"Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời."
Trích thư gởi tín hữu Do-thái.
7 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.
8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục;
9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người,
Sách Do Thái hướng về các Ki-tô hữu gốc Do Thái. Tác giả nhằm soi sáng đức tin còn mới của họ từ nguồn cội đức tin Do Thái và sự am hiểu về Cựu Ước của họ. Mục tiêu nhằm chứng tỏ lịch sử nhân loại đã bước qua một giai đoạn quyết định: Trước kia có Giao Ước cũ , kể từ đây có Giao Uớc Mới do Giê-rê-mi-a loan báo. Giao Ước Mới này được thể hiện trong chính thân thể Đức Ki-tô. Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là con Người, Thiên Chúa thật và là con Người thật, Ngài là Người-Chúa, chính là đấng kết hiệp một cách vĩnh viễn không thể tách rời Thiên Chúa và con người trong chính cương vị của Ngài. Và để linh ứng lời tiên tri Giê-rê-mi-a :
« Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới »(Gr 31 ,31)
Tác giả nhấn mạnh cùng một lúc thiên tính và nhân tính Đấng Ki-tô như một điều bình thường. Hoàn toàn có nhân tính, Ngài phải chịu chết, chịu đau khổ và lo lắng trước cái chết:
7 « Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết »
Câu “khi còn sống kiếp phàm nhân” nói rõ Ngài là người, phải chịu chết…trước viễn ảnh của cuộc bách hại, con đường thương khó Ngài khẩn cầu Đức Chúa Cha để cứu Ngài khỏi phải chết. Cho đến đây chúng ta còn hiểu được.
Thế nhưng tác giả lại thêm Người đã được nhậm lời. Khẳng định như thế thật đáng ngạc nhiên! Vì cuối cùng, mặc cho những lời khẩn cầu ấy Ngài cũng phải chết…Vì thế chúng ta có thể tự hỏi Ngài được nhậm lời những gì…Phải tin rằng những gì Ngài van xin không phải những điều thoạt nhiên chúng ta nghĩ. Đối với chúng ta tiếng kêu van khóc lóc của Chúa Ki-tô, lời cầu nguyện, van xin của Ngài nói lên sự lo lắng trước cái chết và muốn được thoát nạn. Chúng ta đang ở trong Vườn Ghết-sê-ma-ni, mặc dù tác giả không nói tên nhưng, lời ám chỉ khá rõ ràng.
Giai đoạn Vườn Ghết-sê-ma-ni được nhắc tới trong ba Phúc Âm nhất lãm với những lời văn tương tự.( thánh Gio-an không kể lại giai đoạn này, thế nhưng đoạn thánh kinh chúng ta được đọc trong Thánh Lễ chúa nhật thứ V Mùa Chay này cũng là một cách nguyện gẫm về vườn Ghết-sê-ma-ni). Cả ba Phúc Âm đều ghi nhận lòng Chúa thật buồn và lo lắng của Ngài, mà cũng cả lòng quyết tâm của Ngài. Thánh Lu-ca nói :
« Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha » ( Lc 22,42) Nói rằng Chúa Giê-su muốn thoát khỏi sự chết, là điều rõ ràng vậy rồi, thế nhưng lời cầu nguyện của Ngài không ngừng ở đó. Lời cầu nguyện của Chúa thật ra là « làm theo ý Cha… đừng làm theo ý con ». Trong lời cầu nguyện Chúa Ki-tô xem ý của Chúa Cha trên ý riêng của mình. Đây cũng là một bài học tuyệt vời cho chúng ta.
Các nhà tâm lý học phân tích cách sống đạo của chúng ta làm ba giai đoạn phát triển về mặt thiêng liêng. Giai đoạn đầu tiên từ tuổi thơ ấu , chỉ biết có những khát vọng của mình. Đứa bé dậm chân kêu « Con muốn như thế này ». Giai đoạn thứ hai, vì ý thức được sự bất lực của chúng ta để đạt tới những điều chúng ta muốn, thì cầu nguyện xin Chúa giúp. Và lời cầu nguyện sẽ trở thành như thế này « Xin cho ước muốn của con được chấp nhận với sự trợ giúp của Chúa » (Hình như vài lời cầu nguyện của chúng ta cũng như thế ấy). Giai đoạn thứ ba, giai đoạn của đức tin, tức là tuyệt đối tin tưởng vào dự án của Thiên Chúa « làm theo ý Cha… đừng làm theo ý con ».
Chúa Ki-tô có lòng tin hoàn toàn như thế vào Đức Chúa Cha. Ngài « có lòng tôn kính » . Trong Thánh Kinh khi nói tới lòng tôn kính hay vâng phục tức là nói đến lòng hoàn toàn cậy trông. Vì Ngài biết rằng ý của Thiên Chúa lúc nào cũng tốt lành. Trong lời kinh mà Ngài dạy chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta lập lại lời Ngài « Xin nước Cha trị đến » là để dạy chúng ta ao ước ý Chúa được thực hiện vì Chúa không có dự án nào khác hơn là đem đến hạnh phúc cho chúng ta. Như thánh Phao-lô viết trong thư thứ nhất cho Ti-mô tê :
« Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý » ( 1Tm 2,4). Lời cầu nguyện của Chúa Ki-tô được nhậm lời hai lần : Thế gian được cứu độ và Chúa được phục sinh. Câu :Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết là có nghĩa đó, còn câu « khi chính bản thân đã tới mức thập toàn », thì có thể thay chữ tới mức thập toàn bằng chữ Phục sinh :« khi chính bản thân đã tới mức phục sinh ».
Tác giả cũng không do dự nói rằng Chúa Giê-su, như mọi người phải trải qua một thời gian học tập : « Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ». Chữ học dùng ở đây có nghĩa là, như mọi người Ngài có một đoạn đường phải trải qua, đó là con đường đau khổ và lo lắng trước cái chết. Mà chính ở đây, con người có hai thái độ, sợ Chúa hoặc trông cậy nơi Chúa. Và chính vì Ngài không bao giờ từ bỏ trông cậy vào Thiên Chúa của sự sống, con đường ấy dẫn Ngài đến Phục sinh.
Tới đây chúng ta không thể không nghĩ tới giai đoạn ở Xê-da-rê. Khi Chúa Giê-su khởi đầu tiên báo cho các tông đồ những gì Ngài phải trải qua, Phê-rô bắt đầu phản kháng :
« Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! "23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người »( Mt 16, 21-23)
Ở trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giê-su hoàn toàn xem ý Thiên Chúa trên hết ý của chính mình. Bài đọc tiếp tục rằng : Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. Cứu độ ở đây là « biết » mặt thật của Thiên Chúa, tình yêu Ngài làm cho chúng ta được sống. « vâng lời »Chúa Ki-tô, tức là đến phiên chúng ta, trên con đường đau khổ, tin cậy vào Ngài, theo gương của Ngài, và như thế là tin tưởng vào thánh ý Đức Chúa Cha. Chúa Giê-su cho các môn đệ của Ngài bí quyết :
« Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ » ( Lc 22,46) Đây không phải loại tính toán như thể nói « Nếu cầu nguyện tốt, Chúa tránh cho bị cám dỗ ! » Nhưng chính thực tế cầu nguyện là thế : Cầu nguyện tức là ở cạnh Chúa, tin tưởng nơi Ngài, đó là những gì trái hẳn với bị cám dỗ, thứ cám dỗ mà Chúa nói đến : Cám dỗ nghi ngờ Chúa muốn điều dữ cho chúng ta và khiến chúng ta phẫn nộ. Theo Chúa Ki-tô, trước hết có lẽ là dám nói với Chúa những điều ta ao ước và thứ hai là tin tưởng vào Ngài để nói ngay xin : « làm theo ý Cha… đừng làm theo ý con ».
Tái Bút : Chữ « Thập toàn » ở đây có một ý nghĩa khác đó là « thánh hiến » của vị thượng tế ; mục đích chính trong thư Do Thái là để chứng minh Đức Ki-tô thật là vị thượng tế của Giao Ước Mới.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: http://www.eglise.catholique.fr/
Dịch giả: Ernest Marco Huỳnh Lương