"Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng".
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
4 Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta,
5 nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ
6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.
7 Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người.
8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa;
9 cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.
10 Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.
Một lần nữa chúng ta vô cùng ngạc nhiên và thán phục tính nhất quán của tất cả Thánh Kinh. Trong thư gửi cho dân thành Êphêsô này, trước đoạn chúng ta đang đọc một chút, thánh Phao-lô triển khai một bích họa phi thường về kế hoạch vô cùng nhân từ của Thiên Chúa, theo Ngài đó là chìa khoá để đọc lịch sử loài người. Trong bài hôm nay Ngài chỉ tiếp tục triển khai lời suy niệm ấy. Hẳn chúng ta biết câu sau đây :
«9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương. Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô.10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Kitô » ( Ep 1,9-10)
Trong bài đọc hôm nay, thánh Phao-lô lập lại và triển khai hai ý chính của câu ấy : Trước hết kế hoạch của Chúa dựa trên tình yêu. Thứ hai dự định của Ngài bao trùm tất cả chung quanh Đức Giê-su Ki-tô.
Trước hết kế hoạch của Chúa dựa trên tình yêu. Thánh Phao-lô hay lập đi lập lại nhiều chữ, dĩ nhiên Ngài cố tình viết như thế, chỉ trong chương một này :
« Thiên Chúa giàu lòng thương xót » ; « lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta » « …rất mực yêu mến chúng ta » …Chỉ trong mấy hàng này chữ « ân sủng » được lập lại 3 lần. Tính phong phú của lòng thương xót của Chúa không phải do thánh Phao-lô khám phá, hay trong Tân-ước : Thánh nhân đã học từ giáo lý Do Thái. Đó cũng là một khám phá lớn của dân Ít-ra-en.
«13 Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn » ( Tv 103, 13)
Nhưng trong tình yêu có thể đối tượng không « cảm thông ». Sự sai lầm ấy không ngừng diễn ra từ con người về ý định của Thiên Chúa, đó cũng là đề tài lớn nhất trong Cựu-ước. Hai bài tường thuật kế tiếp nhau về tạo dựng trong sách Sáng thế cũng là một ví dụ điển hình.
Câu chuyện đầu tiên có thể nói bài thơ đầu tiên được nhấn mạnh từng âm tiết « Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp » , vì chương trình của Chúa chỉ có thể tốt đẹp, và ý định của Ngài chỉ vì yêu thương.
Câu chuyện thứ hai kể lại con người không cưỡng lại sự cám dỗ nghi ngờ : Hay là biết đâu ý định của Chúa không quảng đại lắm ? Hay là Ngài lo lắng một ngày con người sẽ quá tiến bộ ? Khổ cho chúng ta là lòng nghi kỵ ấy làm cho chúng ta quay mặt lại với Chúa. Chúa đã cảnh báo, nhưng điều này lại bị hiểu lầm.
Thánh Phao-lô thường trở lại đề tài này :
Con người quay mặt với Thiên Chúa là một người đã già nua, gần chết, không còn sức để quay về nguồn, trở lại gần Thiên Chúa. Chính Chúa phải kéo họ về. :
« 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ » ( Ga3,16-17)
Tình Yêu Chúa dành cho chúng ta to lớn như thế đấy:
« 22 Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối,23 anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,24 và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.( Ep 4, 22-24)
Kế tiếp, kế hoạch Thiên Chúa là qui tụ chung quanh Chúa Giê-su Ki-tô. Thánh Phao-lô dùng rất nhiều lần cụm chữ « với Đức Ki-tô ; trong Đức Ki-tô »
5 nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ
6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.
7 Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người.
10 Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.
Đây là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể thấu đáo được nhưng cũng là trung tâm của đức tin của chúng ta : Nhân loại được kêu gọi hiệp nhất nên một với Đức Ki-tô, đó là sứ vụ tối hậu của chúng ta. Phải nhìn nhận rằng chúng ta còn xa lắm, nhưng cách phát biểu của thánh Phao-lô dùng vào thể quá khứ, đó có nghĩa là phần nào sự đồng hành, sự hiệp nhất ấy đã được thực hiện.
Vài hàng sau đó thánh nhân tiếp tục nói về Con Người Mới :
« 15 Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.16 Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.17Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần.18 Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha » ( Ep 2, 15-18)
Trong thư Cô-lô-xê cũng thế :
“ 19 Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người,
20 cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
21 Cả anh em nữa, xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em.
22 Nhưng nay nhờ Đức Giê-su là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người.( Cl 1, 19-22)
Thêm nữa :
« 10 và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu.11 Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người. ( Cl3,10-11)
Sau cùng thánh Phao-lô nói rõ hơn :
« .8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa » ( Ep 2, 8)
Điều này cũng thế , Cựu-ước cũng đã khám phá : chỉ cần nghe ông Mô-sê nói với dân chúng trong Đệ Nhị Luật :
«7 ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân.8 Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em (Đnl 7,7-8a)
Hay nói cách khác trong Isa-i-a :
« 4 Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương, nên Ta đã thí bao người đổi lấy ngươi, nộp bao dân nước thế mạng ngươi » ( Is 43,4)
Thật ra phải thay đổi câu châm ngôn : ta thường nói “đức tin cứu rỗi”, trên thực tế thánh Phao-lô dạy ta chính “ân sủng cứu rỗi”. Chúng ta không có công sức gì. Như thế nên bỏ đi không bao giờ nói tới công sức ! Thế nhưng, những món quà, chúng ta tự do nhận hay không nhận…Đức tin, có lẽ là như thế: rất đơn sơ, tự nguyện chấp nhận món quà nhưng không đến từ Thiên Chúa.
TB: Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng các thư Cô-lô-xê và Ê-phê-sô không do chính tay thánh Phao-lô viết mà do một môn đệ của Ngài, mãi sau này viết lại và triển khai những ý tưởng thần học hoàn toàn trung thành với thánh tông đồ.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương