên Chúa.

Một lần nữa thánh Gio-an nhấn mạnh vào đức tin : thánh Phao-lô lại nói, chính ân sủng mới cứu rỗi, chứ không phải đức tin. Thế nhưng chúng ta tự do. Đứng trước đề nghị tình yêu của Chúa, chúng ta có thể chấp nhận ( điều mà thánh Gio-an gọi là TIN )hoặc từ chối. Cũng như thánh sử viết ở phần Lời Tựa của Tin Mừng theo ngài :

« 9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.

10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.

11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa » ( Ga 1 9-12)

Trong bài hôm nay ngài  trở lại một cách mãnh liệt đề tài này.16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.  Xin lưu ý chữ « Tin » được nhắc đến năm lần chỉ trong bài hôm nay. 

Nhưng cùng một lúc Chúa Giê-su so sánh việc nhìn lên con rắn đồng đến nhìn lên thánh giá là cũng như Ngài nhảy sang một cách tuyệt vời từ Cựu Ước đến Tân Ước. Thật vậy Chúa chu toàn Cựu Ước nhưng cũng mang lại một chiều kích mới.

Trước hết trong sa-mạc chỉ có dân Giao Ước mà thôi, còn trong Chúa Giê-su tức là trong mọi người, cho cả thế giới, mọi người đều được mời gọi tin để được sống. Ngài lập lại đến hai lần « ai tin vào Người thì được sống muôn đời » Sau đó không chỉ chữa lành bên ngoài, nhưng biến đổi con người từ bên trong. Cũng như thánh sử viết lúc Chúa bị đóng đinh :

 « Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu » ( Ga 19 37)  Đó là ngài trích câu của tiên tri Da-ca-ri-a đã giải thích sự biến đổi con người ấy như thế nào, sự cứu độ của Chúa Giê-su. :

«10 Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng » ( Dc 12-10)

Tinh thần đầy thiện chí và lời khẩn cầu ở đây, là những gì trái ngược hẳn với lời « kêu trách » trong sa-mạc, đây là con người đã xác tín về tình yêu Chúa dành cho con người.

Rõ ràng, đối với thế hệ các Ki-tô hữu lúc ban đầu, thập giá không được xem là một dụng cụ nhục hình, mà là một bằng chứng đẹp nhất của tình yêu của Chúa. Cũng như thánh Phao-lô viết :

 «  23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.   (1Cr 1,23-25) 

Vì thế có hai cách nhìn thập giá của Đấng Ki-tô : Quả thật, đó bằng chứng của hận thù và sự tàn nhẫn của con người, nhưng còn là dấu hiệu của sự dịu hiền và tha thứ của đấng Ki-tô : Ngài chấp thuận lãnh nhận để tỏ ra cho biết tình yêu của Chúa dành cho nhân loại đì đến đâu. Thập giá là nơi biểu hiện tình yêu ấy của Chúa. :  «  Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha »   ( Ga 14,9)  Trên thánh giá chúng ta đọc được sự trìu mến của Chúa, mặc cho con người hận thù thế nào đi nữa. Tình yêu ấy được lây lan : Khi ngắm nhìn nó chúng ta phản chiếu lại. Cũng theo thánh Phao-lô trong thư thứ hai cho dân thành Cô-rin-tô :

«18 Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí. »  (2Cr 3,18)

Chính Chúa Thánh Linh biến đổi chúng ta, để đến nỗi cho phép chúng ta gọi Thiên Chúa « A-ba – Cha ơi »

 

***

Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: 
http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương


Ý kiến của bạn


Mã an ninh
Click thay đổi mã khác

Copyright @ 2021 Cursillo Sài Gòn
Ban Biên tập trang Web Cursillosaigon.org
Email: cursillosg2015@gmail.com